ĐBQH LÊ QUANG TRÍ ĐƯA RA MỘT SỐ QUAN ĐIỂM HOÀN THIỆN DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ LUẬT ĐÊ ĐIỀU

31/05/2020

Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Lê Quang Trí- Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang đưa ra một số quan điểm hoàn thiện Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

 

Đại biểu Lê Quang Trí phát biểu từ điểm cầu trực tuyến

Đại biểu cơ bản thống nhất với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Tuy nhiên, để góp phần hoàn thiện dự thảo luật đại biểu Lê Quang Trí tham gia một số vấn đề sau:

Một là, về chính sách của nhà nước trong phòng, chống thiên tai tại Điều 5 Luật Phòng, chống thiên tai, đại biểu phân tích, Việt Nam chúng ta là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, những tháng đầu năm 2020 đã có 8 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long công bố tình trạng khẩn cấp về hạn mặn, hàng triệu người thiếu nước sinh hoạt và thiếu nước sản xuất. Do đó, chúng ta cần khẩn trương chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo đại biểu, chúng ta cần khẩn trương đầu tư xây dựng các ao, hồ, công trình trữ nước ngọt cho các vùng có nguy cơ hạn xâm nhập mặn để chủ động nguồn nước sinh hoạt, nguồn nước sản xuất, góp phần phát triển bền vững đất nước.

Để có cơ sở pháp lý thực hiện việc này, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung một khoản vào Điều 5 quy định ưu tiên đầu tư các công trình trữ nước ngọt tại các vùng có nguy cơ cao về hạn, xâm nhập mặn.

Hai là, về khoa học và công nghệ phòng, chống thiên tai tại Điều 39a Luật Phòng, chống thiên tai, đại biểu thống nhất với các quy định tại điều này quy định việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ để nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát, truyền tin các loại hình thiên tai cũng như quy định việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng công trình phòng, chống thiên tai. Tuy nhiên, trước yêu cầu thực tiễn phải ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra trên diện rộng và thường xuyên, rất cần ưu tiên nghiên cứu triển khai các giải pháp ứng phó.

Theo đại biểu, có 2 giải pháp:

Giải pháp thứ nhất, khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm trong mùa khô hạn, bơm nước ngọt đã qua xử lý trở lại các túi nước ngầm trong mùa mưa, thời gian mà nguồn nước sông dồi dào. Giải pháp này giúp chúng ta luôn có một lượng lớn nước ngọt dự trữ dưới lòng đất, góp phần hạn chế sụt lún nền đất do các năm qua chúng ta chỉ có khai thác và khai thác quá mức nguồn nước ngầm, làm cho các túi nước ngầm cạn kiệt.

Giải pháp thứ hai, gây mưa nhân tạo cho các vùng hạn nghiêm trọng. Giải pháp này đã được các nước như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Thái Lan nghiên cứu và áp dụng. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung 2 khoản vào Điều 39a. Bổ sung khoản 3 quy định ưu tiên nghiên cứu công nghệ gây mưa nhân tạo, đảm bảo an toàn, hiệu quả. Bổ sung khoản 4 quy định ưu tiên nghiên cứu công nghệ xử lý nguồn nước sông, nước suối bơm cấp trở lại các túi nước ngầm.

Theo đại biểu, quy định này là cơ sở pháp lý để Bộ Khoa học và Công nghệ quy tụ các nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam hợp tác cùng với các nhà khoa học của các nước có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Triển khai nhiệm vụ khoa học cấp Nhà nước, nghiên cứu công nghệ để gây mưa nhân tạo, đảm bảo an toàn môi trường và có chi phí vận hành phù hợp.

Ba là, về chính sách của nhà nước trong lĩnh vực đê điều tại Điều 6 Luật Đê điều. Thực tế nhiều vùng biển của Việt Nam chúng ta có sóng biển rất mạnh. Sóng biển đánh liên tục vào bờ gây sạt lở bờ biển nghiêm trọng. Có nơi mỗi năm bờ biển bị sạt lở từ 20m đến 30m một năm, làm cho nhiều đoạn đê biển bị đe dọa nghiêm trọng. Hàng năm chúng ta phải gia cố, bảo trì đê biển rất tốt kém. Nếu chúng ta nghiên cứu đầu tư các công trình biến năng lượng sóng biển tại các vùng biển có sóng biển mạnh thành điện năng sẽ cho hiệu quả kép, vừa tận dụng được nguồn năng lượng tái tạo vô tận của biển, vừa bảo vệ được bờ biển, bảo vệ đê biển và giảm chi phí bảo trì, bảo dưỡng các công trình đê biển. Thực tế, từ năm 2016 đã có nhà máy sản xuất điện từ năng lượng sóng biển hòa mạng lưới điện quốc gia tại Vương quốc Anh. Và theo đánh giá của Hội đồng Năng lượng thế giới, thị trường điện năng từ sóng biển là rất lớn, khoảng 1.000 tỷ USD.

Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung một khoản trong Điều 6 Luật Đê điều quy định khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu đầu tư công trình sản xuất điện từ năng lượng sóng biển kết hợp bảo vệ đê biển./.

Hồ Hương

Các bài viết khác