ĐBQH TRẦN HỒNG HÀ ĐÓNG GÓP Ý KIẾN HOÀN THIỆN DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP

31/05/2020

Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Trần Hồng Hà- Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đóng góp ý kiến hoàn thiện Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

Đại biểu Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội trường

Đại biểu Trần Hồng Hà đánh giá cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 để chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Dự thảo luật đã cơ bản giải quyết được những bất cập, vướng mắc hiện nay cho công tác giám định tư pháp, như việc cần phải nâng cao hơn nữa chất lượng kết luận giám định; kiểm soát về số lượng và chất lượng của giám định viên tư pháp; tổ chức người giám định theo vụ việc; về vấn đề thời hạn giám định; về trình tự, hồ sơ, thẩm quyền bổ nhiệm và cấp thẻ giám định tư pháp; về quyền, nghĩa vụ của giám định tư pháp, người giám định tư pháp, quyền và nghĩa vụ của tổ chức được trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp, việc xác định cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc cần phải nhiều cơ quan, tổ chức phối hợp cùng thực hiện giám định.

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu tham gia một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án luật, đại biểu nhất trí với quy định của dự thảo luật về phạm vi sửa đổi là chỉ xem xét sửa đổi, bổ sung những quy định để tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong công tác giám định tư pháp theo vụ việc nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế kéo dài trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án nói chung và các vụ án kinh tế, tham nhũng nói riêng, phục vụ có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, phù hợp với tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp. Thực tiễn thi hành Luật Giám định tư pháp thì những vướng mắc, bất cập chủ yếu hiện nay trong công tác giám định tư pháp là hoạt động giám định tư pháp theo vụ việc trong các vụ án kinh tế, tham nhũng tập trung chủ yếu ở các loại hình giám định về tài chính, tiền tệ, giao thông, xây dựng, đất đai, môi trường, còn các lĩnh vực giám định tư pháp truyền thống như giám định pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự thì các vướng mắc chủ yếu là do khâu tổ chức thực hiện, sự phối hợp chưa tốt giữa các cơ quan có liên quan. Chính phủ cũng đã có báo cáo về việc chỉ đạo điều tiết để khắc phục vướng mắc này.

Thứ hai, về việc sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8, tại khoản 3 Điều 8 của Luật Giám định tư pháp hiện hành quy định hồ sơ đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp phải có sơ yếu lý lịch và phiếu lý lịch tư pháp của người được đề nghị bổ nhiệm. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định trường hợp người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp đang là công chức, viên chức, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng thì không cần có phiếu lý lịch tư pháp. Đại biểu đề nghị cần xem xét lại quy định này vì hồ sơ đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp cần bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa các đối tượng được đề nghị bổ nhiệm, không nên có sự phân biệt giữa những người làm trong khu vực nhà nước với những người khác. Hơn nữa, công tác giám định tư pháp nói chung và kết luận giám định tư pháp nói riêng là hết sức quan trọng, là căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự, nhiều trường hợp là căn cứ chủ yếu để khởi tố hoặc không khởi tố vụ án, khởi tố bị can nên việc xem xét quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn, hồ sơ đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp là hết sức cần thiết, không nên chỉ vì cải cách thủ tục hành chính mà bỏ qua quy định này, có thể sẽ tạo sự sơ hở về mặt pháp lý, sự bất cập, không đồng bộ về mặt thủ tục.

Thứ ba, về bổ sung chức năng giám định tư pháp cho Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Dự thảo luật bổ sung quy định Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân tối cao là một trong các tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự với nhiệm vụ giám định về âm thanh, hình ảnh, các dữ liệu điện tử. Đại biểu tán thành với quy định này vì hiện nay tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự mới có ở Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, trong đó việc giám định âm thanh, hình ảnh chỉ có ở đơn vị giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Công an. Phòng Giám định kỹ thuật hình sự của Bộ Quốc phòng mới chỉ tiến hành giám định tài liệu, chữ viết, chữ ký, dấu vết súng đạn nhưng chưa có giám định về âm thanh, hình ảnh. Hiện nay toàn bộ việc giám định âm thanh, hình ảnh của các cơ quan tiến hành tố tụng chủ yếu tập trung trưng cầu giám định tại Viện Khoa học hình sự Bộ Công an.

Đại biểu chỉ rõ, trước yêu cầu giám định tư pháp về âm thanh, hình ảnh ngày càng tăng, nhất là từ ngày mùng 1/1/2020 phải thực hiện việc ghi âm, ghi hình có âm thanh khi tiến hành hỏi cung bị can dẫn đến nhu cầu giám định tăng mạnh khi bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng có yêu cầu giám định tính chính xác của dữ liệu ghi âm hoặc địa hình có âm thanh. Mặt khác, do chỉ có một tổ chức giám định âm thanh, hình ảnh nên nếu có trường hợp kết luận giám định có dấu hiệu không khách quan hoặc có khiếu nại kết luận giám định thì các cơ quan tiến hành tố tụng không thể trưng cầu giám định lại theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Tuy nhiên điểm d khoản 5 Điều 2 của dự thảo luật bổ sung Phòng Giám định kỹ thuật sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao là một trong những tổ chức giám định tư pháp công lập về hình sự. Nhưng tại khoản 7 Điều 12 của Luật Giám định tư pháp hiện hành giao Chính phủ quy định chi tiết chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc của tổ chức giám định tư pháp công lập quy định tại điều này, như vậy có cả Phòng Giám định kỹ thuật sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Đại biểu cho rằng quy định tại khoản 7 Điều 12 chỉ phù hợp với hệ thống các tổ chức giám định tư pháp công lập theo quy định của luật hiện hành gồm các tổ chức thuộc bộ, ngành, địa phương, thuộc phạm vi quản lý của Chính phủ. Còn nếu bổ sung Phòng Giám định khoa học kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân tối cao là một trong những tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự mà vẫn giữ quy định tại khoản 7 Điều 12 là chưa hợp lý. Vì theo quy định tại khoản 3 Điều 63 của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có nhiệm vụ, quyền hạn quy định bộ máy làm việc của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn. Do đó đề nghị nghiên cứu, rà soát quy định này để đảm bảo tính thống nhất.

Đại biểu Trần Hồng Hà cũng nêu rõ, mặc dù dự thảo luật bổ sung Phòng Giám định khoa học kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân tối cao là tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự nhưng chưa bổ sung quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên của tổ chức này. Hơn nữa, Khoản 1 Điều 9 của luật hiện hành quy định Bộ trưởng Bộ Công an bổ nhiệm giám định viên kỹ thuật, hình sự hoạt động tại các cơ quan ở trung ương; Khoản 2 Điều 9 mới chỉ quy định Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có trách nhiệm lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn, đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an bổ nhiệm giám định viên kỹ thuật hình sự thuộc Bộ mình. Vì vậy, đề nghị bổ sung quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên của Phòng Giám định kỹ thuật sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao vào dự thảo luật này./.

Hồ Hương

Các bài viết khác