Phát biểu tại phiên thảo luận tổ 04 gồm Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, Hưng Yên, Thái Nguyên và Cần Thơ, đại biểu Trần Văn Lâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang tán thành với sự cần thiết cần phải xây dựng và ban hành Luật Biên phòng lần này để tiếp tục Luật hóa những quy định còn phù hợp của Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng; và cho rằng đã qua mấy chục năm thực hiện, những vấn đề đã được khẳng định thì cần thiết phải được luật hóa để nâng cao giá trị pháp lý thực thi. Đồng thời khắc phục những mặt bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện và đáp ứng yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật trong xây dựng, quản lý bảo vệ biên giới quốc gia và khu vực biên giới trong tình hình mới.
Đại biểu Trần Văn Lâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang
Về các nội dung cụ thể, đại biểu Trần Văn Lâm bày tỏ tán thành với tên gọi là Luật Biên phòng và đề nghị lần này mở rộng ra với các đối tượng điều chỉnh rộng hơn so với Pháp lệnh, theo đó bao trùm tất cả các lực lượng, các thành phần tham gia vào nhiệm vụ bảo vệ biên giới quốc gia. Bên cạnh đó, đại biểu cho biết các luật của nước ta cho đến nay cũng chưa thấy có luật nào ghi là Luật Việt Nam như Luật Quốc phòng, Luật Công an nhân dân, Luật Hải quan, Luật Thuế. Do đó, đại biểu cho rằng Luật Biên phòng này không cần thiết phải có từ Việt Nam.
Về đối tượng áp dụng, đại biểu cũng cho biết Luật lần này mở rộng phạm vi đối tượng áp dụng. Trước đây, Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ quy định về có lực lượng Bộ đội Biên phòng. Lần này đối tượng áp dụng mở rộng ra rất nhiều các lực lượng tham gia vào công tác biên phòng. Đại biểu đề nghị luật có một điều quy định về đối tượng áp dụng. Trong đó, đối tượng áp dụng có rất nhiều đối tượng tham gia phối hợp, ngoài các lực lượng biên phòng thì có Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, các lực lượng thuế, quản lý thị trường... báo cáo với Ủy ban nhân dân, chính quyền các cấp, các địa phương ở khu vực biên giới. Do đó đề nghị làm rõ phạm vi, đối tượng áp dụng trong dự thảo luật hiện nay là chưa có.
Về chính sách nhà nước về biên phòng tại Điều 3, đại biểu Trần Văn Lâm chỉ rõ, tên của Điều 3 là chính sách nhà nước về quốc phòng nhưng nội dung của Điều 3 mang tính chất nêu lên nguyên tắc thực thi các nhiệm vụ chứ không phải làm một chính sách cụ thể, một kế hoạch cụ thể đưa ra để nhằm đạt được mục đích nào đó. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nên nghiên cứu, cân nhắc nội dung này và lưu ý đã là chính sách thì phải xác định rõ chính sách này hướng đến mục tiêu gì, các biện pháp cụ thể ra sao.
Về Chương II nhiệm vụ biên phòng lực lượng và phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng, đại biểu cho rằng tên chương II dài nhưng lại không đủ. Đại biểu chỉ rõ, nội dung chương quy định nhiệm vụ biên phòng, nguyên tắc thực thi nhiệm vụ biên phòng, lực lượng, nền quốc phòng toàn dân, phối hợp thực thi. Theo đại biểu Trần Văn Lâm, để tên chương ngắn gọn và bao trùm các nội dung thì tên chương II của dự thảo Luật nên là “Nhiệm vụ biên phòng”.
Về nhiệm vụ của biên phòng tại Điều 5 quy định là 9 nhóm nhiệm vụ, đại biểu cho rằng quy định này cụ thể, thuận lợi cho quá trình thực thi. Tuy nhiên cụ thể hóa thực thi nhưng cũng chưa chắc đã bao trùm hết, do đó nên bổ sung thêm 1 khoản về thực thi các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật và cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra để bao trùm nhiệm vụ của biên phòng, tránh việc là sau này khi lực lượng biên phòng được giao thêm nhiệm vụ lại không nằm trong 9 nhiệm vụ cụ thể đã quy định trong luật, khi đó sẽ rất vướng.
