Làm rõ quy định việc chuyển đổi giới tính trong dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi)

10/06/2015

Sáng 9/6, tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội đã nghe Báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân, dự kiến tiếp thu, chỉnh lý và Báo cáo thẩm tra Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, quy định việc chuyển đổi giới tính là vấn đề hết sức nhạy cảm trong xã hội, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng.

                                                                                                                                                   Ảnh: Đình Nam

Theo Báo cáo kết quả lấy ý kiến Nhân dân và tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) của Chính phủ, Bộ luật dân sự hiện hành chỉ quy định việc xác định lại giới tính (Điều 36) mà không có quy định về việc chuyển đổi giới tính.

Vấn đề này đã được dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) quy định tại Điều 36 về Quyền xác định lại giới tính như sau:

1. Cá nhân có quyền xác định lại giới tính. Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật. Người đã thực hiện việc xác định lại giới tính có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác phù hợp với giới tính của mình theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.

2. Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính. Trường hợp cá nhân đã chuyển đổi giới tính thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác theo quy định tại khoản 1 Điều này”.

Báo cáo của Chính phủ cho biết, hiện có hai loại ý kiến khác nhau về vấn đề này.

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, trong điều kiện kinh tế-xã hội ở nước ta hiện nay, để tránh những hệ lụy tiêu cực về nhiều mặt do việc chuyển đổi giới tính gây ra thì không nên thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, với vị trí, vai trò của Bộ luật dân sự là luật chung, luật nền của hệ thống pháp luật dân sự thì dự thảo Bộ luật cần có quy định về việc chuyển đổi giới tính để làm cơ sở cho luật khác quy định cụ thể về điều kiện, trình tự, thủ tục chuyển đổi giới tính khi cần thiết. Vì vậy, Chính phủ nhất trí với loại ý kiến này.

Tiếp thu các ý kiến góp ý của Nhân dân, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc thừa nhận hay không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính không chỉ liên quan đến quyền nhân thân của một cá nhân, mà kèm theo đó là rất nhiều vấn đề xã hội phát sinh.

Đây là vấn đề liên quan đến hành lang pháp lý cho việc áp dụng các biện pháp y học để chuyển đổi giới tính, vấn đề về công nhận hôn nhân đồng giới, sự phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội và truyền thống, phong tục, tập quán của Việt Nam...

Dự thảo Bộ luật một mặt quy định Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính, nhưng mặt khác lại quy định quyền của người đã chuyển đổi giới tính được yêu cầu cơ quan nhà nước thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác có liên quan.

Vì vậy, Ủy ban Pháp luật cho rằng, đây là vấn đề hết sức nhạy cảm trong xã hội, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng. Nếu đã không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính thì cũng không nên cho phép được thay đổi hộ tịch và các quyền nhân thân khác theo giới tính mới. Từ đó đề nghị cần nghiên cứu, giải trình rõ quy định này.

Đức Phương