ĐBQH CAO ĐÌNH THƯỞNG ĐÓNG GÓP MỘT SỐ Ý KIẾN HOÀN THIỆN DỰ ÁN LUẬT DOANH NGHIỆP (SỬA ĐỔI)

31/05/2020

Thảo luận tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Cao Đình Thưởng- Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ đóng góp một số ý kiến hoàn thiện Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Đại biểu Cao Đình Thưởng phát biểu từ điểm cầu trực tuyến

Bày tỏ sự đồng tình cao với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Doanh nghiệp trong các báo cáo đã trình bày tại Phiên họp, tuy nhiên đại biểu Cao Đình Thưởng cũng đưa ra một số ý kiến để hoàn thiện dự án Luật. Cụ thể:

Một là, về phạm vi điều chỉnh quy định đối tượng hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp. Đại biểu hiểu và chia sẻ mong muốn của Ban soạn thảo trong việc tạo địa vị pháp lý cho các hộ kinh doanh khi đưa các nội dung về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) lần này. Tuy vậy, đây là Luật Doanh nghiệp nên quy định đưa hộ kinh doanh vào luật là chưa phù hợp, vì 2 lý do sau:

Mục đích sửa đổi Luật Doanh nghiệp là nhằm sửa đổi, bổ sung một số nội dung thiết yếu có liên quan đến những vấn đề phát sinh trong thực tế hoạt động của doanh nghiệp. Trong khi đó, các hộ kinh doanh là mô hình kinh doanh đặc thù, bản chất không phải là doanh nghiệp. Vấn đề này đã được thể hiện rõ trong báo cáo thẩm tra. Còn nếu đưa hộ kinh doanh vào luật có thể gây hiểu lầm, khiến cách áp dụng giữa các nơi có thể rất khác nhau hoặc trong một bộ phận cán bộ quản lý sẽ coi hộ kinh doanh là doanh nghiệp và khiến các hộ bị phát sinh chi phí, thêm thủ tục và khó khăn hơn trong hoạt động.

Bên cạnh đó, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật Doanh nghiệp là các loại hình doanh nghiệp. Nếu coi hộ kinh doanh thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của luật thì khi đó là luật về mô hình kinh doanh, chứ không còn là Luật Doanh nghiệp. Do đó, nếu đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp là đang đốt cháy giai đoạn và chưa phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Mặt khác, thực tế hiện nay hình thức kinh doanh theo hộ rất đa dạng, linh hoạt và có sự điều chỉnh liên tục để thích ứng với biến động của thị trường. Ví dụ, thời gian qua do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, rất nhiều hộ kinh doanh tạm dừng hoạt động khi dịch được kiểm soát thì lại tiếp tục quay trở lại. Do vậy, nếu đưa vào luật vừa bó tay, bó chân, vừa không phù hợp với thực tiễn, gây khó cho hộ kinh doanh. Còn nếu coi hộ kinh doanh như doanh nghiệp thì thủ tục giải thể, phá sản sẽ còn phức tạp hơn nhiều. Trong tình hình dịch bệnh như vừa qua, liệu cơ quan quản lý có kịp thời xử lý những vấn đề về giải thể, dừng hoạt động của hộ kinh doanh hay không? Vì thế, cần giao cho Chính phủ quy định cụ thể để có thể điều chỉnh linh hoạt tùy theo mức độ hoạt động, sự đa dạng của hộ kinh doanh trong từng thời điểm và có thể xây dựng thành luật riêng. Đồng thời, thực hiện rà soát và đổi mới chính sách để tăng cường hoạt động quản lý nhà nước và thu thuế cũng như các chính sách khác hỗ trợ vốn, kỹ thuật, thông tin, thúc đẩy các hộ kinh doanh hiệu quả và phát triển thành doanh nghiệp trong thời gian tới.

Hai là, về con dấu và thông báo mẫu dấu của doanh nghiệp tại Điều 44 dự thảo luật,  đại biểu nhất trí và đề nghị cơ quan tiếp thu, chỉnh sửa theo hướng trao quyền cho doanh nghiệp trong việc tự quyết định có hoặc không có con dấu. Đồng thời, bỏ quy định doanh nghiệp phải thông báo mẫu dấu cho cơ quan đăng ký kinh doanh nhằm giảm bớt thủ tục hành chính vì các lý do sau: Giảm thủ tục cho doanh nghiệp, tạo sự chủ động, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy mạnh sử dụng công nghệ thông tin, công nghệ số. Tuy nhiên, đề nghị cần tăng cường hậu kiểm để tránh tình trạng nhiều cá nhân lợi dụng việc này để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của cá nhân, tổ chức trong thời gian vừa qua, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản.

Ba là, về doanh nghiệp nhà nước tại Điều 88 dự thảo luật, đại biểu nhất trí với khái niệm doanh nghiệp nhà nước được quy định tại Điều 88 dự thảo luật vì nó phù hợp với cách tiếp cận hiện nay trong hệ thống pháp luật về doanh nghiệp nhà nước, không tạo ra sự xáo trộn cũng như tác động đến hệ thống pháp luật hiện hành. Với quan điểm doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là doanh nghiệp nhà nước, các lý lẽ do cơ quan tiếp thu đưa ra đã quá rõ ràng, không làm mất vai trò chi phối của Nhà nước, đồng thời cũng đạt mục đích kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả hơn việc sử dụng vốn, tài sản nhà nước trong các doanh nghiệp.

Bốn là, về quyền của cổ đông phổ thông, Điều 114 dự thảo luật. Theo đại biểu không nên giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông phổ thông, điều này có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp vì đa số cổ đông nhỏ thường sẽ quan tâm đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Trong trường hợp doanh nghiệp khó khăn, họ có thể quyết định bán phần vốn góp và chuyển sang doanh nghiệp khác mà ít quan tâm đến góp ý vào hoạt động quản trị kinh doanh của doanh nghiệp. Mặt khác, một doanh nghiệp có quá nhiều sự can thiệp vào hoạt động quản trị, điều hành sản xuất, kinh doanh của cổ đông nhỏ thậm chí có thể ảnh hưởng đến việc bảo mật thông tin của doanh nghiệp. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho cổ đông nhỏ lẻ, đề nghị quy định trong dự thảo luật việc công khai thông tin là trách nhiệm của doanh nghiệp vì đây là xu thế phát triển. Doanh nghiệp công khai, minh bạch về tài chính mới thu hút được nhiều nhà đầu tư góp vốn phát triển doanh nghiệp chứ không phụ thuộc vào lượng phần trăm cổ phần mà cổ đông nắm giữ.

Ngoài các nội dung trên, đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát kỹ những nội dung cụ thể để đảm bảo tính đồng bộ và chặt chẽ để Dự án Luật có tính khả thi cao khi đi vào cuộc sống./.

Hồ Hương

Các bài viết khác