Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung: Phấn đấu quy tập hài cốt các liệt sĩ nhanh và sớm nhất

18/04/2017

Ngày 18/4, tại phiên họp lần thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương Binh và Xã hội về giải pháp để đẩy nhanh việc rà soát, giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công, đặc biệt là những hồ sơ còn tồn đọng, vướng mắc. Thực trạng công tác quản lý nhà nước về đào tạo nghề; giải quyết việc làm cho thanh niên, nhất là thanh niên ở vùng nông thôn, bộ đội, công an xuất ngũ. Vấn đề chuyển đổi, quản lý các trung tâm cai nghiện trong cả nước.

Đây là lần đầu tiên diễn ra hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được truyền hình trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố và phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri, nhân dân cả nước theo dõi. 

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp UBTVQH

Phát biểu trước khi tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, trước những vấn đề bức xúc của xã hội, thu hút sự quan tâm của đại biểu Quốc hội, của cử tri cả nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn các nhóm vấn đề còn hạn chế, bất cập thuộc vấn đề quản lý nhà nước cần có giải pháp xử lý kịp thời, đồng bộ và hiệu quả để đưa ra chất vấn. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các đại biểu Quốc hôi cần hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề; các Bộ trưởng cần trả lời cụ thể, trực diện, thẳng thắn nhận trách nhiệm, không né tránh. Đồng thời, cần nêu lên các giải pháp, lộ trình, mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu đạt được và cam kết khắc phục để của tri cả nước có điều kiện theo dõi giám sát và đánh giá chất lượng hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội.  Đối với các vấn đề liên quan tới nhiều bộ, ngành, Bộ trưởng và trưởng ngành liên quan sẽ tham gia trả lời cùng để làm sáng tỏ vấn đề... 

Tiếp đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, các đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương bình và Xã hội.

Liên quan đến giải pháp để đẩy nhanh việc rà soát, giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công, đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt- tỉnh Gia Lai chia sẻ nhiều trăn trở và cho rằng đây là điều day dứt nhất, khắc khoải nhất, đó là việc tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ. Đại biểu Đinh Duy Vượt nêu câu hỏi: hiện chúng ta còn tới 200.000 hài cốt liệt sĩ nằm rải rác chưa được quy tập và trên 300.000 hài cốt đã quy tập nhưng chưa rõ danh tính. Vậy Bộ trưởng có giải pháp gì để quy tập hết các liệt sĩ và làm gì để ngăn ngừa được tình trạng các nhà ngoại cảm thất đức?

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội

Trả lời câu hỏi của đại biểu Đinh Duy Vượt, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, vấn đề đại biểu thắc mắc cũng chính là điều day dứt, đau lòng nhất của chúng ta. Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội coi đây là việc đặc biệt quan tâm, hứa với Quốc hội cố gắng phấn đấu càng nhanh càng tốt, càng sớm càng tốt tìm kiếm được phần mộ của các liệt sĩ vì để lâu sẽ không còn cơ hội tìm thấy nữa.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết thêm, trong số 200.000 liệt sĩ chưa được tìm thấy, tập trung nhiều ở Hà Giang, miền Trung, miền Nam và các nước bạn. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đặc biệt quan tâm, trực tiếp chủ trì một cuộc họp, quyết định thành lập Ban chỉ đạo quốc gia 1237 tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ do 1 Phó thủ tướng làm trưởng ban, Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội làm phó ban. Hiện vẫn có 20 đội quy tập chuyên nghiệp do lực lượng quân đội chủ trì, làm việc thường xuyên, phối hợp với nhân dân và nước bạn để tìm kiếm. Từ đầu năm đến nay đã quy tập được hơn 8.000 liệt sĩ.

Về xác định danh tính liệt sĩ, Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết hiện vẫn đang thực hiện theo đề án xác định danh tính hài cốt còn thiếu thông tin (Đề án 150). Theo đề án này, Bộ đang thực hiện nhiều giải pháp để xác định, trong đó giải pháp chính là xác định gen. Năm qua đã trả lại tên cho hơn 3.200 liệt sĩ và đưa về các gia đình. Tuy nhiên, để xác định được con số trên đã phải xét nghiệm trên 12.000 mẫu sinh phẩm liệt sĩ và chừng ấy mẫu tương đương của gia đình.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết, hiện Chính phủ đang giao 3 đơn vị chuyên xét nghiệm gen là quân đội, công an và Viện Hàn lâm khoa học công nghệ. Tới đây dự kiến cho phép thêm Bộ Y tế và một số cơ sở khác, nâng thành 6 cơ sở để mở rộng tìm kiếm lâu dài. Bộ trưởng cho biết, Bộ đã báo cáo Chính phủ xin lập ngân hàng gen để lưu lại những mẫu đã xét nghiệm và những mẫu sắp tới để lưu lại, khi đó gia đình có thể chủ động tự lấy mẫu để đối chiếu. 

Hồ Hương