GIẢI TRÌNH VỀ CÔNG TÁC THẨM ĐỊNH VÀ TIẾP THU, GIẢI TRÌNH Ý KIẾN THẨM ĐỊNH TRONG CHỈNH LÝ, HOÀN THIỆN DỰ ÁN LUẬT, PHÁP LỆNH, NGHỊ QUYẾT

24/04/2019

Chiều 24/4, tiếp tục chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 18, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiến hành phiên giải trình về công tác thẩm định và việc tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định trong chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phiên giải trình công tác thẩm định và việc tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định trong chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Tham dự phiên giải trình có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, đại diện thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các Bộ ngành hữu quan cùng các đại biểu Quốc hội và thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Thẩm định đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát, nâng cao chất lượng văn bản

Liên quan đến nội dung giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu rõ, từ khi có Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đến nay thì thẩm định là khâu rất quan trọng trong quá trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật và quá trình này đòi hỏi có sự tham gia của nhiều chủ thể trong thời gian dài từ quá trình xây dựng chính sách đến quá trình ban hành văn bản hướng dẫn quy định chi tiết.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, thẩm định vừa có vai trò kiểm soát vừa có vai trò nâng cao chất lượng văn bản; là cơ sở quan trọng để Chính phủ quyết định thông qua hay không thông qua việc trình lên Quốc hội; là cơ sở quan trọng để Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội, đại biểu Quốc hội có ý kiến thảo luận cụ thể. Ý kiến thẩm định là cơ sở để các cơ quan chủ trì soạn thảo các văn bản tiếp thu hoàn chỉnh cả về mặt nội dung và kỹ thuật lập pháp để hoàn thiện hồ sơ dự án văn bản trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định phát biểu khai mạc phiên giải trình

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, thời gian qua, công tác thẩm định đã đạt được nhiều kết quả tích cực với nhiều đổi mới hiệu quả từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Với mục tiêu chung là cải thiện thời gian tiến độ thẩm định, nâng cao chất lượng thẩm định, đóng góp vào việc kiểm soát, nâng cao chất lượng các văn bản trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội, góp phần bảo đảm cho luật đi vào cuộc sống, Ủy ban Pháp luật lựa chọn nội dung giải trình về công tác thẩm định và việc tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định. Qua đó rà soát phát hiện những điểm tốt để tiếp tục duy trì trong Luật và chỉ rõ những gì Luật quy định chưa rõ, công tác phối hợp trong thực tế chưa chặt chẽ, quy định chưa cụ thể để có hướng khắc phục và trong quá trình xem xét sửa Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật có những sửa đổi phù hợp, đồng thời có những kiến nghị với các Bộ ngành trong quá trình triển khai.

Còn hạn chế trong tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định

Báo cáo tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, xác định tầm quan trọng của công tác thẩm định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo trực tiếp nhiệm vụ này. Bộ Tư pháp  đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác thẩm định. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ Tư pháp đã thẩm định 71 dự án, dự thảo, công tác thẩm định và giải trình tiếp thu ý kiến thẩm định dự án, dự thảo văn bản đạt được những nhiều kết quả.

Tuy nhiên, thực tế, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp đối với một số dự án, dự thảo chưa tiếp thu đầy đủ hoặc có giải trình nhưng chưa thuyết phục; một số dự án, dự thảo chưa có ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp những đã trình Chính phủ hoặc vừa gửi Bộ Tư pháp thẩm định vừa trình Chính phủ, không có báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định; có trường hợp dự án, dự thảo bổ sung nội dung mới sau thẩm định…

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nguyên nhân của những hạn chế trong giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định là do một số cơ quan chủ trì soạn thảo chưa quan tâm đúng mức đến việc giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định; gửi hồ sơ thẩm định còn chậm nên không đủ thời gian để giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định. Cùng với đó là đội ngũ cán bộ xây dựng pháp luật và pháp chế còn thiếu về số lượng, hạn chế về năng lực, việc phối hợp với cơ quan thẩm định trong giải trình tiếp thu ý kiến thẩm định chưa được thực hiện nghiêm túc.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long báo cáo tại phiên giải trình

