HÌNH ẢNH PHIÊN GIẢI TRÌNH VIỆC THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG KINH PHÍ BẢO TRÌ NHÀ CHUNG CƯ

24/04/2019

Sáng 24/4, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật tổ chức phiên giải trình việc thực hiện pháp luật về quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư hiện nay, những vướng mắc, bất cập và giải pháp tháo gỡ. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định chủ trì buổi làm việc.

Tại phiên giải trình, các thành viên Ủy ban Pháp luật cùng các đại biểu Quốc hội đã đặt ra thẳng thắn chỉ ra nhiều vấn đề trong quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư như về cách tính phí bảo trì, thời điểm thu kinh phí bảo trì, phương thức quản lý, sử dụng; việc cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì; việc tổ chức Hội nghị nhà chung cư, thành lập Ban quản trị nhà chung cư; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm.

Các đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm rõ việc quy định mức phí bảo trì chung cư là 2% giá trị căn hộ mà người mua phải đóng cho 20 năm đầu và việc giao cho chủ đầu tư thu có thực sự phù hợp, thực tế tại các chung cư sử dụng khoản kinh phí này như thế nào; phân định trách nhiệm bảo hành và bảo trì chung cư của chủ đầu tư. Cùng với đó, trách nhiệm của Ban quản trị nhà chung cư là rất lớn, tuy nhiên thực tế nhiều nhà chung cư không thể thành lập được Ban quản trị, các thành viên tham gia Ban quản trị không đủ năng lực để thực hiện các nhiệm vụ trong việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì. Do đó, các đại biểu đề nghị Bộ có quan tâm để giải quyết vấn đề này, cần có nghiên cứu về các mô hình Ban quản trị, việc thành lập Ban quản trị bảo đảm thực hiện hiệu quả hơn vai trò đại diện cho chủ sở hữu nhà chung cư. Các đại biểu cũng đề nghị cần có đánh giá đầy đủ để xác định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, Ban quản trị và cơ quan quản lý nhà ở địa phương trước những bất cập hiện nay... Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cũng đã giải trình các vấn đề ĐBQH nêu.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên giải trình:

Ủy ban Pháp luật tổ chức phiên giải trình việc thực hiện pháp luật về quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư hiện nay, những vướng mắc, bất cập và giải pháp tháo gỡ

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định chủ trì buổi làm việc

​Phát biểu khai mạc phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu rõ, vấn đề nhà ở được Đảng, Nhà nước và nhân dân rất quan tâm. Cùng với đà tăng trưởng kinh tế, tình hình gia tăng dân số, sự sôi động của thị trường bất động sản thì việc phát triển nhà ở chung cư ngày càng phổ biến, tạo diện mạo mới cho đô thị, cho đất nước, đáp ứng đời sống của nhân dân. Trong quá trình phát triển đó có nhiều mặt tiến bộ, ngày càng đổi mới nhưng cũng còn có vấn đề tồn tại cần được khắc phục.

 

Tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã báo cáo đánh giá tình hình thực hiện pháp luật trong quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư trong phạm vi cả nước

​Phát biểu tại phiên giải trình, các thành viên Ủy ban Pháp luật cùng các đại biểu Quốc hội đã đặt ra thẳng thắn chỉ ra nhiều vấn đề trong quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư như về cách tính phí bảo trì, thời điểm thu kinh phí bảo trì, phương thức quản lý, sử dụng; việc cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì; việc tổ chức Hội nghị nhà chung cư, thành lập Ban quản trị nhà chung cư; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm.

​Đại biểu Trần Hồng Nguyên - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị tăng cường sự quản lý của chính quyền địa phương trong việc quản lý, vận hành các chung cư trên địa bàn

Các đại biểu cũng nêu rõ trách nhiệm của Ban quản trị nhà chung cư là rất lớn, tuy nhiên thực tế nhiều nhà chung cư không thể thành lập được Ban quản trị, các thành viên tham gia Ban quản trị không đủ năng lực để thực hiện các nhiệm vụ trong việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì.

Đại biểu Phan Thái Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, đề nghị làm rõ việc sử dụng kinh phí bảo trì 2% hiện nay có thực sự đúng mục đích

Đại biểu Ngô Trung Thành - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật phát biểu tại phiên họp

Các đại biểu cũng đề nghị cần có nghiên cứu về các mô hình Ban quản trị, việc thành lập Ban quản trị bảo đảm thực hiện hiệu quả hơn vai trò đại diện cho chủ sở hữu nhà chung cư

Tại phiên giải trình, đại diện Tp. Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh đề xuất nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư hiện nay

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Trần Nam phát biểu tại phiên giải trình

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà giải trình các vấn đề đại biểu quan tâm

Kết luận nội dung phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, qua trao đổi, thảo luận, các đại biểu đánh giá cao một số nội dung Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan đã thực hiện việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cơ bản hoàn thiện và được tổ chức thực hiện khá tốt.Với trên 90% nhà chung cư không phát sinh tranh chấp, khiếu nại cho thấy chính sách, pháp luật đã đi vào cuộc sống. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, đây là những chuyển biến tích cực, đáng ghi nhận, cần tiếp tục phát huy.

Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại ở một số địa phương chấp hành chưa nghiêm về quản lý sử dụng kinh phí bảo trì làm phát sinh tranh chấp. Tuy tỷ lệ không nhiều những có một số tranh chấp, khiếu nại kéo dài tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự. Do đó đề nghị cần phải có giải pháp sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế này

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng lưu ý công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, phát huy vai trò đoàn thể, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, tiếp thục triển khai thực hiện chỉ thị số 29 ngày 9/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường thông tin tuyên truyền phản ánh đúng khách quan tình hình, đấu tranh phê phán hành vi tiêu cực nhưng cũng kịp thời biểu dương nhân rộng các mô hình quản lý vận hành tốt, bảo vệ quyền lợi người dân, an ninh trật tự xã hội.

Trọng Quỳnh