ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI XEM XÉT VÀ THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT VỀ THỜI GIỜ LÀM THÊM TRONG 01 THÁNG VÀ TRONG 01 NĂM CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG

23/03/2022

Thực hiện chương trình Phiên họp thứ 9, chiều ngày 23/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 01 tháng và trong 01 năm của người lao động. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì Phiên họp.


Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thời giờ làm thêm trong 01 tháng và trong 01 năm của người lao động, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ: Nhiều ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với Báo cáo thẩm tra sơ bộ số 567/BC-UBXH15, đề nghị cân nhắc đề xuất tên gọi của Nghị quyết cần được điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Xã hội và cơ quan chủ trì soạn thảo đã thống nhất chỉnh lý tên gọi của dự thảo Nghị quyết là: “Nghị quyết về số giờ làm thêm trong 01năm, trong 01 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”.

Về việc mở rộng đối tượng làm thêm giờ trong 01 năm: Nhiều ý kiến đồng tình với việc mở rộng đối tượng áp dụng thời giờ làm thêm trong năm không quá 300 giờ tại Nghị quyết này và đề nghị loại trừ những đối tượng lao động đặc biệt như người lao động chưa thành niên từ 15-18 tuổi, người khuyết tật, phụ nữ đang mang thai, nuôi con nhỏ, người làm nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm...


Toàn cảnh Phiên họp.

Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đa số ý kiến của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Xã hội và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất chỉnh lý Điều 1 của dự thảo Nghị quyết theo hướng bổ sung các trường hợp không thực hiện thời giờ làm thêm theo Nghị quyết này. Đó là người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi; Người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; Người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm  hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; Lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; Lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Có ý kiến đề nghị xem xét nâng mức thời gian làm thêm là không quá 400 giờ trong 01 năm. Về vấn đề này, Ủy ban Xã hội cho biết, trong quá trình thẩm tra dự án Bộ luật Lao động năm 2019, Ủy ban về các vấn đề Xã hội đã tổ chức nhiều cuộc khảo sát, tham vấn ý kiến trực tiếp người lao động và khuyến nghị của Tổ chức Lao động Quốc tế về thời giờ làm thêm; các đại biểu Quốc hội cũng đã thảo luận, cho ý kiến nhiều lần về nội dung này. Bên cạnh đó, phương án nâng mức trần thời gian làm thêm giờ trong 01 năm lên không quá 400 giờ cũng đã được Chính phủ thảo luận, cân nhắc kỹ trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết và thấy rằng, việc nâng lên mức 400 giờ là chưa phù hợp với nhiều nguyên nhân khác nhau. Do đó, Ủy ban Xã hội và cơ quan chủ trì soạn thảo xin phép được giữ như dự thảo Nghị quyết.

Về mức trần thời gian làm thêm giờ trong 01 tháng, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, tiếp tục có 02 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất (của Ủy ban Xã hội) cho rằng, việc nâng trần thời gian làm thêm giờ trong 01 tháng lên mức không quá 72 giờ là quá cao mà chưa cơ quan soạn thảo chưa đưa ra căn cứ thuyết phục, đề nghị chỉ nên nâng trần thời gian làm thêm giờ trong 01 tháng từ không quá 40 giờ lên không quá không quá 60 giờ, tương ứng với việc được áp dụng thời gian làm thêm tối đa trong 01 năm từ 200 giờ lên không quá 300 giờ (150%). Đây cũng là ý kiến được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam lựa chọn để thực hiện mục tiêu bảo đảm sức khỏe, tái tạo sức lao động, an toàn lao động của người lao động.


Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thời giờ làm thêm trong 01 tháng và trong 01 năm của người lao động.

Loại ý kiến thứ hai đồng tình nâng trần thời gian làm thêm giờ trong 01 tháng từ không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ như Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, đây là mức hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Đây cũng là ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Do còn hai loại ý kiến khác nhau, theo sự chỉ đạo của Lãnh đạo Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội đã xin ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hai phương án này. Kết quả: 13/18 đồng chí tán thành phương án 1; 5/18 đồng chí tán thành phương án 2.

Về các ý kiến khác: Có ý kiến đề nghị Chính phủ rà soát để quy định chế độ tiền lương tương xứng với cả thời gian làm thêm giờ được nới rộng, làm thêm giờ trong khoảng từ 40 giờ lên 72 giờ hoặc 60 giờ thì cũng nên tăng lên một tỷ lệ nhất định.

Ủy ban Xã hội thấy rằng, Điều 98 Bộ luật Lao động quy định tiền lương làm thêm giờ được trả tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm theo mức như sau, thấp nhất vào ngày thường ít nhất bằng 150%, vào ngày nghỉ hàng tuần ít nhất bằng 200%, vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương ít nhất bằng 300%. Tuy nhiên để đảm bảo quyền lợi của người lao động được nâng lên một bước khi phải làm thêm quá mức luật định, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Nghị quyết đã bổ sung quy định: “trong trường hợp phải làm thêm giờ, người sử dụng lao động thực hiện các chế độ phúc lợi bảo đảm cho người lao động có điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động” tại khoản 3 Điều 3 của dự thảo Nghị quyết.

