Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo
Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ Báo cáo của Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2016, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, năm 2016, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngày càng được chú trọng, quyết liệt, mạnh mẽ và hiệu quả hơn. Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2016 đã góp phần tích cực bổ sung nguồn lực thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực đáng khích lệ vẫn còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế, yếu kém cần tiếp tục khắc phục.
Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, về định mức, tiêu chuẩn, chế độ còn chậm, thực hiện chưa nghiêm; Quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước tuy đã được siết chặt gắn với yêu cầu tiết kiệm, hiệu quả nhưng có lúc, có nơi còn để xảy ra lãng phí, thất thoát, tiêu cực; Việc mua sắm, sử dụng trang thiết bị, phương tiện của cơ quan, tổ chức trong khu vực nhà nước vẫn còn biểu hiện lãng phí.
Bên cạnh đó, việc quản lý đầu tư, xây dựng trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước hiệu quả chưa cao; Lãng phí, thất thoát trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản vẫn còn nhiều và chậm được khắc phục; Quản lý, khai thác sử dụng tài nguyên khoáng sản vẫn còn bất cập, hiệu quả chưa cao, gây lãng phí tài nguyên; Công tác quản lý đất đai còn những yếu kém, chất lượng lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của một số địa phương chưa đạt yêu cầu.
Trong năm 2016, Chính phủ đã có chỉ đạo quyết liệt về tinh giản bộ máy cơ quan nhà nước, tuy nhiên, việc tinh giản biên chế chưa gắn với cơ cấu lại cán bộ, công chức, viên chức và tỷ lệ tinh giản biên chế chưa đạt được mục tiêu đề ra, các giải pháp chưa được thực hiện quyết liệt, đồng bộ; quy định về quản lý cán bộ, công chức còn nhiều hạn chế, bất cập.
Trong quản lý và sử dụng vốn và tài sản nhà nước của doanh nghiệp nhà nước có chuyển biến song chưa đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân vẫn mang tính khẩu hiệu, chưa đạt được hiệu quả cao.
Từ những hạn chế trên, Ủy ban Tài chính-ngân sách kiến nghị Quốc hội cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát việc thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, mua sắm và sử dụng tài sản công; Đề nghị Quốc hội bố trí thời gian tại kỳ họp để thảo luận và cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ đánh giá Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thay cho việc gửi báo cáo để các đại biểu nghiên cứu như hiện nay.
Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, các địa phương cần tập trung chỉ đạo đẩy mạnh việc hoàn thiện hệ thống định mức, tiêu chuẩn, chế độ làm cơ sở thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xây dựng và hoàn thiện các văn bản Luật, Pháp lệnh, các nghị định hướng dẫn thi hành theo đúng Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ; hoàn thiện các dự án Luật trình Quốc hội thông qua. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; gắn công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm.
Đồng thời, các cơ quan của Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt công tác cải cách hành chính, tập trung rà soát lại bộ máy quản lý nhà nước, bám sát theo quy định của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý quy hoạch; Xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính- Ngân sách về việc thực hành, tiết kiệm chống lãng phí năm 2016.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ cần xem xét lại bố cục của Báo cáo về việc thực hành, tiết kiệm chống lãng phí năm 2016, để bố trí các nội dung đảm bảo tính logic, phù hợp hơn. Cụ thể nội dung Báo cáo nên sắp xếp vấn đề, thứ nhất là thực hiện có hiệu quả Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của trung ương Đảng; Thứ hai là tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết trung ương 3; Thứ ba là hoàn thiện thể chế pháp luật cải cách hành chính; Thứ tư là Chính phủ ban hành nhiều nghị quyết quan trọng để triển khai nhiệm vụ kinh tế-xã hội. Cuối cùng là các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp mới xây dựng chương trình để thực hiện chỉ thị của Thủ tướng.
Về các nhiệm vụ, giải pháp tiết kiệm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị chú ý tính khả thi. Ví dụ như giải pháp tập trung xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản, có làm được hay không, phải tính đến tính khả thi của từng nhiệm vụ. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trong vấn đề thực hành tiết kiệm, cần nhấn mạnh vấn đề đạo đức công vụ, tinh thần phục vụ dân để không gây ra lãng phí thời giờ, công sức, tiền bạc của nhân dân, doanh nghiệp.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ xem xét lại về bố cục và các nhận định có phần chưa thống nhất với thực tiễn trong báo cáo. Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị nên có biểu dương những địa phương, đơn vị có thành tích trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bên cạnh đó, một số hiện tượng mặc dù đã xảy ra nhiều năm, nhưng vẫn chậm được khắc phục như vấn đề xây dựng cơ bản, mua sắm công, vấn đề sử dụng tài nguyên, vấn đề lễ hội, công tác cải cách thủ tục hành chính cũng cần hết sức chú ý nêu trong báo cáo này. Trên cơ sở những ý kiến của Ủy ban thường vụ, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ hoàn chỉnh lại báo cáo này cho đầy đủ, toàn diện trước khi trình ra Quốc hội.