BỘ TN&MT TRẢ LỜI CHẤT VẤN CỦA ĐẠI BIỂU NGUYỄN PHƯỚC LỘC VỀ GIẢI PHÁP XỬ LÝ CHẤT THẢI NHỰA

24/09/2020

Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Phước Lộc - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh có chất vấn gửi đến Bộ Tài nguyên và Môi trường về các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa, phòng, chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương.

Gửi văn bản chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, đại biểu Nguyễn Phước Lộc đề nghị Bộ trưởng thông tin các giải pháp trước mắt và lâu dài trong việc giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa, phòng, chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương. "Các giải pháp đề ra có bảo đảm tính bền vững bảo vệ môi trường không? Đồng thời có được nghiên cứu đầy đủ để đưa vào dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) hay không?" - đại biểu Nguyễn Phước Lộc nêu chất vấn.

Đại biểu Nguyễn Phước Lộc - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Phước Lộc, ngày 22/6/2020, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, do thói quen và tiện lợi sử dụng, rác thải nhựa ở Việt Nam đã gia tăng rất nhanh trong thời gian vừa qua, đặc biệt là túi ni lông (siêu mỏng, khó phân hủy và thường thải bỏ sau một lần sử dụng; việc xử lý túi ni lông thải chủ yếu bằng biện pháp chôn lấp vì giá trị thu hồi để tái chế thấp).

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhận định, rác thải nhựa đại dương hiện nay là vấn đề môi trường toàn cầu. Thực tế, 80% rác thải nhựa đại dương có nguồn gốc từ đất liền. Vì vậy, việc giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa đóng vai trò quan trọng trong phòng ngừa, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù, rác thải nhựa tồn tại ở biển và đại dương luôn có những khác biệt so với trên đất liền, như: (i) rác thải nhựa gây tác động xấu trực tiếp đến các hệ sinh thái biển, làm giảm giá trị hàng hóa và dịch vụ của hệ sinh thái biên; (ii) rác thải nhựa, đặc biệt là hạt vi nhựa có thể đi vào chuỗi thức ăn, ảnh hưởng đến sức khỏe con người; (iii) kiểm soát, quản lý rác thải nhựa đại dương trên các vùng biển Việt Nam đòi hỏi phải có sự chia sẻ thông tin, dữ liệu, chung tay hành động với các quốc gia trên thế giới.

Bộ trưởng cho biết, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) sửa đổi (dự thảo Luật), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức điều tra, đánh giá kỹ lưỡng tình hình phát sinh, giảm thiểu, thu gom, tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải nhựa ở Việt Nam; đã tổ chức nhiều đoàn đi học tập, trao đổi kinh nghiệm ở nước ngoài; tổ chức nhiều hội thảo khoa học, lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học có liên quan, đồng thời tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức và người dân để hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến, bảo đảm được nghiên cứu đầy đủ, chặt chẽ và khả thi tại Việt Nam, cụ thể:

- Quốc hội đã thông qua Luật thuế BVMT. Theo đó, túi ni lông không thân thiện với môi trường là đối tượng chịu thuế BVMT, để từng bước thay đổi hành vi, thói quen sử dụng túi ni lông không thân thiện với môi trường;

- Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định: số 582/QĐ-TTg ngày 11/4/2013 về việc phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020; số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 phê duyệt điều chỉnh Chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến 2050 và Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 17/9/2018 về tăng cường quản lý đối với phế liệu nhập khẩu, trong đó có nhựa phế liệu. Theo các văn bản nêu trên, đã đẩy mạnh, chú trọng việc sử dụng túi ni lông thân thiện với môi trường thay thế cho túi ni lông khó phân hủy, hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất và cung cấp các loại túi này.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu trước Quốc hội.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 04/12/2019 ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 (trong đó mục tiêu đến năm 2030 sẽ giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa).

Kế hoạch này nhằm thực hiện có kết quả các sáng kiến và cam kết của Việt Nam với quốc tế về giải quyết các vấn đề rác thải nhựa mà trọng tâm là rác thải nhựa đại dương, bảo đảm ngăn ngừa việc xả rác thải nhựa từ các nguồn thải trên đất liền và các hoạt động trên biển, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương như đã được xác định tại Nghị quyết số 36-NQ/TW của Hội nghị lần thứ tám Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Kế hoạch đã đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp mang tính tổng thể, lâu dài và toàn diện theo năm nhóm chính sau: (i) Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa đại dương; (i) Thu gom, phân loại, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải, rác thải nhựa từ các hoạt động ở khu vực ven biển và trên biển; (iii) Kiểm soát rác thải nhựa từ nguồn; (iv) Hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ về xử lý rác thải nhựa đại dương; (v) Điều tra, khảo sát, rà soát, nghiên cứu, xây dựng cơ chế quản lý rác thải nhựa đại dương đảm bảo đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhận định, các giải pháp này đã thực thi thành công, bảo đảm hiệu quả cũng như tính bền vững ở nhiều mô hình thực tế tại nhiều nước trên thế giới song cũng luôn cần sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của cả hệ thống chính trị ở Việt Nam.

Bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách để tăng cường việc giảm thiểu, thu gom, tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải nói chung và chất thải nhựa nói riêng, công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng cũng đã được đẩy mạnh, phổ biến đến tận người dân về giảm chất thải nhựa, đặc biệt tại Lễ ra quân phong trào chống rác thải nhựa diễn ra sáng ngày 9/6/2019 do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi toàn quốc hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa.

Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, đề xuất sửa đổi cơ chế, chính sách nhằm giải thiểu, tăng cường tái chế, tái sử dụng, ngăn chặn tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường; tổ chức các đợt kiểm tra, thanh tra về quản lý, xử lý chất thải; hướng dẫn thực hiện quản lý chất thải nhựa; khuyến khích cộng đồng tăng cường tái sử dụng túi ni lông, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; phát động phong trào toàn dân tham gia chống rác thải nhựa, cùng chung tay thành lập Liên minh chống rác thải nhựa, Liên minh tái chế bao bì, phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước triển khai các dự án, hoạt động chống rác thải nhựa.

Cũng theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo ký Chương trình phối hợp về công tác bảo vệ môi trường giữa 02 Bộ giai đoạn 2019 – 2025 với mục đích đẩy mạnh công tác BVMT, trong đó chú trọng đưa nội dung giáo dục về giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải rắn; hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy. Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-BYT ngày 29/7/2019 về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế; tổ chức triển khai Hội nghị trực tuyến “Triển khai giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế”; chỉ đạo các bệnh viện, các cơ sở y tế, các công ty dược, các nhà thuốc hạn chế việc sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi nilong khó phân hủy. Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-BCT ngày 15/7/2019 về việc tăng cường các biện pháp giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành công thương.

Với sự hỗ trợ, hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các tập đoàn sản xuất, phân phối bán lẻ lớn đã hình thành các liên minh chống rác thải nhựa như Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (gồm 40 doanh nghiệp lớn như TH Group, Coca-Cola, La Vie, Nestle, Nutifood... đã được thành lập để tham gia vào các chương trình tái chế rác thải nhựa); Thỏa thuận thiết lập Hợp tác công tư về xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam đã được ký kết giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Công ty TNHH Dow Chemical Việt Nam, Tập đoàn SCG và Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nêu rõ, thực tế, các địa phương đều có chuyển biến mạnh mẽ phương thức sản xuất và thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy bằng các sản phẩm, bao bì thân thiện với môi trường trong hoạt động thường nhật của chính quyền và nhân dân. Tại các tỉnh, thành phố lớn, hầu hết các siêu thị đều đã cam kết hạn chế và tiến tới không sử dụng túi nilon từ năm 2020 theo lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Các doanh nghiệp như Co.op mart Việt Nam, Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Thành phố Hồ Chí Minh, siêu thị Big C Đà Nẵng, Big C Hà Nội... đã sử dụng phương pháp bọc hàng hóa, sản phẩm bằng lá chuối thay thế dần túi nylon. Các hãng Hàng không Vietjet, Bamboo đã đặt trọng tâm về kế hoạch sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường trên các chuyến bay. Nhiều tổ chức, đơn vị tư nhân trên cả nước đã đứng ra vận động người dân mang đổi vỏ chai nhựa để lấy cây xanh. Nhiều cửa hàng nước giải khát không phục ống hút nhựa đi kèm, thay bằng ống hút giấy, dùng cốc sử dụng nhiều lần.

Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, để nâng cao hiệu quả, tính bền vững trong quản lý chất thải nhựa cần thiết phải áp dụng đồng bộ, thực hiện quyết liệt, thường xuyên và có sự chung tay của các cấp, bộ, ngành, doanh nghiệp, người dân và toàn xã hội, cụ thể:

- Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chích sách đặc biệt là trình Quốc hội thông qua Luật BVMT sửa đổi, các văn bản hướng dẫn thi hành; chú trọng chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư, sản xuất, sử dụng các loại vật liệu, sản phẩm thân thiện môi trường; tăng cường tái chế và tái sử dụng chất thải; có chế tài đủ mạnh để xử phạt nghiêm các vi phạm về BVMT; tăng thuế đối với những sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy, đồng thời miễn, giảm thuế đối với các sản phẩm thân thiện môi trường;

- Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tái chế chất thải túi ni lông và chất thải nhựa thành các sản phẩm thân thiện hơn với môi trường; sản xuất những sản phẩm thân thiện môi trường để thay thế như túi đựng thân thiện môi trường, chai, lọ thân thiện môi trường...

- Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về tác hại của các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa, túi ni lông sử dụng một lần; thường xuyên phát động các phong trào phòng chống rác thải nhựa;

- Xác định rõ chính quyền địa phương có trách nhiệm chính trong việc giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa;

- Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tham mưu xây dựng Đề án thành lập Trung tâm quốc tế về rác thải nhựa đại dương và Đề án Tăng cường công tác quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam nhằm rà soát, đề xuất việc hoàn thiện các quy định, chính sách hiện hành, hạn chế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần; khuyến khích, hỗ trợ phát triển, sử dụng các sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường; phân loại rác tại nguồn; thu hút đầu tư, ứng dụng phát triển công nghệ tiên tiến, tái sử dụng, tái chế rác thải, rác thải nhựa; hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất các loại túi nilông khó phân huỷ. 

Hồ Hương