ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI NGHE THẨM TRA VIỆC BAN HÀNH NGHỊ ĐỊNH QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG NGHỆ THUẬT BIỂU DIỄN

14/07/2020

Thực hiện Phiên họp thứ 46 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng ngày 14/7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của quốc hội Phan Thanh Bình báo cáo thẩm tra Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của quốc hội Phan Thanh Bình khẳng định: Thực hiện nhiệm vụ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao về thẩm tra Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn (Nghị định), Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (Ủy ban) đã làm việc với Ban soạn thảo, tổ chức tọa đàm tham vấn chuyên gia, họp Thường trực Ủy ban mở rộng thẩm tra sơ bộ dự thảo Nghị định.

Ngày 17/6/2020, Ủy ban tổ chức phiên họp toàn thể thẩm tra dự thảo Nghị định theo Tờ trình số 289/TTr-CP ngày 11/6/2020 của Chính phủ gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau phiên họp toàn thể Ủy ban, Ban soạn thảo đã nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc nhiều ý kiến thẩm tra của Ủy ban để hoàn thiện dự thảo Nghị định.


Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của quốc hội Phan Thanh Bình.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của quốc hội Phan Thanh Bình cho biết: Ủy ban tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn (NTBD) với các lý do được nêu trong Tờ trình của Chính phủ, nhằm khắc phục những bất cập trong thực tiễn hoạt động NTBD hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong hoạt động NTBD cũng như đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý xã hội về lĩnh vực này.

Tuy nhiên, việc ban hành Nghị định chỉ là giải pháp trong điều kiện chưa thể xây dựng Luật hoặc Pháp lệnh, do vậy, Ban soạn thảo cần lưu ý việc bảo đảm phù hợp với các nội dung về quyền hưởng thụ, tiếp cận văn hóa của mọi người dân đã được Hiến pháp 2013 ghi nhận. Về hồ sơ, quy trình xây dựng Nghị định: Ủy ban thấy rằng, hồ sơ, quy trình xây dựng Nghị định trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Về tên gọi, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng: Ủy ban nhất trí với tên gọi, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự thảo Nghị định.

Nhìn chung, dự thảo Nghị định đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung, quy định so với các Nghị định liên quan; cắt giảm, đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính. Tuy nhiên, đây là văn bản dưới luật nhưng còn một số nội dung giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn có thể làm phát sinh thủ tục hành chính.

Về cơ bản, Ủy ban thống nhất với tinh thần đổi mới công tác quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức được tự do sáng tạo, hưởng thụ giá trị nghệ thuật trong khuôn khổ pháp luật. Đồng thời, Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo đánh giá kỹ tác động của các chính sách mới để đảm bảo hiệu lực và tính khả thi.

Ủy ban lưu ý Ban soạn thảo về việc bổ sung quy định cụ thể hơn đối với trường hợp trẻ em tham gia hoạt động NTBD, vì thực tế hiện nay nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật, chương trình giải trí có sự tham gia của trẻ em. Ngoài ra, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban về các vấn đề Xã hội về việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình hoàn thiện dự thảo Nghị định. Về những nội dung cụ thể, Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn chỉnh như sau:

Về hoạt động biểu diễn nghệ thuật (Mục 1 Chương II)

Đối với điều kiện và trình tự, thủ tục thực hiện hoạt động biểu diễn nghệ thuật (Điều 9): Tên khoản 1 về điều kiện thực hiện hoạt động biểu diễn nghệ thuật nhưng nội dung điểm a và b của khoản này thực chất là quy định về đối tượng thực hiện biểu diễn nghệ thuật. Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh cho phù hợp. Khoản 4 quy định cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm tổ chức thẩm định, cấp văn bản chấp thuận tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật. Tuy nhiên, dự thảo chưa quy định cụ thể, rõ ràng về trường hợp phải thẩm định, tiêu chí và nguyên tắc thẩm định. Do vậy, Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, hoàn thiện.


Phiên họp thứ 46 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng ngày 14/7.

