Về quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội được quy định tại các Điều 40, 41, 42, 43, nhiều đại biểu tán thành với quy định như trong dự thảo luật.
Đại biểu Trần Xuân Hòa-Quảng Ninh Ảnh: Văn Bình
Đại biểu Trần Xuân Hòa-Quảng Ninh bày tỏ nhất trí cao với dự thảo trong việc tiếp cận quyền này của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Đại biểu phân tích, xuất phát từ nguyên lý của tố tụng hình sự, chứng minh tội phạm là trách nhiệm của bên buộc tội. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không có nghĩa vụ chứng minh.
Từ nguyên lý này, các nền tư pháp tiến bộ trên thế giới đều công nhận quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không bắt buộc phải đưa ra chứng cứ chống lại mình. Hơn nữa, Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành của Việt Nam cũng đã tiếp cận quyền này. Cụ thể, bộ luật quy định bị can, bị cáo có quyền trình bày lời khai. Tuy nhiên, do cách thể hiện của luật chưa cụ thể, chưa minh bạch nên chưa tạo sự nhận thức thống nhất.
Đại biểu Lê Thị Nga-Thái Nguyên
Thống nhất với quy định này, đại biểu Lê Thị Nga-Thái Nguyên cho rằng, việc quy định như vậy phù hợp với Điều 14 của Công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị năm 1966 mà Việt Nam đã tham gia năm 1982, cụ thể, quyền không bị buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận là mình có tội; và Điều 14 của Hiến pháp mới: các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm.
Đại biểu cũng Lê Thị Nga nhấn mạnh, để thực hiện tốt quy định này, các cơ quan tố tụng phải nâng cao năng lực trình độ để chứng minh bằng những bằng chứng khách quan ngoài lời nhận tội. Đối với bị can, bị cáo, tuy có thể không trình bày lời khai nhưng nhà nước không khuyến khích im lặng trong suốt quá trình tố tụng. Lời khai của họ còn là căn cứ để mở rộng điều tra, làm rõ nhiều tình tiết quan trọng khác của vụ án. Để bảo vệ lợi ích chung, trong một số trường hợp như họ đồng thời là nhân chứng thì phải có nghĩa vụ khai báo nội dung liên quan đến nghĩa vụ của người làm chứng.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh-TP Hải Phòng
Cũng đồng tình với quan điểm này, đại biểu Trần Ngọc Vinh-TP Hải Phòng khẳng định, đây là một trong những quyền quan trọng của người bị buộc tội đã được cả thế giới thừa nhận và áp dụng.
Đại biểu cũng chỉ ra rằng, thực tiễn thi hành Bộ luật tố tụng hình sự và kết quả giám sát oan sai vừa được Quốc hội thảo luận cho thấy, quá trình giải quyết vụ án hình sự tồn tại không ít trường hợp vi phạm quyền con người, bức cung, nhục hình để có bằng được lời khai của bị can. Do vậy, việc quy định rõ như dự thảo là hết sức cần thiết, buộc các cán bộ tố tụng phải thay đổi tư duy trong cách giải quyết vụ án. Điều này sẽ làm cho hoạt động của các cơ quan tố tụng tích cực, khách quan và toàn diện hơn.
Về bắt buộc phải ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can quy định tại Điều 174, đa số ý kiến tán thành quy định của dự thảo bộ luật về việc bắt buộc ghi âm hoặc ghi hình hoạt động hỏi cung bị can.
Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy-Hậu Giang, Nguyễn Thái Học-Phú Yên cho rằng, quy định như vậy sẽ bảo đảm tính khách quan, hạn chế bức cung, nhục hình trong quá trình điều tra. Tuy nhiên, cần quy định cụ thể trường hợp nào thì ghi âm, trường hợp nào thì ghi hình; quy định chặt chẽ về trình tự, thủ tục ghi âm hoặc ghi hình để bảo đảm giá trị như nguồn chứng cứ.