Tòa án phải kiểm soát, kiểm tra toàn bộ quá trình giải quyết vụ án hình sự, bảo đảm công lý, đúng người, đúng tội

28/10/2014

Tôi cơ bản tán thành nhiều nội dung về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân được thể hiện tại Điều 2 dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Tuy nhiên, để cụ thể hóa quy định tại khoản 3, Điều 2 Hiến pháp năm 2013 về kiểm soát quyền lực Nhà nước và Điều 102 Hiến pháp năm 2013 thì Tòa án phải được giao nhiệm vụ và có quyền hạn kiểm soát hoạt động tư pháp. Theo đó, cần quy định theo hướng trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, Tòa án phải kiểm soát, kiểm tra toàn bộ quá trình từ điều tra, truy tố, xét xử để bảo đảm tính đúng đắn của toàn bộ quá trình tố tụng và tuyên bản án bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo đảm công lý, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng.

Nếu có khiếu nại của các cơ quan, cá nhân, tổ chức về việc quyền và lợi ích hợp pháp của họ bị xâm phạm hoặc không được bảo đảm trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử và thông qua hồ sơ vụ án, Tòa án phát hiện hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan, người tiến hành tố tụng trái pháp luật thì Tòa án phải có quyền xem xét, kết luận và xử lý các hành vi quyết định, tố tụng đó. Cụ thể, các trường hợp áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát trái pháp luật thì Tòa án có quyền hủy bỏ việc áp dụng các biện pháp đó, có thể thay thế bằng các biện pháp khác theo luật định, hoặc trường hợp cơ quan điều tra khởi tố bị can, mặc dù có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát, nhưng có khiếu nại của đương sự về quyết định khởi tố, thì Tòa án phải xem xét tính hợp pháp và có căn cứ của quyết định khởi tố đó ngay từ giai đoạn điều tra vụ án. Việc quy định Tòa án có quyền kiểm soát hoạt động tư pháp theo hướng nêu trên là thể chế hóa yêu cầu được nêu tại điểm 2.1, mục 2 kết luận của Bộ Chính trị về việc xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ giữa các cơ quan trong thực hiện các hoạt động tư pháp, đồng thời cũng không trùng lặp với nhiệm vụ, quyền hạn kiểm soát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát. Bởi lẽ, nếu phát hiện vi phạm pháp luật trong hoạt động tố tụng thì Viện kiểm sát chỉ có quyền kiến nghị hoặc kháng nghị mà không có quyền phán quyết với các vi phạm đó.

Trong quá trình giải quyết các vụ án thuộc thẩm quyền để bảo đảm cho Tòa án ra phán quyết đúng pháp luật, tránh oan, sai và bỏ lọt tội phạm cũng cần quy định Tòa án có thẩm quyền trong việc điều tra, xác minh bổ sung chứng cứ đối với những trường hợp cần thiết. Tôi đề nghị, cân nhắc, bổ sung vào khoản 3, Điều 2 quy định tòa án có nhiệm vụ, quyền hạn yêu cầu Viện Kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra hoặc tự mình xác minh thu thập, bổ sung chứng cứ nếu việc điều tra thu thập chứng cứ không đầy đủ để bảo đảm xét xử giải quyết các vụ án đúng pháp luật.

(Theo Đại biểu Nhân dân)

Các bài viết khác