ĐBQH BÙI VĂN XUYỀN – THÁI BÌNH, CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ GTVT: CĂN CỨ PHÁP LÝ NÀO ĐỂ TĂNG TỔNG MỨC ĐẦU TƯ CỦA MỘT SỐ CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG LỚN HIỆN NAY

05/06/2018

Sáng 04/6, tiếp tục phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tại Hội trường, đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền - Thái Bình đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, căn cứ pháp lý nào để tăng tổng mức đầu tư của một số công trình giao thông lớn hiện nay.

Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền - Thái Bình, chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải

Đồng tình với ý kiến của nhiều đại biểu khác về hoàn thiện thể chế, đại biểu Bùi Văn Xuyền - Thái Bình, kiến nghị với Chính phủ sớm đưa Luật đầu tư vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2020-2021 khóa này để hoàn thiện thể chế. Ngoài ra, đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hai câu hỏi như sau:

Câu hỏi thứ nhất: Cử tri phản ánh hằng năm, người ta phải đóng phí giao thông đường bộ, nhưng phí này để duy tu bảo dưỡng, sửa chữa đường cũ nhưng đường cũ xuống cấp không đi được. Thậm chí có những đường cũng lại làm BOT. Như vậy, đi đường nào họ cũng phải trả phí và hai phí chồng lên phí thì Bộ trưởng lý giải nội dung này như thế nào?

Câu hỏi thứ hai: Có một số công trình giao thông lớn hiện nay mà Bộ Giao thông đang triển khai, ví dụ giao thông nội đô Cát Linh, Hà Nội phải điều chỉnh giãn, hoãn tiến độ rất nhiều và tăng tổng mức đầu tư rất lớn hàng ngàn tỷ đồng. Xin hỏi Bộ trưởng căn cứ pháp lý nào để tăng tổng mức đầu tư và trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải đối với việc này như thế nào.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội

Trả lời chất vấn đại biểu Bùi Văn Xuyền, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đồng tình với ý kiến của đại biểu rằng chúng ta cần phải nhanh chóng ban hành Luật Đầu tư với hình thức đối tác công tư (PPP). Đây là pháp lý cao nhất mà hiện nay Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì sẽ trình Quốc hội trong thời gian sớm nhất và Bộ trưởng rất mong các đại biểu Quốc hội sẽ quan tâm đặc biệt với luật này và sớm ban hành để thực hiện những dự án này đảm bảo đúng khung pháp lý cao nhất, có sự giám sát của Quốc hội và của toàn dân.

Bộ trưởng cho biết, hằng năm, chúng ta có nộp phí giao thông đường bộ và dự án BOT này có phải là phí chồng phí hay không? Trách nhiệm của nhà nước là cung cấp dịch vụ công cho xã hội, có nghĩa là chúng ta xây dựng các hệ thống hạ tầng và người dân khi sử dụng hạ tầng, người dân sẽ nộp một khoản phí để chúng ta duy tu, sửa chữa đường bộ. Đó là luật hiện nay nước ta cũng như một số nước quy định như vậy. Tuy nhiên, trong thời gian này, ngân sách chúng ta rất eo hẹp, do ngân sách nhà nước không đủ để phát triển, mở rộng, nâng cấp các hệ thống đường bộ. Do đó, trong các nghị định cũng như nghị quyết, Đảng, Nhà nước, Chính phủ cũng kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư cho hình thức BOT. Như vậy, nhà nước đặt hàng cho các doanh nghiệp nâng cấp các hệ thống giao thông để phục vụ dịch vụ công. Do đó, trách nhiệm của nhà nước là phải ký hợp đồng với các doanh nghiệp này khi doanh nghiệp bỏ tiền ra kinh doanh thì doanh nghiệp sẽ hưởng các chính sách theo quy định của nhà nước. Việc thu phí của các doanh nghiệp BOT là hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 4/6

Về việc có phí chồng phí hay không? Theo Bộ trưởng, khi chúng ta nộp, quỹ bảo trì đường bộ sẽ có trách nhiệm đảm bảo giao thông cho toàn bộ hệ thống mạng đường quốc gia cũng như đường địa phương. Còn riêng những dự án BOT này, nhà đầu tư kinh doanh có trách nhiệm trong thời gian khai thác dự án này phải tổ chức duy tu, sửa chữa, đảm bảo các yêu cầu kĩ thuật. Bộ Giao thông vận tải đã có những văn bản chỉ đạo, nếu những dự án BOT mà không đảm bảo chất lượng mặt đường tốt thì Bộ sẽ dừng không cho thu phí và trách nhiệm đó thuộc về các nhà đầu tư BOT để thấy rằng nhà đầu tư BOT kinh doanh trong quy định của Đảng và Nhà nước nhưng cũng phải có trách nhiệm bảo dưỡng, bảo trì như chúng ta nộp phí.

Một điểm nữa, đại biểu có nói rằng đường sắt Cát Linh - Hà Đông và một số công trình tiến độ chậm dẫn đến chi phí tăng, căn cứ vào pháp lý nào, trách nhiệm ra sao. Bộ trưởng nghĩ đường sắt Cát Linh - Hà Đông và một số đường hiện nay tiến hành chậm do nhiều nguyên nhân và việc phát sinh kinh phí cũng có nhiều nguyên nhân.

Vừa qua, Chính phủ giao cho Bộ Giao thông vận tải thẩm định dự án đường số 1 Bến Thành - Suối Tiên ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông vận tải phát hiện ra có vào nguyên nhân làm tăng chi phí như:

Thứ nhất, giai đoạn 2009-2010, chúng ta khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, lạm phát tăng cao, dự án trong thời điểm này, giá cả tăng liên tục và khi chúng ta phê duyệt dự án mà giá cả tăng liên tục chắc chắn sẽ trượt giá.

Dự án này là dự án tư vấn trong nước chúng ta lập dự án và khi lập dự án chúng ta đưa ra quy mô, tầm nhìn đến năm 2030 nhưng khi triển khai Thành phố Hồ Chí Minh thấy rằng, nếu để đáp ứng đến năm 2030 thì quá ngắn và nhu cầu xu hướng hiện nay đang tăng rất cao, do đó chúng ta điều chỉnh quy mô. Tầm nhìn chúng ta đảm bảo an toàn cho năm 2040, đồng thời chúng ta đưa vào các công nghệ mới với lưu lượng lớn, chúng ta mở rộng cả cầu, đường dẫn, do đó dẫn đến tăng quy mô, tăng kinh phí.

Thứ hai, trượt giá và những yếu tố này sẽ dẫn đến tăng đột biến và một số dự án khi chúng ta triển khai không đảm bảo tiến độ, kéo dài cũng phát sinh chi phí do trượt giá và do nhiều yếu tố. Về ý kiến này Bộ Giao thông vận tải xin tiếp thu và sẽ cùng với các địa phương trong giai đoạn sắp tới giám sát một cách chặt chẽ những dự án lớn để giảm chi phí tăng không cần thiết.

Vân Ngọc

Các bài viết khác