ỦY BAN PHÁP LUẬT THẨM TRA SƠ BỘ BÁO CÁO CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CÔNG TÁC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO NĂM 2019

03/09/2019

Chiều ngày 03/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật tiến hành thẩm tra sơ bộ Báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2019. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định chủ trì buổi làm việc.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ báo cáo

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ trong năm qua đã dành nhiều thời gian chỉ đạo, thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt hiệu quả, nhất là việc thúc đẩy giải quyết các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài. Hệ thống pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục được hoàn thiện. Tình hình khiếu nại, tố cáo giảm so với năm 2018 trên hầu hết ở các tiêu chí cơ bản. Kết quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, tạo sự ổn định chính trị-xã hội và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, công tác tiếp công dân, việc tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của các công dân được các cấp, các ngành quan tâm hơn, nhất là tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Lịch tiếp công dân được niêm yết công khai tại nơi tiếp dân, nhiều nơi đăng công khai trên trang Cổng thông tin điện tử của cơ quan và các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương, có sự đầu tư đồng bộ các điều kiện phục vụ công tác tiếp dân, xử lý đơn thư; đa số cán bộ làm công tác tiếp dân có tinh thần trách nhiệm, thái độ nghiêm túc, có trình độ nghiệp vụ. Bên cạnh đó, tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cao đạt cao so với mục tiêu đề ra; các bộ, ngành địa phương đã cơ bản đưa Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo vào sử dụng.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn một số tồn tại hạn chế, cụ thể: vẫn có địa phương, đơn vị chưa thực hiện tốt việc tiếp công dân định kỳ của lãnh đạo hoặc ngại tiếp công dân nhất là các vụ việc phức tạp, đông người. Trong quá trình giải quyết vẫn còn địa phương chưa chú trọng đúng mức tới công tác đối thoại, một số trường hợp chưa thực hiện đúng quy trình, hình thức ban hành văn bản chưa đúng quy định. Việc triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ đề ra và kết luận, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến công tác khiếu nại, tố cáo của một số đơn vị còn chậm so với yêu cầu. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo tuy đã được quan tâm nhưng hiệu quả vẫn chưa cao. Vẫn còn một số Bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc xem xét, xử lý, giải quyết và thông báo kết quả giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo do đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội chuyển đến.

Toàn cảnh buổi làm việc

Tại buổi làm việc, một số ý kiến của Ủy ban Pháp luật đánh giá Báo cáo của Chính phủ năm 2019 tiếp tục có sự đổi mới, phản ánh rõ ràng tình hình, đưa ra dẫn chứng với nhiều số liệu cụ thể, có địa chỉ rõ ràng; nêu rõ kết quả đạt được cũng như những tồn tại hạn chế. Đồng thời báo cáo đã đánh giá những mặt làm được, chưa làm được. Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ chưa cũng cấp được số liệu đầy đủ về công tác tiếp công dân, tiếp nhận đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý công tác này của các Bộ, ngành địa phương để có cơ sở xem xét, đánh giá mức độ chuyển biến giữa các năm ở từng cơ quan, từng địa phương để Quốc hội giám sát. Báo cáo chưa phân tích sâu về tình hình khiếu nại, tố cáo năm 2019, nhất là những biến động lớn về số liệu so với các năm trước đây; chưa phân tách được số liệu vụ việc khiếu nại, tố cáo phát sinh mới trong năm nay, số việc còn tồn đọng chưa giải quyết xong.

Bên cạnh đó, một số ý kiến của Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng, ngoài những phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ đề xuất thì đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành địa phương xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, then chốt, cần tập trung thực hiện trong từng giai đoạn, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, yêu cầu thực tế của công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bộ, ngành địa phương. Đồng thời cần thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo; tăng cường đối thoại, chú trọng giải thích chính sách, pháp luật cho công dân nhằm giảm tình trạng khiếu nại gay gắt, kéo dài, đơn không được giải quyết dứt điểm, qua đó hạn chế mức tháp nhất nguyên nhân làm phát sinh khiếu nại, tố cáo.

Kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Pháp luật tiếp tục phối hợp với Thanh tra Chính phủ để hoàn thiện báo cáo. Đồng thời đề nghị Thanh tra Chính phủ chuẩn bị báo cáo giải trình tại Phiên họp tháng 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiếp thu các ý kiến thảo luận để hoàn chỉnh báo cáo trình ra Quốc hội./.

Hồ Hương - Trọng Quỳnh