THẨM TRA PHƯƠNG ÁN SỬ DỤNG NGUỒN TĂNG THU, CẮT GIẢM, TIẾT KIỆM CHI VÀ KINH PHÍ CÒN LẠI CỦA NGÂN SÁCH TRUNG ƯƠNG NĂM 2021

04/06/2022

Ngày 4/6/2022, tại Phiên họp bất thường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về phương án sử dụng nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2021.

 

Kết quả thu ngân sách Nhà nước năm 2021 tăng nhờ hưởng lợi từ các gói kích cầu

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình về phương án sử dụng nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2021.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trình bày tờ trình về phương án sử dụng nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2021. Theo đó, về nguồn tăng thu, cắt giảm tiết kiệm chi kinh phí còn lại Trung ương năm 2021, kết thúc năm ngân sách 2021 đến ngày 31 tháng 1 năm 2022, tổng thu ngân sách năm 2021 tăng 16,8% so với dự toán. Trong đó, thu ngân sách Trung ương tăng 6,6% so dự toán; thu ngân sách địa phương tăng 29,2% so với dự toán không kể nguồn thu và sử dụng đất.

Dự toán chi thường xuyên của các chương trình mục tiêu, chương trình mục tiêu quốc gia và bố trí các lĩnh vực của ngân sách Trung ương năm 2021 triển khai khá chậm hoặc không phát sinh, không được tuyển nguồn theo quy định.

Cac uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tham dự Phiên họp

Về phương án sử dụng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, nguyên tắc phân bổ tuân thủ đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các Nghị quyết của Quốc hội và Nghị định của Chính phủ về cơ chế tài chính ngân sách đặc thù của một số địa phương. Việc phân bổ, quản lý, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước cho vốn đầu tư công theo quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn; đồng thời thực hiện quy định về tạo nguồn thực hiện chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Hội nghị Trung ương 7 khóa 12…

Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, kết quả thu ngân sách Nhà nước năm 2021 tích cực, bên cạnh sự chủ động, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, một số ngành lĩnh vực có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước có mức tăng trưởng khá nhờ hưởng lợi từ những chính sách tài khóa, tiền tệ và gói kích cầu đẩy mạnh đầu tư công và giá dầu thô tăng cao trong bối cảnh ngân sách Trung ương tập trung dành thêm nguồn lực để thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, để đảm bảo hài hòa công bằng và động viên các địa phương trong công tác thu ngân sách và điều hành ngân sách, Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ quyết định mức thưởng vượt thu cho các địa phương.

Ngoài ra, Chính phủ cũng trình Quốc hội phương án hỗ trợ bù giảm thu cân đối ngân sách cho tỉnh Tiền Giang; việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Nghị quyết 43 của Quốc hội khóa XV; Bổ sung cho 3 Dự án xây dựng đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột - Biên Hòa - Vũng Tàu và Cháu Đốc. Sóc Trăng; Bổ sung cho Nghị quyết Bộ Quốc phòng số thu từ sử dụng đất quốc phòng đã nộp ngân sách Nhà nước năm 2021 để xây dựng, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa và tăng năng lực sản xuất của các doanh nghiệp khoa học…

Phương án phân bổ chưa bảo đảm đúng quy định về thứ tự ưu tiên tại Khoản 2, Điều 59 của Luật Ngân sách nhà nước

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường.

Báo cáo thẩm tra phương án sử dụng nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2021 do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày đã khẳng định, về thẩm quyền đối với nguồn tăng thu, số tiết kiệm chi thường xuyên của các bộ, ngành, cơ quan trung ương và nguồn kinh phí chi cho phòng, chống dịch và mua vắc xin chưa sử dụng hết, căn cứ khoản 2 Điều 59 của Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết số 30 của Quốc hội, việc Chính phủ xây dựng phương án sử dụng đối với số tăng thu tiết kiệm chi và nguồn kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2021 trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định là đúng thẩm quyền.

Đối với nguồn tiết kiệm chi từ trả nợ lãi, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng thực chất đây không phải là nguồn tiết kiệm chi do cắt giảm nhiệm vụ chi, mà là khoản do chưa phải trả nợ lãi theo dự kiến. Do vậy, tương tự như nói với nguồn cắt giảm chi, đề nghị hủy dự toán không sử dụng cụ nguồn này để bố trí cho các nhiệm vụ theo quy định tại khoản 2 Điều 59 của Luật ngân sách nhà nước. Trong trường hợp cần thiết phải bố trí nguồn cho mục tiêu, nhiệm vụ khác, đề nghị trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Đối với kinh phí thường xuyên các chương trình mục tiêu, chương trình mục tiêu quốc gia bố trí lĩnh vực năm 2020 chưa phân bổ, Chính phủ kiến nghị được cắt giảm dự toán, giảm bội chi ngân sách trung ương năm 2021 theo quy định tại khoản 3 Điều 64 của Luật Ngân sách nhà nước. Ủy ban Tài chính, ngân sách cơ bản nhất trí với đề xuất này và đề nghị Chính phủ tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội khi xem xét, quyết định phê chuẩn quyết toán ngân sách 2021.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường báo cáo kết quả thẩm tra tại Phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cũng khẳng định, về nguyên tắc phân bổ sử dụng, Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhận thấy phương án phân bổ Chính phủ trình chưa bảo đảm đúng quy định về thứ tự ưu tiên theo quy định tại Khoản 2, Điều 59 của Luật Ngân sách nhà nước quy định về sử dụng số tăng thu và tiết kiệm chi.

Về phương án phân bổ đối với số tăng thu, tiết kiệm chi, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, phương án Chính phủ trình chưa đảm bảo đúng quy định tại khoản hai Điều 59 Luật Ngân sách nhà nước. Do vậy, đề nghị Chính phủ xây dựng phương án phân bổ số tăng thu, tiết kiệm, chi đúng quy định pháp luật đối với dự kiến một số nội dung cụ thể tại Tờ trình của Chính phủ. Ủy ban Tài chính, Ngân sách cơ bản nhất trí với phương án của Chính phủ bố trí nguồn lực để thực hiện một số nhiệm vụ: Bố trí cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết 43 của Quốc hội; Bổ sung nguồn thực hiện cải cách tiền lương, bổ sung quỹ dự trữ tài chính, đề nghị Chính phủ trong quá trình điều hành ngân sách nhà nước năm 2022 phấn đấu tăng thu góp phần tăng nguồn lực bố trí cho quỹ dự trữ tài chính; Hỗ trợ tỉnh Tiền Giang bù hụt thu cân đối ngân sách địa phương; Bổ sung nguồn thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Nghị quyết 43 của Quốc hội; Thưởng vượt thu và đầu tư trở lại cho các địa phương.

Riêng việc bố trí vốn cho cho 3 dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội có hai loại ý kiến. Thứ nhất, cho rằng đây là dự án trọng điểm quan trọng, có tính kết nối giao thông, tạo sự phát triển kinh tế xã hội lan tỏa giữa các vùng miền. Việc thực hiện dự án này là cần thiết nhưng cần cân nhắc khi bố trí từ nguồn tăng thu năm 2021 và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bố trí cho 3 dự án này từ nguồn dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025. Thứ hai cho rằng việc bố trí vốn từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2021 là một phần trong dự kiến nguồn lực cho 3 dự án giai đoạn 2021-2025 phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật Đầu tư công về các hành vi bị cấm. Do vậy, việc xác định bố trí nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2021 là cần thiết và nhất trí với phương án của Chính phủ trình. Đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo sát sao hả cho các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện ngay sau khi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư và cần có chế tài xử lý trong trường hợp tổ chức, cá nhân làm chậm tiến độ.

Đối với nguồn kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2021 cho phòng, chống dịch và mua vắc xin, đa số ý kiến của Uỷ ban nhất trí cho phép chuyển nguồn sang dự phòng ngân sách trung ương năm 2022 để thực hiện việc phòng, chống dịch Covid - 19 và mua vắc xin theo đề nghị của Chính phủ./.

Lan Hương - Ánh Nguyệt - Phạm Thắng

Các bài viết khác