Chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 9 của UBTVQH: Đảm bảo sự minh bạch trong tiếp cận thông tin để áp đảo thông tin xuyên tạc, sai trái trên mạng xã hội

18/04/2017

Tiếp tục chương trình làm việc tại Phiên họp thứ 9, chiều 18/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm vấn đề liên quan đến công tác quản lý an toàn thông tin mạng; việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các phương tiện thông tin điện tử…Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã trực tiếp trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội.

Mạng xã hội đang rơi vào "mê hồn trận" của thông tin xấu, tốt lẫn lộn

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương: Những thông tin xuyên tạc và sai sự thật hiện khá phổ biến trên mạng xã hội          Ảnh: Đình Nam

Mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn về nội dung này, theo đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Sỹ Cương- tỉnh Ninh Thuận, hành vi đăng tải những thông tin xuyên tác và sai sự thật hiện khá phổ biến trên mạng xã hội, nguy hiểm hơn là việc lập các trang Facebook giả của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Nhấn mạnh đây là một việc làm rất nguy hiểm, gây nhiều hệ lụy cho chế độ, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra giải pháp cho vấn đề này?.

Cùng chất vấn về nội dung trên, ĐBQH Nguyễn Tạo- tỉnh Lâm Đồng cho rằng, trong thời gian qua, trên môi trường mạng đã và đang xuất hiện nhiều vấn đề nổi cộm gây bức xúc trong dư luận xã hội, cụ thể là việc tung tin, phát tán thông tin không đúng sự thật. Các nội dung xấu, nhiều thông tin bình luận, phát ngôn thiếu chuẩn mực, trái pháp luật, kích động bạo lực, thù hằn, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, thậm chí vu khống, bôi nhọ, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, uy tín của một số cá nhân và tổ chức.

Đánh giá dường như người sử dụng Internet và mạng xã hội hiện nay đang rơi vào thế "mê hồn trận" của thông tin xấu, tốt lẫn lộn, xấu nhiều hơn tốt, thiếu những luồng thông tin mang tính định hướng mạnh mẽ cho dư luận xã hội, đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử lý vấn đề này như thế nào trong thời gian qua, đồng thời có những giải pháp gì như về hành lang pháp lý, công tác tuyên truyền nhằm giải quyết từng bước triệt để vấn đề này?

Số lượng người dùng mạng xã hội ở Việt Nam rất cao so với các nước trên thế giới

Trước những vấn đề được các đại biểu Quốc hội nêu ra, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Trương Minh Tuấn cho biết, hiện nay, môi trường mạng là một khái niệm khá rộng nhưng có thể chia làm 2 loại: Thứ nhất là các báo điện tử và mạng xã hội trong nước được cấp phép và hoạt động theo Luật báo chí và các quy định khác của pháp luật Việt Nam. Thứ hai là các mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam như là Facebook, Youtube, Blog.v.v...

Số lượng người dùng mạng xã hội ở Việt Nam rất cao so với các nước trên thế giới, nước ta hiện có khoảng 45 triệu người có tài khoản Facebook; Việt Nam cũng là một trong 10 nước có lượng người sử dụng Youtube cao nhất thế giới. Mạng xã hội là nơi để giao lưu, chia sẻ thông tin, trao đổi tri thức, kinh nghiệm nghề nghiệp, kể cả hoạt động sáng tạo, tiêu dùng, mua bán trên mạng xã hội, văn hóa…., nhìn chung đây là sân chơi vô cùng hữu ích và làm thay đổi tận gốc cung cách truyền thông và giáo dục, học tập truyền thống- Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đánh giá.

Các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đang tận dụng triệt để mạng xã hội để tuyên truyền chống Đảng và Nhà nước

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, tin tức lan truyền trên mạng xã hội với “tốc độ chóng mặt”, không chỉ những người sử dụng mạng xã hội tiếp cận thông tin mà nó nhanh chóng lan truyền đến các công sở, trên các đường phố, ngay cả trong các khu dân cư, chợ búa, mọi ngõ ngách của xã hội. Tin tốt sẽ gây hiệu ứng vô cùng tích cực, còn tin xấu sẽ gây hậu quả khôn lường cho xã hội. Ở nước ta, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đang tận dụng triệt để mạng xã hội để tuyên truyền chống Đảng và Nhà nước, tung tin sai sự thật, hoặc tung tin thật giả lẫn lộn để gây hoang mang cho người dân, tạo bất an cho xã hội. Do ý thức của một bộ phận dân cư mạng, nhận thức pháp luật của một bộ phận dân cư mạng còn kém, còn một số yếu tố khác nên đã đẩy xã hội bị phơi nhiễm ngày càng mạnh bởi mạng xã hội đầy rẫy những tin tức khiêu dâm, bạo lực, tung tin thất thiệt, nói xấu người này người khác. Đây chính là những nhóm vấn đề nghiêm trọng nhất của mạng xã hội hiện nay.

