Đại diện Bộ Công Thương trình bày Tờ trình
Trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh nêu rõ, ngày 12/11/2018, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 72/2018/QH14 Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Theo đó, để thực thi Hiệp định tổng số luật cần sửa đổi, bổ sung là 08 luật, gồm: Bộ Luật Lao động; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Tố cáo; Bộ Luật hình sự; Bộ Luật tố tụng hình sự; Luật Kinh doanh bảo hiểm; Luật Sở hữu trí tuệ, Luật An toàn thực phẩm. Do vậy, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ là cần thiết.
Đối với Luật Kinh doanh bảo hiểm, việc sửa đổi, bổ sung tập trung vào một số vấn đề, cụ thể: Bổ sung các quy định về giải thích từ ngữ đối với dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; tư vấn bảo hiểm, đánh giá rủi ro bảo hiểm, hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm; điều kiện cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới; quản lý nhà nước đối với hoạt động phụ trợ bảo hiểm; điều khoản chuyển tiếp; hiệu lực thi hành.
Đối với Luật Sở hữu trí tuệ, việc sửa đổi, bổ sung tập trung vào một số vấn đề về sáng chế, chỉ dẫn địa lý; nhãn hiệu; bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; kiểm soát biên giới và điều khoản chuyển tiếp.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trương Minh Hoàng trình bày Báo cáo thẩm tra
Thay mặt Ủy ban Pháp luật trình bày báo cáo thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Trương Minh Hoàng cho biết, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ được xây dựng để thực hiện các cam kết quốc tế phải thực hiện vào thời điểm có hiệu lực của Hiệp định CPTPP và các văn kiện có liên quan. Nhất trí với sự cần thiết, xây dựng, ban hành Luật này theo trình tự, thủ tục rút gọn, thông qua tại một kỳ họp, Ủy ban Pháp luật đề nghị, để thông qua theo trình tự này thì Chính phủ cần phải chuẩn bị các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành này để vừa đề nghị Quốc hội cho phép áp dụng và trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật này ngay tại kỳ họp thứ 7.
Về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, Ủy ban Pháp luật thống nhất với phạm vi điều chỉnh của dư án Luật như Chính phủ trình để thực hiện các cam kết đã có hiệu lực của Hiệp định CPTPP như đã xác định tại Phụ lục 3 của Nghị quyết số 72/2018/QH14 của Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP và các văn kiện liên quan. Nội dung Dự án Luật phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Về các cam kết theo Hiệp định CPTPP cần được nội luật hóa, đề nghị Chính phủ xem xét bổ sung việc sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ về “cạn quyền” đối với quyền tác giả và quyền liên quan, bao gồm cả cho phép “nhập khẩu song song” vì Phụ lục 3 của Nghị quyết số 72/2018/QH14 đã xác định cần bổ sung quy định này. Hơn nữa, một số quy định về cạn quyền và nhập khẩu song song đã được thể hiện trong Luật Sở hữu trí tuệ nhưng chưa có quy định tương ứng đối với quyền tác giả và quyền liên quan. Việc bổ sung quy định này là phù hợp và tạo điều kiện tiếp cận các sản phẩm văn hóa nghệ thuật tốt hơn đối với tổ chức và cá nhân Việt Nam.
Các thành viên Ủy ban Pháp luật thảo luận tại phiên họp
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Pháp luật bày tỏ sự tán thành cao với Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật; cho rằng việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ là cần thiết nhằm thực thi các cam kết đã có hiệu lực trong Hiệp định CPTPP. Tuy nhiên một số thành viên Ủy ban cho rằng, Cơ quan soạn thảo cần rà soát, cân nhắc một số nội dung quy định cụ thể của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm để đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật và có tính khả thi cao khi áp dụng trong thực tiễn.
Kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu rõ, trên cơ sở sự thống nhất cao của các thành viên Ủy ban Pháp luật, Ủy ban sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan hoàn thiện dự án Luật về nội dung và kỹ thuật lập pháp để trình Quốc hội xem xét thông qua./.