Về dừng hoạt động biểu diễn nghệ thuật (Điều 10): Khoản 1 quy định có 02 trường hợp bị dừng tổ chức biểu diễn nghệ thuật là (1) Chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận theo quy định tại Điều 9 và (2) Vi phạm quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 4. Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung trường hợp vi phạm quy định tại Điều 3 về nguyên tắc hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

Về điều kiện và trình tự, thủ tục tổ chức cuộc thi, liên hoan loại hình nghệ thuật biểu diễn (Điều 12): Khoản 1 quy định về các điều kiện tổ chức cuộc thi, liên hoan loại hình nghệ thuật biểu diễn, trong đó yêu cầu đối tượng tổ chức cuộc thi, liên hoan phải chứng minh năng lực tài chính hợp pháp (điểm a). Đối tượng tổ chức cuộc thi, liên hoan phải gửi đề án tổ chức cuộc thi, liên hoan kèm theo các tài liệu chứng minh nguồn kinh phí (điểm i khoản 4) cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước ngày dự kiến khai mạc 30 ngày. Ủy ban cho rằng, đề án tổ chức cuộc thi, liên hoan được chuẩn bị khi cuộc thi, liên hoan chưa diễn ra, nguồn kinh phí chỉ là dự kiến nên tài liệu gửi kèm chưa đủ cơ sở chứng mình năng lực tài chính hợp pháp của tổ chức cá nhân. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, quy định cho phù hợp.

Đối với thi người đẹp, người mẫu (Chương III)

Về phương thức quản lý thi người đẹp, người mẫu: So với quy định hiện hành, dự thảo Nghị định không quy định số lượng cuộc thi người đẹp, người mẫu trong năm, thay vào đó, chỉ cần đáp ứng quy định tại các điều 3, 15 Nghị định này và quy định của pháp luật có liên quan. Ủy ban nhận thấy thời gian qua, hoạt động thi người đẹp, người mẫu diễn ra khá sôi động, ở cả Trung ương và địa phương với quy mô, cách thức tổ chức, tiêu chí đánh giá tương đối đa dạng, phong phú. Để đáp ứng nhu cầu của xã hội, phù hợp với thực tế hiện nay, đa số thành viên Chính phủ đã đồng ý với phương thức quản lý đổi mới trong dự thảo Nghị định. Ủy ban chỉ lưu ý Ban soạn thảo tiếp tục đánh giá tác động, nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về điều kiện, năng lực tổ chức, quản lý; bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về tiêu chuẩn đạo đức của người tham dự, nhằm bảo đảm các cuộc thi đạt được tiêu chí, mục đích hướng đến các giá trị chân, thiện, mỹ, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam.

Về thu hồi, hủy kết quả cuộc thi, không công nhận danh hiệu đạt được trong cuộc thi người đẹp, người mẫu (Điều 19): Khoản 3 quy định cá nhân có nghĩa vụ chấm dứt sử dụng danh hiệu đạt được trong cuộc thi người đẹp, người mẫu và phải thông báo đến tổ chức, cá nhân liên quan là chưa hợp lý, khó khả thi. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, chỉnh sửa cho phù hợp.

Về một số nội dung khác

Điều 2: Các từ ngữ được giải thích chưa rõ ràng, thuyết phục. Đề nghị rà soát, hoàn thiện các từ ngữ bảo đảm chính xác, dễ hiểu.

Khoản 2 Điều 4: điểm d quy định trách nhiệm thu hồi danh hiệu, giải thưởng trao cho tổ chức, cá nhân đạt giải cuộc thi, liên hoan của tổ chức, cá nhân tổ chức biểu diễn nghệ thuật; cuộc thi liên hoan loại hình NTBD; cuộc thi người đẹp, người mẫu. Tuy nhiên, trong các quy định cụ thể, việc thu hồi chỉ đặt ra đối với danh hiệu, giải thưởng đạt được trong cuộc thi người đẹp, người mẫu. Đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh cho hợp lý.

Ngoài ra, Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, hoàn thiện kỹ thuật văn bản của Dự thảo Nghị định, bảo đảm ngôn ngữ sử dụng chính xác, rõ ràng, dễ hiểu.

Với Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn như trên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của quốc hội Phan Thanh Bình kính trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.

Bích Lan

Các bài viết khác