Chưa thể mở rộng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành hoạt động điều tra

17/06/2015

Trong phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) ngày 17/6, đa số các đại biểu không đồng tình với quy định về mở rộng cơ quan và người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quy định tại Điều 17, 21 và Điều 154

Đại biểu Âu Thị Mai-Tuyên Quang                                                                                                                      Ảnh: Văn Bình

Đại biểu Âu Thị Mai-Tuyên Quang đánh giá, đây là điểm mới được bổ sung vào dự thảo Bộ luật sửa đổi lần này. Tuy nhiên, việc mở rộng các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành các hoạt động điều tra gồm kiểm ngư, thuế, Ủy ban chứng khoán như dự thảo nêu là không cần thiết. Bởi vì, các cơ quan này cần phối hợp thực hiện các hoạt động theo yêu cầu của cơ quan điều tra thuộc lĩnh vực liên quan.

Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo giữ nguyên quy định của Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành về các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành các hoạt động điều tra, chỉ bổ sung cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao để đáp ứng yêu cầu đấu tranh, xử lý loại tội phạm này trong tình hình hiện nay.

Đại biểu Lê Dân Khiết-An Giang                                                                                                                                 

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, đại biểu Lê Dân Khiết-An Giang cho rằng, việc không mở rộng thêm các cơ quan và người được giao nhiệm vụ điều tra là phù hợp để đảm bảo tính chuyên nghiệp của hoạt động điều tra. Theo đại biểu, để các cơ quan kiểm lâm, hải quan, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển đạt hiệu quả cao với chất lượng của vụ việc ngày càng được chuyên môn hóa thì luật không mở rộng cơ quan điều tra mà nên xác định trách nhiệm và chức danh pháp lý của cán bộ điều tra cho các cơ quan này.

Tuy nhiên, cũng có một số đại biểu cho rằng, nên mở rộng diện các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhưng chỉ đối với cơ quan Thuế.

Đại biểu Phạm Xuân Thường-Thái Bình                                                                                                                           

Đại biểu Phạm Xuân Thường-Thái Bình phân tích, lý do tại sao lại ủng hộ cho cơ quan thuế? Bởi vì đất nước ta hiện nay tồn tại một thực tế là việc quản lý về thuế rất yếu kém, tình trạng trốn lậu thuế rất nhiều, mỗi năm chúng ta thiệt hại hàng nghìn tỷ, nhưng gần như chúng ta chưa xử lý được vụ án nào. Có những vụ án xử tội phạm về thuế nhưng lại gắn với các tội phạm khác, còn tách riêng ra thì chưa có.

Hơn nữa, hoạt động của thuế rất chuyên ngành, các thanh tra thuế nắm rất sâu các quy định về thuế cũng như hoạt động thuế của các tổ chức, cá nhân. Nếu giao cho họ thẩm quyền khởi tố ban đầu và tiến hành thu thập các chứng cứ trong một thời gian nhất định thì tội phạm về thuế sẽ được khắc phục.

Nguyễn Phương-Hồ Hương