ĐBQH MAI KHANH ĐƯA RA MỘT SỐ Ý KIẾN DỂ HOÀN THIỆN DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP

31/05/2020

Thảo luận tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Mai Khanh- Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình đã đưa ra một số ý kiến dể hoàn thiện Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

Đại biểu Mai Khanh cho ý kiến từ điểm cầu trực tuyến

Đại biểu Mai Khanh bày tỏ quan điểm tán thành với một số đại biểu đồng thời tán thành với phương án 2 trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đó là không nên quy định cơ quan giám định tư pháp nằm trong Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Đại biểu phân tích, về chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân tối cao, không phủ định những quan điểm mà một số đại biểu đã trình bày về hoạt động điều tra, nhưng mà chức năng của mỗi cơ quan là khác nhau và không thể so sánh với cơ quan điều tra của Công an nhân dân cũng như cơ quan điều tra của Bộ Quốc phòng, bởi vì Viện kiểm sát còn thực hiện quyền công tố.

Hoạt động giám định tư pháp không phải là hoạt động điều tra, nó chỉ bổ trợ cho quá trình điều tra, còn trong Luật Tố tụng hình sự chỉ quy định về việc trưng cầu giám định, những quy định về giám định lại hay giám định bổ sung nếu trong trường hợp những kết luận giám định thấy không tin tưởng thì có thể trưng cầu các cơ quan khác giám định. Đại biểu cho rằng hoạt động giám định tư pháp thuần túy là hoạt động chuyên môn, hiện nay cơ quan điều tra của Bộ Công an đang làm tương đối tốt việc này. Nếu vì quá tải thì chúng ta có thể bổ sung con người, cơ sở vật chất, thay đổi lề lối làm việc, cải tạo biện pháp làm việc, hiệu quả của các cơ quan này thay vì chúng ta bổ sung chức năng này cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Đại biểu cũng chỉ ra rằng, nếu như Viện kiểm sát giám định thì một số vụ án trong tố tụng hình sự Viện kiểm sát là cơ quan công tố, trong các kết luận giám định có rất nhiều vấn đề có tính chất quan trọng, quyết định về việc truy tố hay không truy tố. Nếu sử dụng kết luận giám định do chính mình sản xuất ra để làm căn cứ truy tố thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tính khách quan của vụ án.

Bên cạnh đó, về nội dung điều kiện thành lập văn phòng giám định, nếu có những điều kiện quy định trong luật thì có thể còn thiếu và chưa được kỹ càng, có thể dẫn đến việc thành lập những văn phòng giám định hình thức. Nếu chúng ta chỉ quy định có 3 năm hoạt động trong lĩnh vực giám định, vì có thể trong thực tiễn có những việc 3 năm hoạt động trong lĩnh vực giám định nhưng thực chất các vụ việc tiến hành giám định rất ít, có thể là hình thức và không có kinh nghiệm. Đại biểu đề nghị ở điều này cần thiết phải bổ sung một số điều kiện cụ thể như giám định viên phải kinh qua giám định bao nhiêu vụ, bao nhiêu hoạt động giám định tư pháp.

Về bố trí chỗ ngồi cho giám định viên tại Điều 23, đại biểu cho rằng việc này hoàn toàn không cần thiết. Vì hiện nay ngay cả chỗ ngồi trong phiên tòa của thẩm phán hay của các luật sư, các thành phần khác hoàn toàn không có quy định trong luật mà là quy định riêng của ngành Tòa án. Trong thực tiễn việc này cũng không có vướng mắc gì. Tất cả những người giám định, phiên dịch hay luật sư khi tham gia phiên tòa đều được bố trí chỗ ngồi đầy đủ. Do đó, quy định vấn đề này trong luật là không cần thiết.

 Về từ chối tiếp nhận trưng cầu giám định, đại biểu cho rằng vấn đề này hiện nay quy định còn quá chung chung và có thể là nguyên nhân dẫn đến những việc từ chối giám định mà không có lý do chính đáng; người từ chối có thể lý luận nhiều lý do, ví dụ như là không đủ năng lực, không phù hợp... Vì vậy, lần sửa đổi này nên tính toán, cân nhắc làm sao cho điều luật được quy định cụ thể hơn nữa, đảm bảo tính khả thi khi vận dụng./.

Hồ Hương

Các bài viết khác