Tham dự phiên họp còn có Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các cơ quan, tổ chức hữu quan cùng các thành viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.
Trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế về giám định tư pháp, phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; nâng cao hiệu lực hiệu quả của công tác giám định tư pháp, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu giám định của hoạt động tố tụng nói chung và trong giải quyết án tham nhũng, kinh tế nói riêng.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:
Chiều 05/9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tiến hành thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chủ trì phiên họp.
Trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ, việc xây dựng Luật tập trung sửa đổi, bổ sung nhanh chóng, kịp thời những vấn đề mang tính cấp bách, cần thiết nhất để tháo gỡ vướng mắc, bất cập về thể chế, khắc phục ngay những tồn tại, khó khăn trong công tác giám định tư pháp phục vụ giải quyết án tham nhũng, kinh tế.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh phát biểu tại phiên thảo luận.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu nhất trí với sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp và cho rằng hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng nhấn mạnh cần thiết sửa luật nhưng vấn đề là chọn vấn đề sửa gì cho trúng với mục tiêu, yêu cầu đề ra, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Tán thành quán điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng phải tìm đúng chỗ để sửa như về thời gian giám định căn cứ khoa học để xác định như thế nào, nhằm nâng cao trách nhiệm của các bộ, ngành.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy bày tỏ băn khoăn về các nội dung sửa đổi của dự thảo Luật về phân cấp trong thực hiện giám định, bổ sung về thời hạn giám định. Đây là những quy định mới, đề nghị Ban soạn thảo giải trình làm rõ thêm các nội dung sửa đổi tháo gỡ được những vướng mắc nào? Cần đánh giá tác động đầy đủ các quy định mới và kinh nghiệm quốc tế trong vấn đề này.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong cho rằng, với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu đấu tranh, phòng, chống tội phạm hiện nay đặt ra yêu cầu nâng tầm giám định vụ việc, thể chế Hiến pháp 2013, thực hiện các cam kết quốc tế… do đó cần rà soát để sửa đổi, bổ sung đáp ứng những yêu cầu này.
Kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, qua thảo luận, Ủy ban Tư pháp thống nhất với quan điểm sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp đồng thời nhấn mạnh cần rà soát để sửa đổi đúng quy định, giải quyết được vướng mắc trong thực tiễn.