Tham dự Phiên họp có: Phó Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Mạnh Hùng, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Đặng Xuân Phương; đại diện Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ…
Trình bày Tờ trình dự án Luật, Phó Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Luật Tổ chức QH năm 2014 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới tổ chức và hoạt động của QH, bảo đảm QH thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước ta. Nhiều quy định của Luật đã đem lại những kết quả tích cực, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH, các cơ quan của QH, ĐBQH. Tuy nhiên, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và Nghị quyết số 18 ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đưa ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung các luật về tổ chức bộ máy nhà nước, trong đó có Luật Tổ chức QH nhằm phù hợp hơn.
Dự thảo Luật sẽ sửa đổi, bổ sung 11/102 điều của Luật Tổ chức QH hiện hành. Trong đó, bổ sung tiêu chuẩn về quốc tịch đối với ĐBQH (tại Điều 22 của Luật Tổ chức QH) theo hướng quy định rõ ĐBQH có một quốc tịch là Việt Nam. Bổ sung thẩm quyền của Đoàn ĐBQH trong việc xác định địa bàn đại diện của đại biểu được chuyển sinh hoạt đến để thuận tiện cho công tác tổ chức hoạt động của Đoàn tại khoản 1 Điều 38.
Về bộ máy giúp việc cho Đoàn ĐBQH (khoản 4 Điều 43), dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung theo hướng chỉ quy định có tính khái quát, không nêu tên Văn phòng Đoàn ĐBQH với tính chất là một đơn vị độc lập giúp việc cho Đoàn ĐBQH như quy định hiện hành để thực hiện chủ trương hợp nhất Văn phòng HĐND, Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng UBND cấp tỉnh thành một Văn phòng tham mưu giúp việc chung tại Nghị quyết số 18-NQ/TW. Kinh phí hoạt động của bộ phận tham mưu, giúp việc, kinh phí phục vụ hoạt động của Đoàn ĐBQH cũng được sửa đổi, bổ sung theo hướng được ngân sách địa phương bảo đảm theo phân bổ dự toán do HĐND cấp tỉnh quyết định.
Tại phiên họp, một số ý kiến lưu ý, ĐBQH chuyên trách ở địa phương nào thì nên gắn với khen thưởng, quy hoạch, đề bạt cán bộ ở địa phương đó. Vì thế, lương của ĐBQH chuyên trách địa phương cần quy định rõ đặt trong nguồn chi lương của Văn phòng Đoàn ĐBQH, do ngân sách địa phương bảo đảm theo phân bổ dự toán do HĐND cấp tỉnh quyết định. “Nếu không quy định rõ lương của ĐBQH chuyên trách địa phương do ngân sách địa phương bảo đảm sẽ khiến đại biểu chung chiêng, không biết đi đâu, về đâu. Thậm chí trong nhiều trường hợp bị bỏ ra ngoài quy hoạch cán bộ địa phương”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung nhấn mạnh.
Về vấn đề tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách, đa số Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành giữ như quy định hiện hành tại khoản 2 Điều 23 của Luật Tổ chức QH. Quy định số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số ĐBQH như hiện nay không hạn chế việc có thể bố trí số ĐBQH hoạt động chuyên trách nhiều hơn tỷ lệ nói trên. Việc thực hiện yêu cầu về tăng tỷ lệ ĐBQH chuyên trách không cần thiết phải sửa đổi quy định của luật mà nên để Đề án bầu cử ĐBQH của từng nhiệm kỳ sẽ xác định hợp lý tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách phù hợp với yêu cầu.