ĐBQH ĐỖ VĂN BÌNH GÓP Ý VỀ DỰ ÁN LUẬT BIÊN PHÒNG VIỆT NAM

24/09/2020

Thảo luận tại tổ về dự án Luật Biên phòng Việt Nam tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Đỗ Văn Bình – Đoàn ĐBQH TP.Hải Phòng bày tỏ nhất trí về sự cần thiết ban hành luật và cho rằng dự án luật này sẽ bảo đảm tính pháp lý cao hơn trong thực hiện bảo vệ biên giới quốc gia.

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ 03 gồm Đoàn ĐBQH TP.Hải Phòng, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Bình Phước về dự án Luật Biên phòng Việt Nam, đại biểu Đỗ Văn Bình – Đoàn ĐBQH TP.Hải Phòng bày tỏ nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Biên phòng Việt Nam và làm rõ việc xây dựng luật này đã được đề cập tự năm 2007 và nay nhằm thể chế những quy định của Hiến pháp.

Đại biểu Đỗ Văn Bình – Đoàn ĐBQH TP.Hải Phòng

Đại biểu cho rằng đây là một bộ luật về biên phòng, bên cạnh Luật Biên giới quốc gia thì nay xây dựng bộ luật về bảo vệ biên giới quốc gia là thật sự cần thiết, là tính chất kịp thời, nâng tính pháp lý cao hơn để bảo vệ biên giới quốc gia trong bối cảnh, nước ta với một diện tích đất nước nhỏ, dài và hẹp và có đến 44 tỉnh có đường biên giới quốc gia, số lượng người dân ở khu vực biên giới thì có đến 9,5 triệu người và tình hình an ninh trật tự biên giới có diễn biến phức tạp, như vấn đề buôn lậu ma túy thời gian gần đây.

Góp ý về các nội dung cụ thể đại biểu Đỗ Văn Bình nêu rõ việc xây dựng luật nhằm thể chế hóa đường lối chủ trương của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp, không chồng chéo trong hệ thống pháp luật và tính khả thi rất cao, hiệu quả hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ. Cùng với đó là huy động được nhiều nguồn lực hơn, hiệu quả hơn trong cả một hệ thống chính trị để bảo vệ tốt hơn chủ quyền biên giới quốc gia. Ở đây liên quan đến khái niệm biên phòng. Dự thảo quy định biên phòng là tổng thể các biện pháp để bảo vệ độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới. Đại biểu cho rằng ở đây còn chưa thể hiện rõ nội dung quản lý. Bởi bên cạnh bảo vệ an ninh biên giới thì những công trình biên giới, mốc giới cần đặt ra vấn đề quản lý, bảo vệ.

Đại biểu cũng cho rằng khái niệm này cần bổ sung bảo vệ an ninh trật tự, an toàn khu vực biên giới. Theo đó, khu vực biên giới gồm khu vực biên giới trên đất liền gồm những địa giới hành chính xã, phường có địa giới trùng với đường biên giới, khu vực biên giới trên biển được quy định trong Điều 6 của Luật Biển biên giới quốc gia, là tính từ đường biên giới từ biển vào cho đến hết địa giới hành chính của các xã, phường có giáp với biển và khu vực biên giới trên không gồm các khoảng không gian tính theo đường biên giới ngược lên trên và 10 km từ đường biên giới vào là đường biên giới trên không. Như vậy để đảm bảo, bảo vệ độc, lập chủ quyền toàn vẹn an ninh lãnh thổ, an ninh khu vực biên giới không phải an ninh quốc gia, phải có 3 khu vực ở trên và để bảo vệ những khu vực trên phải có rất nhiều lực lượng cùng tham gia.

Theo đại biểu Đỗ Văn Bình, dự thảo Luật cũng khẳng định là việc bảo vệ biên giới quốc gia và nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân nhưng rất quan trọng là của chính quyền và nhân dân địa phương. Như Nghị quyết 32, Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị nói rõ là khu vực biên giới, nhân dân khu vực biên giới, chính quyền địa phương khu vực biên giới và mỗi người dân là một cột mốc sống. Hiện này có gần 10 triệu nhân khẩu sống ở khu vực biên giới. Tuy nhiên việc thể hiện vai trò, vị trí của người dân và chính quyền địa phương đặc biệt của người dân ở khu vực biên giới lại thấy chưa được thể hiện rõ, cùng với đó là thế trận biên phòng toàn dân cũng cần được giải thích rõ trong phần giải thích từ ngữ./.

Bảo Yến