GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: CẦN THIẾT SỬA ĐỔI TOÀN DIỆN LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

31/05/2020

Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 đã đưa ra nhiều chính sách, cách tiếp cận mới, từng bước đưa phương thức quản lý, giải quyết các vấn đề về môi trường từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường để đóng góp cho tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững. Tuy nhiên, những vấn đề và thách thức mới phát sinh từ thực tiễn đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường.

 

Hoàn thiện cơ sở pháp lý đồng bộ

Tại phiên họp thứ 44 dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với việc sửa đổi toàn diện Luật Bảo vệ môi trường, đồng thời lưu ý đến tính thống nhất của hệ thống pháp luật do dự án luật này liên quan đến nhiều luật, nhiều nội dung quản lý.

Trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Luật Bảo vệ môi trường hiện hành chưa tiếp cận và cập nhật với những thay đổi nhanh của cơ chế thị trường; một số quy định mới chỉ ở mức khung, chưa bảo đảm các yếu tố thực thi. Quản lý môi trường mới chỉ tập trung đề cao vai trò, trách nhiệm của Nhà nước, chưa làm rõ vai trò của người dân, doanh nghiệp, sự tham gia của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và cộng đồng trong bảo vệ môi trường, chưa huy động hiệu quả nguồn lực của xã hội cho bảo vệ môi trường trong khi nguồn lực của Nhà nước chưa đáp ứng được yêu cầu. Cách thức quản lý còn mang nặng tính mệnh lệnh hành chính, chủ yếu dựa vào quy trình, thủ tục, chưa dựa vào kết quả, mục tiêu cuối cùng. Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy việc quản lý môi trường phải gắn với kết quả, mục tiêu cuối cùng về bảo vệ môi trường, gắn trách nhiệm tuân thủ của doanh nghiệp kèm theo chế tài xử lý nghiêm khắc.

Phiên họp thứ 44 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội 

Bên cạnh đó, vấn đề bảo vệ môi trường không có ranh giới cụ thể nên cần phải được tiếp cận một cách tổng thể. Tuy vậy, nhiều nội dung về bảo vệ môi trường đang được quy định phân tán tại các luật khác nhau, chưa hướng đến mục tiêu tổng thể, chưa quán triệt chủ trương bảo vệ môi trường là một trong ba trụ cột của phát triển bền vững.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, môi trường nước ta đang diễn biến ngày càng phức tạp; chất lượng môi trường tại một số nơi đã vượt ngưỡng cho phép, không còn khả năng tiếp nhận chất thải. Đã xuất hiện những sự cố môi trường lớn, đặc biệt là sự cố môi trường do Formosa gây ra, đòi hỏi phải nhanh chóng thay đổi phương thức quản lý, kiểm soát về môi trường đối với các dự án đầu tư lớn, phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Bên cạnh đó, sự bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch COVID-19 hiện nay đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, nhiều quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường đã được ban hành cùng với nhiều cam kết quốc tế có liên quan đến môi trường mà Việt Nam tham gia cần sớm được thể chế hóa để thực hiện. Nhiều quốc gia đang chuyển sang lựa chọn mô hình kinh tế mới, ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo, giảm phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên. Thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ đã đặt ra cơ hội về đổi mới tư duy, cách thức trong quản lý môi trường, định hình các mô hình tăng trưởng mới cũng như những thách thức về sự dịch chuyển công nghệ cũ, ô nhiễm vào nước ta.

Những vấn đề nêu trên cho thấy đã đến lúc cần hoàn thiện đạo luật về bảo vệ môi trường một cách tổng thể, toàn diện, đồng bộ và thống nhất, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả trong triển khai thực hiện.

Cụ thể hóa 13 nhóm chính sách

Dự thảo Luật gồm 16 chương, 192 điều, cụ thể hóa 13 nhóm chính sách đã được đánh giá tác động, trong đó: đã bố cục lại các nội dung theo hướng đưa mục tiêu bảo vệ các thành phần môi trường là nội dung trọng tâm, quyết định cho các chính sách khác; quy định các chính sách quản lý theo tiến trình thực hiện của dự án đầu tư từ khi chuẩn bị, đưa vào hoạt động cho đến khi kết thúc dự án; đã cải cách mạnh mẽ, cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính từ 20-85 ngày. Dự thảo Luật sẽ góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp thông qua các quy định: thu hẹp khoảng 40% đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường (giảm khoảng 50 tỷ/năm); tích hợp các thủ tục hành chính vào giấy phép môi trường (giảm khoảng 86 tỷ/năm); bỏ quy định trách nhiệm quan trắc môi trường định kỳ của doanh nghiệp, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm hoặc gây ô nhiễm môi trường (giảm khoảng 20 nghìn tỷ/năm).

