Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai phát biểu tại phiên họp Ảnh: Đình Nam
Trình bày dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật dược (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nêu rõ, ngay sau khi các đại biểu Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật dược (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Về các vấn đề xã hội phối hợp với Ban soạn thảo, Ủy ban Pháp luật, các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và tiếp tục lấy ý kiến các đối tượng có liên quan để chỉnh lý dự thảo Luật.
Thảo luật tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với nhiều nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật dược (sửa đổi). Dự thảo Luật đã lần này đã tiếp thu tương đối toàn diện ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội từ những vần đề lớn cho đến những điều, khoản chi tiết. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo phối hợp với Ủy ban Thẩm tra tiếp tục rà soát lại toàn bộ các từ ngữ, quy định một cách chính xác để tiếp tục xin ý kiến các đại biểu Quốc hội và trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 11 tới.
Về các chính sách của nhà nước trong phát triển công nghiệp dược, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc định hướng phát triển công nghiệp dược ở Việt Nam thành một ngành công nghiệp mũi nhọn là định hướng lâu dài. Do đó, dự thảo Luật quy định tiếp tục ưu tiên phát triển công nghiệp dược và tập trung phát triển ngành công nghiệp bào chế, sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị dự thảo Luật cần có những điều, khoản quy định cụ thể về quy hoạch phát triển công nghiệp dược từ khâu sản xuất, phân phối, bảo quản, kiểm nghiệm thuốc cho đến khi thuốc tới được tay người tiêu dùng. Bảo đảm cung ứng đủ, kịp thời thuốc có chất lượng, giá cả hợp lý cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của nhân dân, phù hợp với cơ cấu bệnh, tật và yêu cầu an ninh, quốc phòng, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị luật quy định rõ trách nhiệm của các bộ liên quan như: Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để thực thực tốt các quy định về phát triển công nghiệp dược. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nhấn mạnh, quy định như vậy sẽ giúp các Bộ chủ động nhận thấy vai trò và nhiệm vụ của mình trong chiến lược phát triển chung của ngành dược, đồng thời sẽ phân định rõ được trách nhiệm khi có sai phạm xảy ra.
Về chứng chỉ hành nghề dược, Báo cáo giải trình đưa ra hai quan điểm: quan điểm thứ nhất cho rằng nên cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn 5 năm; quan điểm thứ hai, đề nghị quy định cấp chứng chỉ hành nghề một lần kèm theo điều kiện định kỳ cập nhật kiến thức chuyên môn. Phát biểu ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, nghề dược là một nghề chứ không phải một chức vụ có thời hạn. Để được cấp chứng chỉ hành nghề, người đó phải đảm bảo được chuyên môn và đã qua các khoá đào tạo liên quan đến nghề nghiệp của mình. Do đó, việc quy định định cấp chứng chỉ 5 năm một lần chỉ làm phát sinh thêm thủ tục hành chính và tiêu cực. Từ đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị việc cấp chứng chỉ hành nghề dược chỉ nên thực hiện cấp một lần, kèm theo quy định về việc trau dồi, cập nhập kiến thức chuyên môn để làm tốt công việc của mình.
Quan tâm đến việc phát triển y dược trong lực lượng vũ trang, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, vấn đề phát triển y dược trong quân đội ở nước ta đã có truyền thống lâu đời và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật lần này không có quy định nào liên quan đến vấn đề này. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại và đưa vào trong dự thảo những điều luật khuyến khích phát triển y dược trong quân đội. Đồng thời, bổ sung thêm các quy định tạo điều kiện cho lực lượng quân dân y kết hợp bào chế thuốc để chữa bệnh cho người dân ở các vùng núi, các vùng biên giới còn đặc biệt khó khăn.
Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại phiên họp
Về quản lý giá thuốc, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dù sản xuất có làm tốt đến đâu nhưng không bảo đảm tốt khâu quản lý nhà nước về giá thuốc thì vẫn chưa đem lại lợi ích cho người dân. Trong bối cảnh Việt Nam gia nhập Hiệp định TPP và các hiệp định tự do thương mại ngày càng nhiều thì việc quản lý giá thuốc càng phải làm thận trọng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghi, cơ quan soạn thảo cân nhắc kỹ lưỡng các quy định về quản lý giá thuốc để vừa quản lý giá thuốc theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc theo quy định của pháp luật vừa bảo đảm công khai, minh bạch giá thuốc khi lưu hành thuốc trên thị trường.
Kết thúc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Cơ quan soạn thảo và Ủy ban Thẩm tra khẩn trương tiếp thu các ý kiến đóng góp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật. Khẳng định Luật dược có vai trò quan trọng đối với đời sống của người dân và sự phát triển của xã hội, Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát kỹ lưỡng lại các quy định từ những vấn đề lớn cho đến các điều khoản cụ thể để sớm xin ý kiến của các đại biểu và trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới.