​ UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI THẢO LUẬN PHƯƠNG ÁN SỬ DỤNG NGUỒN TĂNG THU, CẮT GIẢM, TIẾT KIỆM CHI VÀ KINH PHÍ CÒN LẠI CỦA NSTW NĂM 2021

04/06/2022

Ngày 04/6, tại Phiên họp bất thường, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sau khi nghe báo cáo và thẩm tra về phương án sử dụng nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2021, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về nội dung này.

 

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Thảo luận về việc bố trí vốn tăng thu, tiết kiệm chi cho 3 dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đồng ý với phương án Chính phủ trình. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ bố trí, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, chống lãng phí.

Đối với nguồn vốn cho 2 đường vành đai, Chính phủ đang dự kiến bố trí vốn cho vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh và đường vành đai 3 của Thủ đô Hà Nội từ dự kiến nguồn chưa phân bổ theo Nghị quyết 29, đến thời điểm này Chính phủ vẫn chưa báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phương án phân bổ cho 2 dự án này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XV.

Toàn cảnh phiên họp 

Phát biểu tại phiên họp, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, tuy nhiên cho biết tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XV, các đại biểu quan tâm đến tiến độ đầu tư và giải ngân các nguồn vốn đầu tư công.

Xuất phát từ thực tiễn nền kinh tế rất cần có nguồn vốn để phục hồi phát triển kinh tế, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị Chính phủ cũng như các cơ quan liên quan nghiên cứu đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế nhưng đảm bảo quy định của pháp luật. Đại biểu cho rằng, nguồn vốn tiết kiệm nếu chưa sử dụng sẽ lãng phí, có thể nghiên cứu sử dụng theo hình thức vay trước. Đại biểu nêu quan điểm: Phải sử dụng như thế nào để có lợi, đáp ứng nhu cầu phục hồi và phát triển kinh tế nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định về thẩm quyền sử dụng nguồn vốn này.

Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh.

Việc bố trí vốn cho 3 dự án trọng điểm rất cần thiết cho sự lan tỏa phát triển kinh tế vùng và phát triển kinh tế, tuy nhiên đại biểu Nguyễn Thị Thanh băn khoăn về thủ tục và khả năng giải ngân, bởi 3 dự án mới trình Quốc hội nghiên cứu tiền khả thi. Liệu có hoàn thành thủ tục đầu tư cho 3 dự án này trong năm 2022 và bố trí vốn cho các dự án này có hấp thụ được hiệu quả, nếu không sẽ phải chuyển nguồn sang năm sau, điều này lại ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ thêm về sự cam kết và khả năng của Chính phủ trong việc thực hiện đúng tiến độ.

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng giải trình thêm các vấn đề đại biểu nêu liên quan đến việc sử dụng nguồn vốn chi cho 3 dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; về khoản tiết kiệm chi trả lãi vay.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu giải trình một số vấn đề thành viên Ủy ban Thường vụ nêu tại phiên thảo luận.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, đối với nguồn chi cho 3 dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng phải sử dụng từ các nguồn: đầu tư công trung hạn, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, ngân sách địa phương… Về tiến độ thực hiện 3 dự án, có thể giải ngân ngay trong năm 2023 bằng nguồn tăng thu và nguồn của chương trình phục hồi phát triển kinh tế.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, về phương án sử dụng nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2021 do Chính phủ trình đã đúng quy định pháp luật, tuy nhiên chậm so với yêu cầu, cần phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan và rút kinh nghiệm.

 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận nội dung thảo luận về phương án sử dụng nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2021.

Về phương án phân bổ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình với nội dung Chính phủ trình trong tổng số tăng thu tiết kiệm chi sẽ bổ sung vốn cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết 43 của Quốc hội; bổ sung nguồn để thực hiện cải cách tiền lương; bổ sung nguồn lực tiền thuê nhà hỗ trợ người lao động; bổ sung cho Bộ Quốc phòng, số thu từ tiền sử dụng đất quốc phòng đã nộp ngân sách, bổ sung cho Bộ Công an để thực hiện các dự án liên quan đến sản xuất thẻ căn cước công dân; cho phép chuyển nguồn mua vắc xin phòng chống dịch Covid-19… Đối với số vốn chưa phân bổ, đề nghị Bộ Tài chính sớm thống nhất phương án với Ủy ban Tài chính - Ngân sách theo hướng tăng cường cho chương trình phục hồi kinh tế, giảm áp lực bội chi ngân sách và nợ công; hoặc xem xét thưởng vượt thu cho một số địa phương; bố trí vốn cho một số dự án đầu tư công cấp bách có thể hoàn thành trong năm 2022.… Trường hợp Chính phủ không xây dựng được phương án sử dụng khoản này, đề nghị giảm bội chi để tăng chi trả nợ theo quyết định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội giao Ủy ban Tài chính - Ngân sách chủ trì, phối hợp với các cơ quan và các Bộ, ngành của Chính phủ tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sớm hoàn thành dự thảo Nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản trước khi Chủ tịch Quốc hội trình ký ban hành./.

Lan Hương - Ánh Nguyệt - Phạm Thắng

Các bài viết khác