ĐBQH NGUYỄN MINH SƠN: NGHĨA VỤ TRẢ NỢ CÔNG NGÀY CÀNG LỚN

12/01/2021

Phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, đại biểu Nguyễn Minh Sơn – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang cho biết, tới năm 2021, nợ công của Việt Nam sẽ vượt mốc 4 triệu tỉ đồng với nghĩa vụ trả nợ ngày càng lớn.

Đứng thứ 2 châu Á, thứ 5 thế giới. Đó là nhận định của các Tổ chức Tài chính quốc tế đánh giá về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020, 1 năm với nhiều biến động, với những thành tựu quan trọng đạt được đan xen với những thách thức, khó khăn, tạo nên một bức tranh với nhiều gam màu sáng, tối”, đại biểu Nguyễn Minh Sơn nêu vấn đề.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Nhưng điểm sáng vẫn là nổi trội, đó là kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, kịp thời hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.

Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp phải đóng cửa tạm dừng hoạt động, chờ giải thể tăng, đời sống của một bộ phận người lao động, người dân nghèo, người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, người hưởng lương hưu gặp nhiều khó khăn, túi tiền bị sụt giảm. Đại biểu Nguyễn Minh Sơn nhận định, đây là những vấn đề cần phải được quan tâm, đánh giá sâu, kỹ lưỡng hơn.  

Theo đại biểu Nguyễn Minh Sơn, xếp hạng Chính phủ điện tử của Việt Nam năm 2020 ở vị trí 86, tăng 2 bậc so với năm 2019 và cải thiện 13 bậc so với 2014, thu hẹp dần khoảng cách với nước đứng thứ 5 là Indonesia, nhưng vẫn đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN, không đạt mục tiêu đề ra đến năm 2020 đạt trung bình ASEAN-5 và thứ hạng tối thiểu 70 trên thế giới.

Dự thảo nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 giao nhiệm vụ ban hành chiến lược và đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Minh Sơn cho rằng trước hết cần hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ về xây dựng Chính phủ điện tử, bổ sung quy định cụ thể về xác thực cá nhân, tổ chức trong các giao dịch điện tử. Quy định pháp lý về văn thư, lưu trữ điện tử, giá trị pháp lý của văn bản điện tử trong các giao dịch hành chính và thanh toán, cần tạo ra nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan hành chính nhà nước. Mặt khác, cần quan tâm việc bảo đảm an toàn, an ninh cho hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước. Quy định chặt chẽ về bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo đảm quyền riêng tư của cá nhân.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn cho biết, Quyết định số 868 năm 2018 sửa đổi, bổ sung Quyết định 1168 ngày 24/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020, mục tiêu đầu tư cơ sở hạ tầng viễn thông băng thông rộng trên phạm vi cả nước, ưu tiên vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo; phổ cập dịch vụ viễn thông công ích; hỗ trợ việc sử dụng dịch vụ viễn thông công ích và đầu thu truyền hình số cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ tìm kiếm cứu nạn với tổng kinh phí là 7.300 tỷ đồng, nhưng đến thời điểm này mới giải ngân khoảng 11,2%. Nhiều nội dung chương trình chưa được triển khai hoặc bị trùng lặp. Từ các số liệu nêu trên, đại biểu Nguyễn Minh Sơn đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan rà soát, khẩn trương triển khai thực hiện.