Về Chương III, hợp tác quốc tế về biên phòng, đại biểu cho biết nội dung chương này quy định về nguyên tắc hợp tác quốc tế Điều 10, nội dung hợp tác quốc tế Điều 11, hình thức hợp tác quốc tế Điều 12. Theo đại biểu các quy định này chưa thấy chủ thể thực hiện các nội dung hợp tác là ai, do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu làm rõ. Trong luật này, chủ thể hợp tác, ngoài lực lượng biên phòng, bộ đội biên phòng thì còn rất nhiều các chủ thể khác có trách nhiệm thực thi các nhiệm vụ về công tác biên phòng. Các lực lượng này đều có thể phối hợp tác quốc tế với các các cơ quan, tổ chức quốc tế với các cơ quan của người các đất nước bạn khu vực biên giới. Vì vậy cần phải nêu rõ chủ thể và chủ thể nào, hợp tác trong phạm vi ra sao.
Về Chương VI trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong thực thi nhiệm vụ biên phòng, đại biểu cho biết chương này đã quy định trách nhiệm của Chính phủ, trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, trách nhiệm của Bộ Ngoại giao, trách nhiệm của Bộ Công an và trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ. Theo đại biểu Trần Văn Lâm, quy định về trách nhiệm của các cơ quan ngang Bộ gộp chung vào một Điều 30, viết rất ngắn gọn, thiếu cụ thể, thiếu chi tiết, không rõ nhiệm vụ của rất nhiều cơ quan, tổ chức tham gia vào thực hiện nhiệm vụ quốc phòng. Ở đây, Bộ Tài chính có cơ quan Hải quan, Bộ Nông nghiệp có chức năng kiểm dịch, Bộ Công Thương có chức năng chống buôn lậu, Bộ Y tế có chức năng kiểm soát bệnh tật truyền nhiễm, Bộ Giao thông vận tải có chức năng liên vận quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có chức năng trong việc kiểm soát các sản phẩm văn hóa không được phép lưu hành. Tất cả các bộ, ngành trong này có rất nhiều các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ cụ thể về tham gia phối hợp thực hiện các nhiệm vụ ở biên phòng.
Đại biểu đề nghị cần phải làm rõ hơn để trách nhiệm của từng Bộ và cơ chế phối hợp của lực lượng biên phòng, các lực lượng có liên quan trong thực thi các nhiệm vụ. Đại biểu chỉ rõ, trong lĩnh vực xuất nhập cảnh, theo quy định hiện hành Bộ đội Biên phòng có thẩm quyền kiểm tra, kiểm soát xuất nhập cảnh quá cảnh đối với người cửa khẩu biên giới đất liền, nhưng trong vấn đề kiểm soát hàng hóa, phương tiện thì lại liên quan đến lực lượng hải quan. Khi đó, phải làm rõ nhiệm vụ của từng cơ quan trong phối hợp. Các cơ quan thấy rõ trách nhiệm của mình và cơ chế phối hợp làm sao để sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ. Nếu tiếp tục quy định chung chung thì sẽ không nâng tầm được Pháp lệnh trước đây.
Về Điều 13 vị trí, chức năng của Bộ đội Biên phòng, đại biểu Trần Văn Lâm cho biết theo quy định của Luật An ninh quốc gia, Bộ đội biên phòng là một trong những lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia ở khu vực biên giới trên đất liền và trên biển. Nội dung này cũng đã được xác định vị trí, chức năng quan trọng của Bộ đội Biên phòng Việt Nam. Đối chiếu với nội dung tại Điều 13 của dự thảo thì thấy quy định chưa rõ được như là quy định của Luật An ninh quốc gia. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại để chỉnh lý, bổ sung cho phù hợp, tránh chồng chéo nhưng cũng phải tương thích nội dung giữa các luật./.