ỦY BAN PHÁP LUẬT LÀM VIỆC VỚI TỈNH THANH HÓA VỀ SẮP XẾP, THÀNH LẬP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH

28/08/2019

Chiều ngày 26/8, Ủy ban Pháp luật đã có buổi làm việc với tỉnh Thanh Hóa về tình hình sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019 – 2021 và thành lập thị trấn Nưa thuộc huyện Triệu Sơn. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định và Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Nguyễn Đình Xứng đồng chủ trì buổi làm việc.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định phát biểu tại buổi làm việc

Tham dự buổi làm việc có một số đồng chí Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; đại diện Bộ Nội vụ; đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa; đại diện các sở, ngành cấp tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố có đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp.

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã để tăng quy mô, tinh gọn bộ máy, giảm biên chế là một chủ trương lớn, quan trọng của Đảng được thể hiện trong Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6, Kế hoạch số 07-KH/TW và Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị. Cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 56/2017/QH14 và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021, Chính phủ, Bộ Nội vụ cũng đã ban hành Kế hoạch triển khai và nhiều văn bản hướng dẫn, tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp các đơn vị hành chính trên toàn quốc.

Ủy ban Pháp luật là cơ quan được giao nhiệm vụ thẩm tra các đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã để báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi xem xét, quyết định. Vì vậy, kết quả cuộc làm việc, khảo sát tại tỉnh Thanh Hóa sẽ cung cấp thêm thông tin, những điểm thuận lợi và  khó khăn, vướng mắc của tỉnh và các địa phương trong việc thực hiện chủ trương này. Trên cơ sở đó, Ủy ban Pháp luật sẽ có những kiến nghị cần thiết với cấp có thẩm quyền trong quá trình thẩm tra đề án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính của các tỉnh, thành phố nhằm kịp thời có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương.

Sau một thời gian ngắn triển khai quyết liệt với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quyết tâm, chủ động, trách nhiệm và nỗ lực rất lớn của địa phương, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng phương án, hoàn thiện Đề án gửi Bộ Nội vụ để thẩm định, báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Theo báo cáo của tỉnh do Giám đốc Sở Nội vụ, trong giai đoạn 2019 – 2021, tỉnh Thanh Hóa dự kiến sắp xếp tổng số 146 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 69 đơn vị (62 xã và 07 thị trấn) thuộc diện sắp xếp vì có 02 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% theo quy định và 77 đơn vị (56 xã, 18 thị trấn, 03 phường) liền kề với các đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp hoặc thực hiện khuyến khích sắp xếp. Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa dự kiến thành lập thị trấn Nưa trên cơ sở nguyên trạng xã Tân Ninh thuộc huyện Triệu Sơn. Sau khi thực hiện sắp xếp, tỉnh Thanh Hóa giảm 76 đơn vị hành chính cấp xã (trong đó, giảm 77 xã và tăng 01 thị trấn). Cùng với việc sắp xếp đơn vị hành chính, tỉnh Thanh Hóa cũng đã có các phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí trụ sở làm việc và giải quyết chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là những cán bộ, công chức dôi dư (hơn 1.300 người) do thực hiện sắp xếp.

Với những kết quả nêu trên, phát biểu tại cuộc họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao sự quyết tâm chính trị, sự nỗ lực, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị tỉnh Thanh Hóa trong việc quán triệt và triển khai thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn. Với cách thức triển khai bài bản, khoa học, khách quan, công tâm, tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn, rất khó, rất phức tạp nhưng vẫn giữ ổn định chính trị, nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của nhân dân và đội ngũ cán bộ, công chức ở những đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp. Có thể nói, Thanh Hóa là một trong những tỉnh đi đầu trong cả nước trong việc sắp xếp đơn vị hành chính, các tỉnh, thành phố khác cần học tập kinh nghiệm của Thanh Hóa để cùng nhau thực hiện tốt hơn chủ trương quan trọng này của Đảng.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật đề nghị, trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa cần khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề án để gửi Bộ Nội vụ xem xét, trình Chính phủ trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định tại phiên họp tháng 10/2019./.

Phương Thuỷ - Hồng Chương