Theo đại biểu Nguyễn Minh Sơn, nợ công năm 2020 dự kiến sẽ vượt 3,6 triệu tỷ đồng, nghĩa vụ trả nợ gốc lẫn lãi khoảng 360.000 tỷ đồng. Năm 2021 nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 368.276 tỷ đồng. Năm 2021 nợ công sẽ vượt mốc 4 triệu tỷ đồng, với nghĩa vụ trả nợ ngày càng lớn, dù dự báo đến cuối năm 2021 nợ công khoảng 46,1% GDP đánh giá lại và khoảng 58,6% GDP chưa đánh giá lại, chưa vượt trần, nhưng nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách có thể vượt mức 27,4% so với nợ công ngày 31/12/2016 là 2.868.881 tỷ đồng thì 5 năm tăng 56,6%, bình quân 1 năm tăng 11,32%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Đại biểu cho rằng với tốc độ tăng như vậy, rủi ro thanh khoản và rủi ro lãi suất đều cao hơn, một mặt làm giảm mạnh dư địa cho nhiệm vụ chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên của ngân sách. Mặt khác, tiềm ẩn rủi ro đối với an ninh tài chính quốc gia, có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến hệ số tín nhiệm quốc gia. Đặc biệt, trong bối cảnh dư địa tăng thu ngân sách giai đoạn tới gặp khó khăn. Do đó, cần phải có giải pháp đặc biệt quyết liệt, hiệu quả, tiết kiệm hơn trong việc sử dụng đồng vốn này.  

Bên cạnh đó, trong bối cảnh tốc độ gia tăng phương tiện giao thông rất nhanh như hiện nay, tạo sức ép khiến hạ tầng giao thông quá tải và quỹ đất dành cho giao thông tỉnh chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu đỗ gửi xe, dẫn tới thực trạng là phải tận dụng mọi nơi, mọi chỗ từ sân trường, vườn hoa, công viên, vỉa hè, lòng đường để đỗ xe, nhất là tại Hà Nội, Thành phố Chí Minh và một số đô thị lớn gây ách tắc giao thông, mất mỹ quan, mất an toàn, gia tăng chi phí xã hội. Với nguồn lực nhà nước còn nhiều hạn chế, đại biểu Nguyễn Minh Sơn cho rằng cần sớm nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách thật sự đột phá, thu hút các nhà đầu tư tham gia xây dựng các điểm bãi đậu xe.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn cho biết, nhiều chính sách tài chính, bảo hiểm rủi ro thiên tai đã được ban hành thời gian qua như nhóm chính sách chi ngân sách, nhóm chính sách thu ngân sách nhà nước, nhóm chính sách chi quỹ ngoài ngân sách, nhóm chính sách bảo hiểm. Ngoài ra, còn một số nguồn tài chính khác như huy động hỗ trợ của cộng đồng vốn vay và viện trợ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện cũng còn nhiều hạn chế, tồn tại như nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước mới chỉ đáp ứng được một phần thiệt hại. Giá trị tài sản được bảo hiểm chưa nhiều, bảo hiểm nông nghiệp còn nhiều khó khăn.

Do đó, đại biểu Nguyễn Minh Sơn cho rằng thời gian tới cần nâng cao năng lực dự báo thiên tai, xây dựng chiến lược tài chính ứng phó với rủi ro thiên tai, phát triển thị trường bảo hiểm rủi ro thiên tai, trái phiếu rủi ro thiên tai.

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đi thăm các tỉnh miền Trung, làm việc với một số bộ, ngành và lãnh đạo các tỉnh bị thiên tai. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải tính toán lại vấn đề phát triển thủy điện an toàn, trồng rừng để phủ xanh đất trống, đồi trọc, góp phần giảm sạt lở đất. Đại biểu Nguyễn Minh Sơn đánh giá, đây là việc cần phải làm ngay, nếu không muốn tiếp tục hứng chịu thiên tai khủng khiếp như vừa qua.

Tôi đề nghị Chính phủ cho kiểm tra, rà soát lại toàn bộ thủy điện đã, đang thi công có đúng quy định của pháp luật không cả về thẩm quyền phê duyệt, cả về đánh giá ĐTM, hiệu quả của thủy điện nhỏ và việc xử lý hậu quả sạt lở đất vừa qua như thế nào? Chính sách đối với các gia đình nạn nhân?”, đại biểu Nguyễn Minh Sơn nói.

Hồ Hương

Các bài viết khác