Theo đó, trên tinh thần Công ước về Quyền trẻ em, bổ sung quy định ưu tiên xem xét áp dụng các biện pháp thay thế xử lý hình sự trước khi quyết định việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên. Dự thảo khẳng định việc bắt, giam giữ hay bỏ tù trẻ em chỉ được dùng đến như một biện pháp cuối cùng và trong thời hạn thích hợp ngắn nhất. Các biện pháp xử lý thay thế được bổ sung trong dự thảo BLHS gồm: khiển trách; hòa giải tại cộng đồng; giám sát, giáo dục tại gia đình hoặc giám sát, giáo dục của cơ quan.
Đa số các ý kiến phát biểu đều bày tỏ sự nhất trí với chủ trương thu hẹp bớt phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên. Việc xử lý bằng biện pháp hình sự và áp dụng hình phạt với người chưa thành niên chỉ áp dụng trong trường hợp cần thiết, đồng thời cần tăng cường áp dụng các biện pháp thay thế phù hợp.
Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận, các đại biểu cho rằng việc lựa chọn biện pháp xử lý cụ thể thế nào cần có sự cân nhắc đảm bảo phù hợp với tính chất, mức độ phạm tội cũng như tính khả thi và tránh chồng chéo với các biện pháp tư pháp.
Đại biểu Bùi Văn Phương-Ninh Bình Ảnh: Đình Nam
Đại biểu Bùi Văn Phương-Ninh Bình phân tích, thực tế những năm gần đây cho thấy tội phạm do người chưa thành niên thực hiện ngày càng diễn biến phức tạp, gia tăng cả về số vụ và tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội. Nhiều vụ án do người chưa thành niên gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng gât bức xúc trong xã hội.
Đại biểu cho rằng, các biện pháp thay thế xử lý hình sự theo quy định của dự thảo Bộ luật là không phù hợp với tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội; không đảm bảo hiệu quả giáo dục và phòng chống tội phạm ở nhóm người này và có thể sẽ tạo ra kẽ hở để các đối tượng xấu lợi dụng người chưa thành niên vào việc thực hiện tội phạm, dễ nảy sinh tiêu cực khác và không có tính khả thi.
Đại biểu Nguyễn Thanh Thảo-Đồng Tháp
Đại biểu Nguyễn Thị Khá-Trà Vinh đề nghị, căn cứ vào trường hợp cụ thể, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân có thể áp dụng một trong các biện pháp thay thế xử lý hình sự, chứ không phải miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Đại biểu Nguyễn Thanh Thảo-Đồng Tháp nêu rõ, đối với những vụ việc có tính chất côn đồ, mất nhân tính nghiêm trọng cần phải có những hình phạt bổ sung, nhằm quản thúc những đối tượng này chặt chẽ hơn, đề phòng ngăn chặn hành vi gây tổn hại cho xã hội.
Dẫn ra quy định tại Điều 93, Khoản 1 dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi): "giám sát giáo dục tại gia đình hoặc giám sát giáo dục tại cơ quan, tổ chức là biện pháp thay thế xử lý hình sự được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội trong trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng hoặc tội rất nghiêm trọng”, đại biểu Bùi Ngọc Chương-Cà Mau, cho rằng quy định khung như vậy là quá rộng để áp dụng. Đồng thời, với các tội nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng mà chỉ áp dụng hình thức giáo dục, giám sát tại gia đình hoặc cơ quan, tổ chức sẽ không đảm bảo sự nghiêm minh và tính răn đe, phòng ngừa.
Đại biểu Bùi Ngọc Chương-Cà Mau
Đại biểu Hồ Trọng Ngũ-Vĩnh Long khẳng định, chúng ta bảo vệ quyền trẻ em là đúng, cần một hệ thống tư pháp thân thiện đối với trẻ em là đúng nhưng đấy là quá trình để làm sao bảo vệ cho các em, những người chưa đủ năng lực có thể hiểu biết kém khi tham gia vào vòng tố tụng. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, không thể bảo vệ số cố ý thực hiện tội phạm, số có ý chí mạnh mẽ thực hiện các tội cố ý rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.