Bên cạnh đó, dự thảo đã bổ sung nhiều công cụ, chính sách kinh tế nhằm khuyến khích các hoạt động thân thiện môi trường, phát triển các mô hình tăng trưởng bền vững, huy động tối đa các nguồn lực của xã hội trong hoạt động bảo vệ môi trường như: cơ chế đặt cọc-hoàn trả, đóng góp kinh phí để thu gom, tái chế, xử lý bao bì, sản phẩm đã qua sử dụng; thuế, phí bảo vệ môi trường đối với chất thải, thuế các-bon; thị trường phát thải; tín dụng xanh; đầu tư theo hình thức PPP; đầu tư vào vốn tự nhiên; phát triển ngành công nghiệp môi trường; mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; vv.

Đồng thời, để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính toàn diện và bao quát của Luật Bảo vệ môi trường, dự thảo Luật đã đề xuất sửa đổi các chính sách về bảo vệ môi trường đang được quy định tại một số văn bản luật khác.

Xây dựng Bộ luật Bảo vệ môi trường mới xứng tầm yêu cầu và nhiệm vụ mới

Trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng nhấn mạnh: Một số ý kiến thẩm tra cho rằng bảo vệ môi trường trong giai đoạn mới phải ở mức cao hơn, toàn diện hơn. Do đó, đề nghị có thể nâng cấp thành một Bộ luật Bảo vệ môi trường mới xứng tầm yêu cầu và nhiệm vụ mới và trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 9.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa theo kịp với những thách thức mới đặt ra. Do đó, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng việc sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, phù hợp hơn với thế và lực mới cao hơn nhiều của đất nước; nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cũng theo Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng, hồ sơ dự án Luật của Chính phủ đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh, sửa đổi toàn diện Luật Bảo vệ môi trường từ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều sang Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Theo đó, từ 07 nhóm chính sách ban đầu, Chính phủ bổ sung 06 nhóm chính sách mới, kèm theo Báo cáo đánh giá tác động của cả 13 nhóm chính sách.

Do vậy, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, với những đề xuất sửa đổi, bổ sung và phạm vi điều chỉnh như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ thì việc mở rộng thành dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) là phù hợp; đồng thời, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thống nhất phương án trình Quốc hội dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng, nội dung của dự thảo Luật phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, cơ bản bảo đảm tính hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật và tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Dự thảo Luật cơ bản đã bám sát, thể chế hóa yêu cầu về hoạt động bảo vệ môi trường trong các Nghị quyết của Đảng; Bộ Chính trị; thể chế hóa mục tiêu nhiệm vụ “Bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu vừa là một nội dung cơ bản của phát triển bền vững”.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ bản nhất trí với quan điểm sửa đổi là chuyển các nội dung về bảo vệ môi trường còn rải rác ở các luật khác về luật chuyên ngành bảo vệ môi trường như quy định tại điều 190 của Dự thảo luật.

Tuy nhiên để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ & Môi trường đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật.

Cần thiết sửa đổi toàn diện dự án luật Bảo vệ môi trường

Nghiên cứu về dự án Luật, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, cho rằng đây là dự án luật lớn, có tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là vấn đề luôn được đông đảo cử tri và đại biểu Quốc hội quan tâm. Để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, việc sửa đổi toàn diện Luật Bảo vệ môi trường là vô cùng cần thiết. Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội

Phóng viên: Thưa đại biểu, đại biểu đánh giá như thế nào về sự cần thiết phải sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường?