Có ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định để lực lượng y tế, lực lượng vũ trang, tuyến đầu chống dịch… trong thời gian qua đã làm thêm vượt quá quy định của Bộ luật Lao động. Về vấn đề này, Ủy ban Xã hội xin báo cáo như sau: Điều 108 của Bộ luật Lao động đã quy định cụ thể về việc làm thêm giờ trong điều kiện đặc biệt, không bị giới hạn về số giờ làm thêm theo quy định tại Điều 107, do đó, xin phép giữ như dự thảo Nghị quyết.


Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đóng góp ý kiến tại Phiên họp.

 Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung thảo luận về các nội dung có trong Nghị quyết. Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu quan điểm: Tại Phiên họp ngày 10/3, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Tờ trình về làm thêm giờ trong tháng, trong năm để phục hồi nền kinh tế-xã hội trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19. Đề xuất này dựa trên nhu cầu của doanh nghiệp, người sử dụng lao động và chính người lao động. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đã tập hợp ý kiến của các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp xuất nhập khẩu như: dệt may, da giày. Qua khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, nhiều người đồng thuận với việc tăng giờ làm thêm. Nhiều doanh nghiệp đã trực tiếp thỏa thuận với người lao động về làm thêm giờ. Tuy nhiên, sự thỏa thuận giữa 2 bên có thể dẫn mất quyền lợi của người lao động. Vì vậy, cần phải có Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 01 tháng và trong 01 năm của người lao động.

Về thời gian làm thêm, nhiều nước trong khu vực và trên thế giới cũng đã điều chỉnh thời gian làm thêm giờ để ổn định kinh tế-xã hội, đảm bảo cuộc sống, thu nhập của người dân sau thời gian dài nghỉ vì đại dịch Covid-19. Qua khảo sát của các hiệp hội, doanh nghiệp, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đồng tình với mức tăng thời gian làm thêm tối đa trong 01 năm từ 200 giờ lên không quá 300 giờ (150%); đồng tình nâng trần thời gian làm thêm giờ trong 01 tháng từ không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ. Chính sách làm thêm giờ cần công khai minh bạch để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.


Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công đóng góp ý kiến tại Phiên họp.

Đồng thuận với đề xuất của Chính phủ về thời giờ làm thêm trong 01 tháng và trong 01 năm của người lao động, Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công cho rằng, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp và người lao động. Vì vậy, đến lúc cần cơ chế linh hoạt để đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp, thu nhập cho người lao động sau khi nghỉ dịch cũng như có giải pháp giữ chân được lao động khi quay trở lại làm việc và cũng để khẳng định vai trò của Việt Nam trong nền kinh tế khi hội nhập với các nước trên thế giới. Vì vậy, cần tăng thời gian làm thêm tối đa trong 01 năm từ 200 giờ lên không quá 300 giờ, nâng trần thời gian làm thêm giờ trong 01 tháng từ không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ.


Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Lê Văn Nghị.

Đưa ra quan điểm về vấn đề trên, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Lê Văn Nghị cho rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần thông qua Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 01 tháng và trong 01 năm của người lao động càng sớm càng tốt. Vì tăng giờ làm thêm thì tất cả các bên đều có lợi. Người lao động sẽ có thêm thu nhập bù đắp cho những ngày nghỉ vì dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ tới thu nhập, điều kiện sống của gia đình. Doanh nghiệp cũng bù đắp đơn hàng, duy trì và phát triển sản xuất. Điều này cũng đem lại tăng trưởng cho sự phát triển kịnh tế của đất nước.

Tăng giờ làm việc là bài toán tổng hòa cần được nghiên cứu kỹ lưỡng dựa trên nhiều yếu tố

Cũng tại Phiên họp, khi đề cập thời giờ làm thêm trong 01 tháng và trong 01 năm của người lao động, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lại cho rằng, đây là vấn đề liên quan đến nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, xã hội... nên cần có cái nhìn toàn diện và để giải quyết hài hòa lợi ích của các bên thì cần có quyết sách tổng hợp. Việc tăng giờ làm việc là bài toán tổng hòa cần được nghiên cứu kỹ lưỡng dựa trên nhiều yếu tố. Một quyết sách liên quan không chỉ là vấn đề lao động, vấn đề sản xuất, việc làm, sức khỏe của người dân mà còn là vấn đề chính trị, vấn đề xã hội và nhiều vấn đề khác nữa.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, việc tăng giờ làm thêm của người lao động phải được xem xét dựa trên phản ứng của dư luận xã hội, người lao động như thế nào, nhu cầu thực tế của doanh nghiệp ra sao. Đặc biệt cần được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng dựa trên sức khỏe của người lao động khi bị mắc Covid-19, ảnh hưởng của hậu Covid-19 cũng như tỷ lệ tái nhiễm bệnh ra sao.


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu quan điểm tại Phiên họp.