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng khẳng định, khi Chính phủ cho ý kiến về dự án, dự thảo, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp là một trong những cơ sở quan trọng để các thành viên Chính phủ tham khảo trong quá trình thảo luận. So với nhiệm kỳ trước, việc gửi hồ sơ dự án, dự thảo, chất lượng hồ sơ dự án có những cải thiện tiến bộ; việc tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư  pháp được chú trọng thực chất hơn. Tuy nhiên vẫn còn một số dự án, dự thảo trình Chính phủ chậm, nội dung sơ sài, hình thức; còn có trường hợp tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp một cách hình thức, chưa thuyết phục hoặc thể hiện quan điểm cứng nhắc, chưa tạo được sự đồng thuận.

Do đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ Tư pháp có nghiên cứu, sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong đó quy định rõ thời gian trình dự án, dự thảo trước Phiên họp Chính phủ, xác định rõ hơn trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo, Ban soạn thảo, Tổ biên tập, Bộ Tư pháp và cơ quan hữu quan trong tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định.

Tăng cường trách nhiệm phối hợp của các bộ, ngành trong thẩm định và tiếp thu giải trình ý kiến thẩm định

Tại phiên giải trình, khẳng định vai trò quan trọng của công tác thẩm định song các đại biểu cũng cho rằng để bảo đảm tiến độ và chất lượng văn bản thì trọng tâm vẫn là ở cơ quan chủ trì soạn thảo và không thể đổ dồn trách nhiệm của Bộ Tư pháp.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định vai trò của công tác thẩm định trong xây dựng pháp luật

Qua thảo luận trao đổi, các đại biểu cho rằng hiện nay việc đánh giá, nhận thức về công tác thẩm định còn những ý kiến khác nhau nhưng về quy định pháp luật và vai trò của thẩm định tương đối đầy đủ. Qua xem xét báo cáo của Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ, các đại biểu ghi nhận công tác này cơ bản thực hiện tốt, có vai trò ngày càng quan trọng, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan. Vì vậy đặt ra yêu cầu trong thời gian tới công tác thẩm định cần được phát huy hơn nữa những mặt tốt, giúp cho bảo đảm tiến độ, nâng cao chất lượng, kiểm soát chất lượng dự án trình Quốc hội; nhấn mạnh vai trò của Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ là đầu mối tham mưu cho Chính phủ có đánh giá độc lập, xác định trách nhiệm của các bộ ngành trong việc thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nói chung và quy trình thẩm định và tiếp thu giải trình ý kiến thẩm định nói riêng.

Kết luận nội dung làm việc, Chủ nhiệm Ủy pháp Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu rõ, qua giải trình cho thấy thời gian qua công tác thẩm định có nhiều tiến bộ so với trước đây, giá trị báo cáo thẩm định ngày càng nâng lên và tôn trọng. Khẳng định các cơ sở pháp lý cho thẩm định cơ bản khá đầy đủ và tương đối chặt chẽ, cụ thể, rõ ràng. Đề nghị thời gian tới các cơ quan cùng nhau quyết tâm thực hiện tốt các quy định hiện có cho đến khi có những quy định mới tốt hơn.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, thời gian tới, Văn phòng Chính phủ giúp Chính phủ duy trì kỷ luật, kỷ cương trong ban hành văn bản, thường xuyên theo dõi, đôn đốc xây dựng các dự án luật pháp lệnh. Các cơ quan chủ trì soạn thảo cần có trách nhiệm, xây dựng lộ trình chuẩn bị các dự án, dự thảo; đặc biệt cần tăng cường phối hợp với nhau và với Bộ Tư pháp trong việc chấp hành hướng dẫn của Bộ Tư pháp và phối hợp gửi hồ sơ thẩm định và gửi cán bộ chuyên sâu tham gia thẩm định, các bộ ngành liên quan khi trả lời ý kiến bộ ngành khác phải trả lời đầy đủ rõ ràng nội dung xin ý kiến./.

Bảo Yến - Trọng Quỳnh