Về nội dung thông tin trên mạng xã hội, hiện nay cung cấp bởi 2 nguồn: Một là từ các cơ quan báo chí chính thống gồm báo in, báo điện tử, phát thanh truyền hình. Hai là từ truyền thông xã hội, các trang thông tin điện tử và mạng xã hội do tổ chức cá nhân không phải là cơ quan báo chí đăng tải. Với 2 nguồn cung cấp như trên, nó tác động đến từng nguồn đối với xã hội cũng khác nhau. Việc thông tin trên mạng thời gian qua xuất hiện một số vấn đề nổi cộm gây bức xúc trong dư luận xã hội như những hành vi tung tin giả, phát tán tin xấu độc, nhiều phát ngôn bình luận thiếu chuẩn mực, thậm chí vi phạm pháp luật như nói xấu, kích động hận thù, vu khống, bôi nhọ, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, uy tín của cá nhân và tổ chức chủ yếu xuất phát từ nguồn truyền thông xã hội, đặc biệt trên các mạng xã hội do tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam.

Xử lý nhiều trường hợp vi phạm, gỡ bỏ nhiều video clip xấu, độc hại

Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nêu rõ, đối với các trường hợp vi phạm xác định được nhân thân của người vi phạm thì sẽ áp dụng các quy định của pháp luật hiện hành để xử lý. Vừa qua, vào năm 2015 đã xử phạt hành chính 11 trường hợp, năm 2016 đã xử phạt 4 trường hợp và tiến hành 2 đợt thanh tra. Chỉ tính từ đầu năm 2017 đến ngày 12/4 đã tiến hành xử phạt 10 trường hợp. Đối với các trường hợp không xác định được nhân thân, trước đây việc yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nước ngoài như Google, Youtube, Facebook gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam là rất khó khăn, nhất là các trường hợp có yếu tố chính trị do sự khác biệt về môi trường pháp lý giữa Việt Nam với các nước khác. Tuy nhiên, từ giữa tháng 2 trở lại đây, khi có Thông tư 38/2016/TT-BTTTT thì Bộ đã có cơ sở pháp lý để yêu cầu các doanh nghiệp nêu trên phải tuân thủ các quy định pháp luật Việt Nam.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Bộ TTTT đã yêu cầu Google ngăn chặn, gỡ bỏ hơn 2.200 video clip xấu trên kênh Youtube

Đồng thời Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát hiện, cảnh báo cho các doanh nghiệp quảng cáo về tình trạng Google gắn quảng cáo của nhiều thương hiệu nổi tiếng ở trong và ngoài nước trên các video clip phản động, bịa đặt, bôi nhọ lãnh đạo cấp cao trên kênh Youtube của Google. Chính điều này đã dẫn đến việc các đại lý quảng cáo lớn ở Việt Nam đồng loạt dừng quảng cáo trên toàn hệ thống của Google trong thời gian vừa qua. Từ cơ sở đó, phía Google đã đồng ý thiết lập cơ chế riêng để Bộ Thông tin và Truyền thông có thể yêu cầu Google gỡ bỏ số lượng lớn các video clip vi phạm trên Youtube.

Đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu Google ngăn chặn, gỡ bỏ hơn 2.200 video clip có nội dung chủ yếu là nói xấu, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát trên kênh Youtube. Đến ngày 12/4/2017, Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ 1.299 video clip xấu, độc trên kênh Youtube theo đề nghị của Bộ, trong đó có việc phối hợp để xử lý một kênh phản động có 517 video clip. Không chỉ ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm trên youtube, gần đây nhất trong buổi làm việc vào ngày 4/4/2017, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục làm việc và yêu cầu google đồng ý thiết lập cơ chế ngăn chặn, gỡ bỏ thông xin xấu độc, vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam trên các nền tảng khác của Google như các Blog hay các trang web sử dụng hạ tầng của Google. Trong tháng tới, Bộ sẽ tiếp tục làm việc với Facebook để gỡ bỏ các trang mạo danh các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Đảm bảo sự minh bạch trong tiếp cận thông tin là giải pháp căn bản nhất để áp đảo thông tin xuyên tạc, sai trái trên mạng xã hội