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Luật Bảo vệ môi trường hiện hành đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 7, thay thế Luật Bảo vệ môi trường 2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015. Sau gần 6 năm triển khai thực hiện, Luật đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội về trách nhiệm và hành động trong bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Bảo vệ môi trường hiện hành cũng đã bộc lộ nhiều bất cập hạn chế. Những bất cập này đã được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đề cập, phân tích rất rõ trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua. Cụ thể: cơ chế, chính sách bảo vệ môi trường, các loại thuế, phí chưa phù hợp và đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường. Các thủ tục hành chính về môi trường còn có sự phân tán, thiếu liên thông, tích hợp dẫn đến việc cùng một dự án, chủ đầu tư phải thực hiện các thủ tục hành chính mang tính cho phép về môi trường của nhiều bên, nhiều cơ quan nhà nước…

Qua phần trình bày của đồng chí Bộ trưởng, tôi thấy sự chuẩn bị của Chính phủ về dự án luật rất kỹ lưỡng đồng thời cảm nhận được sự trăn trở của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường trong vấn đề bảo vệ môi trường hiện nay. Từ thực trạng, từ báo cáo đánh giá phân tích, tôi tán thành và đồng tình với việc sửa đổi một cách toàn diện Luật Bảo vệ môi trường thay cho dự án luật trước đây là chỉ sửa đổi một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Phóng viên: Theo quan điểm của đại biểu thì đâu là những nội dung chính cần tập trung sửa đổi lần này?

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Dự thảo luật lần này nhằm cụ thể hóa 13 nhóm chính sách. Quan điểm cá nhân, tôi đặc biệt quan tâm đến một số nhóm vấn đề:

Thứ nhất, hiện nay chúng ta đang hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mọi mặt đến đời sống kinh tế - xã hội, tạo ra xu thế mới trong quản lý môi trường và phát triển bền vững, trong đó việc xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh đang trở thành xu thế chủ đạo trên phạm vi toàn cầu.

Thứ hai, công tác bảo vệ môi trường cần chú trọng bảo vệ chất lượng các thành phần môi trường. Dự thảo Luật cần tập trung sửa đổi, bổ sung và cụ thể hóa các cơ chế, chính sách nhằm cải thiện và bảo vệ chất lượng môi trường đất, nước, không khí, kiểm soát ô nhiễm xuyên biên giới; bổ sung quy định về sức khỏe môi trường nhằm kiểm soát, phòng ngừa tác hại của các yếu tố môi trường đến sức khỏe con người.

Thứ ba, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, quy định việc tích hợp giấy phép vào 01 giấy phép môi trường một cách hợp lý.

Thứ tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 trong quan trắc, xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin về môi trường.

Bên cạnh đó, cần học hỏi kinh nghiệm từ các nước, phải coi trọng tăng cường chế tài mặc dù trong luật không thể nói vấn đề chế tài. Tuy nhiên, cần có những quy định mang tính răn đe, phòng ngừa để hạn chế tối đa hành vi gây ảnh hưởng, ô nhiễm đến môi trường. Đối với những quy định mới cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng. 

Phóng viên: Thưa đại biểu, có ý kiến cho rằng, cần quy định thêm nội dung về quản lý và hợp tác giữa các tỉnh thành trong việc quản lý chất lượng không khí theo khu vực. Quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Thời gian qua, nước ta đã triển khai các hoạt động quản lý, kiểm soát chất lượng không khí. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều hạn chế khiến chất lượng không khí tại một số thành phố đặc biệt đô thị lớn ô nhiễm nghiêm trọng. Bất cập này một phần là do, các chính sách, pháp luật về kiểm soát ô nhiễm không khí chưa cụ thể và chưa có kế hoạch quản lý chất lượng không khí ở Trung ương, cũng như địa phương.

Bên cạnh đó, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường không khí còn thiếu tính đồng bộ, công tác quan trắc, kiểm kê nguồn khí thải còn hạn chế, thiếu các chương trình quan trắc tổng thể và định kỳ cho các khu vực nông thôn và làng nghề; về trách nhiệm: chưa rõ đầu mối quản lý giữa các Bộ có liên quan.

Vì vậy, vấn đề quản lý và hợp tác giữa các tỉnh thành trong việc quản lý chất lượng không khí theo khu vực cần được quan tâm, nghiên cứu nhằm có quy định về phối hợp hiệu quả.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Luật Bảo vệ môi trường là luật cơ bản, quy định toàn diện, tổng hợp, thống nhất các nội dung về bảo vệ môi trường, khắc phục sự chồng chéo, xung đột, thiếu thống nhất và phân tán trong các quy định về bảo vệ môi trường của các luật có liên quan. Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) tiếp tục được lấy ý kiến góp ý, nhằm hoàn thiện trước khi trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV./.

Lan Anh

Các bài viết khác