Cho rằng việc tăng thêm giờ thì cần tính toán kỹ lưỡng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu quan điểm: Doanh nghiệp muốn tăng năng suất lao động là phải cải tiến khoa học kỹ thuật, công nghệ, chuyển đổi mô hình vào sản xuất, kinh doanh. Chúng ta không thể đánh đổi sức khỏe và tính mạng của người dân để lấy tăng trưởng và phải đảm bảo tăng lương, giảm giờ làm. Thời gian làm việc cần dựa trên quan điểm của người sử dụng lao động, người lao động và cơ sở khoa học về giờ làm theo tháng, theo năm đã được nghiên cứu khoa học. Do đó, có thể tăng thêm giờ làm việc không quá không quá 60 giờ/tháng. Còn việc tăng giờ làm lên 72 giờ/tháng là phải trên nhiều yếu tố tác động, cả về ý nghĩa chính trị, ý nghĩa xã hội và bản chất của chế độ Xã hội Chủ nghĩa cũng như đảm bảo cho lợi ích của người lao động.


Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương bày tỏ ý kiến.

Đứng ở góc độ cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, việc tăng giờ làm thêm theo nhu cầu của doanh nghiệp không phải lúc nào cũng như nhau, tùy từng tháng, từng thời điểm cần tăng lên nhiều. Tuy nhiên, có những tháng không cần phải tăng như vậy. Vì vậy, trong Nghị quyết cần đề cập tới sự linh hoạt trong việc thêm giờ làm việc của lao động, phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Mặt khác, người chưa thành niên hay phụ nữ có thai thì không áp dụng thời gian kéo dài, tăng thời gian làm thêm trong một tháng trên 40 giờ - 60 giờ. Ngoài ra, cần lưu ý tới sức khỏe của người lao động có đáp ứng được việc kéo dài thời gian lao động không thì đề nghị Bộ Y tế cần phải có đánh giá rõ hơn.

Về phía Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cơ bản nhất trí với Báo cáo tiếp thu, giải trình và nội dung của Nghị quyết. Hiện nay, theo Quyết định số 145/2020 về việc hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động tại Điều 61 đã quy định các trường hợp được tổ chức làm thêm từ 200 đến 300 giờ trong năm đã có dịch vụ khám, chữa bệnh. Trong hoạt động khám, chữa bệnh có nhiều nghề, nhiều công việc thuộc danh mục nặng nhọc, độc hại hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại theo dẫn của Thông tư số 11/2020 của Bộ Lao động. Tuy nhiên, tại Điều 1c của dự thảo Nghị quyết có loại trừ việc áp dụng đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại như vậy sẽ bao gồm nhiều công việc mà trong ngành Y tế hiện nay chưa tính đến trường hợp dịch bệnh.


Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn.

Thực tế, nhiều y, bác sĩ trong ngành Y tế đã liên tục làm việc ngoài giờ trong tình trạng quá tải và phải làm ngoài giờ. Như vậy mới có thể giảm tải được các công việc, đặc biệt là một số bệnh viện quá tải ở các bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh và đặc biệt là trong thời buổi dịch bệnh. Qua đó, Bộ Y tế đề xuất có điều khoản phù hợp cho các nhóm ngành nghề liên quan đến khám, chữa bệnh trong điều kiện thiếu hụt nhân lực y tế hiện nay.

Đối với vấn đề hậu Covid-19, ngành Y tế đã ý thức được việc này và đã giao cho các nhà khoa học và một số đơn vị chức năng của Bộ Y tế, đặc biệt là Cục Khám, chữa bệnh và Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo nghiên cứu sắp tới tổ chức hội thảo để xin ý kiến các nhà khoa học, các đơn vị trong nước và ngoài nước để chúng ta có ứng phó cụ thể hơn với hậu Covid-19.


Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương.

Về phía cơ quan đại diện cho phụ nữ, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết, Hội đã có ý kiến trong các cuộc họp trước và lý do vì sao Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đề xuất 2 điểm. Thứ nhất là đưa vào đối tượng đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng sẽ không làm thêm giờ. Thứ hai là việc tăng thời gian làm việc 60 giờ/tháng, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhận thấy, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, lao động không trả công như lao động chăm sóc việc nhà đã tăng lên rất nhiều so với bình thường. Vì thế, nếu thời gian làm thêm tăng ở mức tối đa lên đến 72 giờ sẽ tạo thêm gánh nặng công việc. Tất nhiên, họ sẽ được hưởng lương trong thời gian đấy, nhưng rõ ràng về mặt khả năng, về sức lao động, về thời gian tái tạo sức lao động sẽ bị giảm xuống. Chính vì vậy, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đề xuất theo phương án tăng giờ làm việc chỉ là 60 giờ/tháng.

Phát biểu Kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động.


Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu Kết luận Phiên họp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoan nghênh Ủy ban Xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan tham gia quá trình tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, trong một thời gian ngắn đã tổ chức nghiên cứu và phối hợp rất chặt chẽ, hiệu quả. Qua thảo luận, ý kiến của các đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn giao Ủy ban Xã hội chủ trì, phối hợp với Ủy ban Pháp luật và các cơ quan có liên quan rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trước khi trình ký chứng thực; trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.


Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động.

Trong khuôn khổ Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động với tỷ lệ 100% ý kiến tán thành./.

Bích Lan-Phạm Thắng

Các bài viết khác