Bà Nguyễn Thị Thụy, Đại diện của Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp cho rằng, hiện cả nước có hơn 6.000 giám định viên tư pháp, tuy nhiên, có giám định viên chưa từng thực hiện giám định lần nào. Thêm vào đó, trong Luật Giám định tư pháp đang có sự chồng chéo nhiệm vụ giữa 2 lực lượng là Pháp y Y tế và pháp y Công an, khi cùng thực hiện chức năng giám định tử thi. Một số quy định của Luật không thực sự phù hợp với nhu cầu thực tiễn, điển hình là cho thành lập văn phòng giám định tư pháp ở những lĩnh vực xã hội có nhu cầu thấp như tài chính, trong khi những lĩnh vực mà xã hội có nhu cầu rất lớn như giám định tài liệu, ADN, tranh chấp dân sự, hành chính thì không cho xã hội hóa.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Thuỵ, việc Luật quy định phải có chứng thực chữ ký của người trưng cầu giám định cũng đang gây khó khăn cho người làm công tác giám định. Đồng thời cho rằng, trong phần quy định kết luận giám định phải có chứng thực chữ ký của người giám định khi trưng cầu đích danh, quy định này đang gây khó khăn cho người giám định, phải ra xã, phường chứng thực theo quy định thì hết sức vô lý, quan trọng là khi ra chứng thực thì kết luận giám định phải lưu 1 bản tại cơ quan chứng thực.
Luật Giám định tư pháp 2012 cũng gây vướng mắc cho cơ quan điều tra các vụ án tham nhũng, kinh tế và buôn lậu như quy đinh yêu cầu phải có tổ chức giám định độc lập, trong khi, trên thực tế tổ chức giám định độc lập chưa được thành lập đối với các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế và buôn lậu. Một khó khăn nữa là nhiều nội dung giám định phức tạp, khối lượng công việc nhiều, liên quan đến chuyên môn nghiệp vụ của nhiều ngành, lĩnh vực vượt quá khả năng như giám định chất lượng công trình gồm xây dựng công trình xây dựng, nhà xưởng, máy móc, thiết bị.
Thượng tá Lê Đức Trường, đại diện Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công An cho rằng cần tổ chức các lớp tuận huấn chuyên sâu cho lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm tham nhũng, kinh tế và giám định viên của các cơ quan trong toàn quốc, để nắm vững bộ Luật Tố tụng Hình sự và Bộ luật Hình sự.
Đại diện Bộ Công an phát biểu ý kiến tại hội thảo
Ông Nguyễn Văn Thành, Đại diện Tòa án Nhân dân tối cao cho rằng, thời gian gần đây, nhiều vụ đại án về tham nhũng bị đưa ra khởi tố, nhưng công tác giám định tư pháp đối với tài sản liên quan gặp khó khăn do các cơ quan không đủ nhân lực, vật lực để thực hiện, dẫn đến thời gian thụ lý án kéo dài, tài sản tham nhũng bị tẩu tán, không kê biên, thu hồi được. Ông Thành kiến nghị Bộ Tư pháp soạn thảo nghiên cứu đối với những vụ án tham nhũng lớn thì cần có tình tự đặc biệt giám định tư pháp riêng, phải tập trung giám định nhằm đẩy nhanh tiến độ điều tra, xét xử
Trước khi có Luật Giám định tư pháp 2012 thì công an là một trong những lực lượng chính thực hiện giám định pháp y. Lực lượng này hiện có 671 giám định viên chuyên nghiệp và phát triển lớn mạnh khắp các tỉnh thành trên cả nước. Tuy nhiên, Luật Giám định Tư pháp 2012 lại quy định công an cấp tỉnh chỉ giám định tử thi mà không giám định thương tích sẽ là rất lãng phí. Thượng tá Nguyễn Văn Báu, đại diện Trung tâm Kỹ thuật hình sự, Bộ Công an dẫn chứng: Việc Luật Giám định tư pháp 2012 quy định pháp y công an chỉ giám định pháp y tử thi mà không giám định thương tích gây ra lãng phí, vì Luật Giám định tư pháp là nhằm huy đọng mọi nguồn lực các tổ chức, cơ quan giám định để nâng cao năng lực giám định phục vụ tốt hoạt động tố tụng.
Ngoài ra, việc phân cấp giám định tư pháp và thời hạn giám định tư pháp cũng rất cần phải quy định rõ trong Luật sửa đổi. Ông Nguyễn Hồng Long, đại diện Viện Pháp y Quốc gia, cho rằng về phân cấp giám định: Luật sửa đổi cần ghi rõ đối với các địa phương chỉ tiến hành giám định lần đâu, còn giám định lại, cần được thực hiện ở tuyến Trung ương. Các tổ chức giám định ở tuyến Trung ương có thể thực hiện cả giám định lần đầu và giám định lại. Thời gian giám định cũng cần điều chỉnh lại cho phù hợp với những vụ việc phức tạp, sẽ mất nhiều thời gian hơn.
Đại biểu tham dự phát biểu ý kiến tại hội thảo
Ngoài ra một số ý kiến góp ý cũng cho rằng, sửa đổi một số điều của Luật giám định tư pháp cũng cần phải quy định rõ kinh phí cho công tác giám định, có giải pháp về giám định trong lĩnh vực kinh tế; giám định tư pháp phải gắn với hoạt động điều tra; ban soạn thảo cũng nên cân nhắc về nội dung tách biệt hoạt động giám định ra khỏi cơ quan tố tụng và nghiên cứu thêm về thể chế giám định tư pháp
Có ý kiến cho rằng, hiện còn nhiều bất cập liên quan đến kết quả giám định như chất lượng kết luận giám định một số trường hợp chưa đảm bảo, bản kết luận khi giám định 2 lần lệch nhau gây khó khăn cho cơ quan tố tụng, chưa có đơn vị giám định chi tiết các vụ việc liên quan đến hàng giả, xâm phạm sở hữu công nghiệp và việc giám định nhiều vụ án trốn thuế đang do giám định viên thuộc cơ quan thuế có liên quan thực hiện sẽ không đảm bảo khách quan. Bên cạnh đó, có đại biểu lưu ý ban soạn thảo về việc thực hiện giám định nóng đối với những vụ việc đánh nhau gây thương tích đang có nhiều vướng mắc chưa được quy định rõ.
Sau 5 năm thực hiện Luật Giám định tư pháp, vẫn chưa có quy chuẩn chuẩn mực về giám định tư pháp. Các ngành chủ yếu áp dụng chuyên môn vào thành quy chuẩn giám định tư pháp. Tại nhiều địa phương, việc giám định pháp y tử thi và pháp y thương tích do cả công an và ngành y tế thực hiện nên đang có vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ. Bà Mai Thị Phương Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho rằng trong 1 địa hạt hành chính chỉ nên có 1 cơ quan giám định. Bà Hoa dẫn chứng, hiện nay khó khăn trong công tác phối hợp là do đang có 2 cơ quan giám định tại địa phương là y tế và công an.
Hội thảo cũng nghe những ý kiến góp ý về định hướng sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Luật Giám định tư pháp như hoàn thiện quy định về Trưng cầu giám định tư pháp theo hướng quy định rõ, chặt chẽ về nội dung yêu cầu giám định; hoàn thiện quy định về nội dung của kết luận giám định để tránh tình trạng kết luận không rõ ràng, không xác định được lỗi; bổ sung quy địnhvề thời hạn tối đa thực hiện giám định; bổ sung quy định thành lập Hội đồng giám định tư pháp; và hoàn thiện quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đối với công tác giám định tư pháp; hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính đối với công tác giám định tư pháp .../.