Về các giải pháp của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, thứ nhất, để đối phó có hiệu quả nhất với tin giả, tin xấu trên mạng xã hội thì cần thiết phải có tính chính xác của thông tin và kịp thời của thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng chính thống. Khi thông tin trên báo chí chính thống không đầy đủ hoặc chậm thì người dân sẽ tìm đọc trên mạng xã hội và phải nhìn nhận thực tế là số đông người ta đều tin vào tin tức trên báo chí chính thống, bằng chứng là lượng người đọc trên báo điện tử vẫn là nổi trội, vẫn áp đảo. Chính vì vậy, việc quy hoạch báo chí, làm trong sạch đội ngũ những người làm báo, chấn chỉnh những tiêu cực, đảm bảo sự minh bạch trong tiếp cận thông tin là giải pháp căn bản nhất để áp đảo những thông tin xuyên tạc, thông tin sai trái trên mạng xã hội. Thứ hai, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ rà soát lại hành lang pháp lý và sẽ kiến nghị bổ sung cho phù hợp với luật pháp Việt Nam và thông lệ quốc tế đối với lĩnh vực này. Bộ cũng vừa thành lập tổ công tác xử lý thông tin vi phạm trên mạng với sự tham gia của các đơn vị có liên quan như Bộ Công an để phối hợp xử lý thông tin vi phạm một cách nhanh chóng, hiệu quả nhất. Từ việc phát hiện, xác định thông tin vi phạm cho tới việc thực hiện các biện pháp xử lý hành chính, ngăn chặn kỹ thuật cũng như phối hợp xử lý với các đơn vị chức năng của các cơ quan, các bộ, ngành và các địa phương.

Về giải pháp kỹ thuật, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổng hợp nắm bắt thực trạng các doanh nghiệp trong nước cho tổ chức, cá nhân nước ngoài thuê chỗ lưu trữ thông tin số tại Việt Nam, qua đó sẽ tiến hành các biện pháp cần thiết đối với các doanh nghiệp này và yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài như Google, Facebook phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Đây chính là một trong những giải pháp then chốt về mặt kỹ thuật mà Bộ sẽ triển khai trong thời gian tới- Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng sẽ nghiên cứu phương án xây dựng công cụ quản lý thu thập, phòng ngừa và cảnh báo, công cụ đánh giá truy cập web để làm căn cứ thực hiện các chính sách quản lý nhà nước về thông tin trên internet. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các đơn vị quản lý và doanh nghiệp nghiên cứu để định hướng trong việc xây dựng bộ lọc và có cơ chế cập nhật khi có yêu cầu các doanh nghiệp để thực hiện, kịp thời ngăn chặn truy cập, chia sẻ, tạm ngừng hiện thị nội dung trên mạng internet khi phát hiện thông tin vi phạm.

Tăng cường hợp tác quốc tế để thiết lập đầu mối và phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý thông tin vi phạm

Mặt khác, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có những giải pháp về truyền thông và nâng cao nhận thức, cụ thể sẽ chủ động cung cấp, định hướng thông tin kịp thời cho các cơ quan báo chí như các biện pháp mà Bộ đang triển khai và yêu cầu Google, Facebook nói riêng và các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp thông tin công cộng xuyên biên giới vào Việt Nam phải tuân thủ những quy định của pháp luật Việt Nam; tăng cường sự giám sát, phát hiện thông tin sai phạm từ cộng đồng; tiếp tục chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan để triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho người sử dụng mạng xã hội.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng sẽ tăng cường hợp tác quốc tế để thiết lập các đầu mối và cơ chế phối hợp giữa Bộ với các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam, trong việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xáo động vi phạm pháp luật Việt Nam; đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế trong khu vực và trên thế giới để tăng cường trao đổi kinh nghiệm xử lý các vấn đề này. Bên cạnh đó, với vai trò là cơ quan chịu trách nhiệm đầu mối quản lý, xử lý thông tin vi phạm nói chung theo quy định về quản lý cung cấp và sử dụng thông tin trên mạng, Bộ Thông tin và Truyền Thông, các Sở Thông tin và Truyền thông các địa phương sẽ phối hợp với các bộ, ngành, các sở chức năng ở địa phương để xử lý các thông tin vi phạm.

Quang Minh