ĐBQH TÔ VĂN TÁM GÓP Ý VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ THẢO LUẬT BIÊN PHÒNG VIỆT NAM

12/01/2021

Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, đóng góp ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum, đề nghị cân nhắc về nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng về thực hiện hợp tác quốc tế về biên phòng, đối ngoại biên phòng, giải quyết các sự kiện biên giới, cửa khẩu... theo quy định tại điều 13, khoản 6 dự thảo Luật.

Đai biểu Tô Văn Tám - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum phát biểu từ điểm cầu trực tuyến

Phát biểu ý kiến đóng góp về dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, đại biểu Tô Văn Tám – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum cho rằng, tại Điều 7 khi quy định trách nhiệm và chế độ, chính sách của cơ quan, tổ chức công dân tham gia phối hợp, cộng tác, giúp đỡ lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng, khoản 3 có đặt vấn đề là cơ quan, tổ chức, công dân khi tham gia phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng có thành tích được khen thưởng bị thiệt hại về tài sản thì được đền bù, cần xem xét nên đặt vấn đề là đền bù hay bồi thường. Bởi vì 2 khái niệm này khác nhau, nếu bồi thường, tức là bồi thường toàn bộ thiệt hại, còn đền bù là chỉ bù đắp một phần thiệt hại. Trong Luật Dự bị động viên, khi huy động phương tiện kỹ thuật để thực hiện nhiệm vụ mà bị thiệt hại thì được bồi thường. Phương tiện kỹ thuật huy động ở trong Luật Dự bị động viên cũng là tài sản của công dân. Khoản 2 Điều 23 của Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản nói là phương tiện kỹ thuật cũng là tài sản. Theo đại biểu, nên thay từ đền bù bằng bồi thường để phù hợp, đồng bộ với Luật Dự bị động viên.

 Về nhiệm vụ Bộ đội biên phòng, điều 13, khoản 6 có quy định là thực hiện hợp tác quốc tế về biên phòng, đối ngoại biên phòng, giải quyết các sự kiện biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật. Trong khi đó, hợp tác quốc tế về biên phòng được quy định ở Điều 11 có rất nhiều nội dung. Nếu chúng ta giao Bộ đội biên phòng thực hiện toàn bộ nội dung của hợp tác quốc tế về biên phòng thì nội dung quá rộng, có những nội dung Bộ đội biên phòng thực hiện được, có những nội dung phải chủ thể khác mới thực hiện được. Ví dụ, đàm phán, ký kết Điều ước quốc tế về biên phòng thì chắc chắn Bộ đội biên phòng không thể đàm phán, ký kết được, phải chủ thể khác thực hiện đàm phán, ký kết điều ước. Đại biểu đề nghị cân nhắc lại nhiệm vụ này. Theo đại biểu nên quy định theo hướng thực hiện việc đối ngoại biên phòng, giải quyết các sự kiện biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật, còn trách nhiệm hợp tác quốc tế về biên phòng thì thuộc trách nhiệm của Chính phủ được quyết định tại điểm c khoản 2 Điều 30. Đại biểu đề nghị ở khoản 6 chỉ lấy từ "đối ngoại biên phòng, giải quyết các sự kiện biên giới, cửa khẩu theo quy định pháp luật" cho phù hợp hoặc diễn giải theo một cách khác để thể hiện được một số nhiệm vụ trong hợp tác quốc tế này là Bộ đội biên phòng thực hiện chứ không phải là tất cả những nhiệm vụ hợp tác quốc tế đều do Bộ đội biên phòng thực hiện.

Tại Điều 18, về huy động người phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật. Đại biểu cho rằng đã đặt ra vấn đề trong trường hợp khẩn cấp ứng phó thì cán bộ, chiến sĩ Bộ đội biên phòng hỗ trợ, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài đang hoạt động trong khu vực biên giới. Quy định như thế nhưng không thấy trách nhiệm của những chủ thể này như thế nào trong những trường hợp khẩn cấp, cứu nạn, cứu hộ gặp bị nạn, khắc phục môi trường nghiêm trọng, như vậy nảy sinh vấn đề khi ai cũng có thể đề nghị giúp đỡ được, liệu lực lượng có đáp ứng lời đề nghị đó hay không, trách nhiệm của họ ở đây chưa được nêu rõ. Nếu đề nghị được đưa ra mà họ không chấp nhận, không chấp hành thì tính khả thi của điều luật chưa cao. Đại biểu đề nghị nên sửa đổi theo hướng nếu như họ có khả năng phù hợp với điều kiện lúc đó, khả năng lúc đó thì họ phải có trách nhiệm giúp đỡ./.

Minh Hùng