ĐBQH LEO THỊ LỊCH: CẦN BAN HÀNH NGHỊ QUYẾT VỀ AN NINH NGUỒN NƯỚC, AN TOÀN HỒ ĐẬP

12/01/2021

Phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, đại biểu Leo Thị Lịch – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đóng góp một số ý kiến liên quan đến an ninh nguồn nước và công tác quản lý an toàn hồ đập ở nước ta.

Theo đại biểu Leo Thị Lịch, nước là nguồn năng lượng sống không thể thiếu của con người trong sản xuất và đời sống hàng ngày. Nước ta có nhiều tiểu vùng khí hậu và có các mùa khác nhau trong năm; miền Bắc có 4 mùa, miền Nam có 2 mùa. Mùa mưa không đồng đều, lũ lụt, hạn hán, thiếu nước làm cho tình trạng mất cân đối nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt đang xảy ra hàng năm theo không gian và thời gian.

Tác động của biến đổi khí hậu với thời tiết cực đoan cũng như tại các khu vực lưu vực sông ở phần hạ nguồn, các làng nghề, nước thải sinh hoạt, các khu công nghiệp… chưa được xử lý, nên nguồn nước ngọt bị ô nhiễm trầm trọng.

Đại biểu Leo Thị Lịch – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Việt Nam hiện có 3.450 sông, suối lớn, nhỏ, với tổng lượng nước mặt trung bình hàng năm hiện nay khoảng 830 tỷ m3, nhưng 63% nguồn nước mặt tạo ra bởi các lưu vực sông nằm ngoài lãnh thổ, trong đó có 2 con sông lớn là sông Cửu Long thì 90% nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam; sông Hồng 50%. Do đó, có thể nói nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào lưu vực các con sông bắt nguồn từ nước ngoài.

Chúng ta gặp khó khăn trong việc chủ động quản lý, khai thác nguồn nước như tổng lượng dòng chảy, chế độ dòng chảy, nguồn phù sa, nguồn thủy lợi, thủy sản tự nhiên, chưa kể ứng xử của một số nước quốc gia ở thượng nguồn làm ảnh hưởng đến nguồn nước chảy vào Việt Nam”, đại biểu Leo Thị Lịch cho biết.

Đại biểu Leo Thị Lịch cho rằng, thực tế hiện nay công tác quản lý, sử dụng một cách tổng thể chưa đảm bảo phát triển bền vững. Giải quyết các vấn đề về tích trữ nước còn hạn chế, sử dụng khai thác nước chưa tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ rừng đầu nguồn cũng như giải quyết mối quan hệ quốc tế với quốc gia thượng nguồn tuy có nhiều cố gắng nhưng kết quả vẫn còn hạn chế và phức tạp.

Đây là một khó khăn, thách thức trong bảo vệ các hệ sinh thái nước ngọt, hệ sinh thái biển và các hệ sinh thái liên quan đến bảo vệ an ninh nguồn nước và quản lý an toàn hồ đập nước ta hiện nay”, đại biểu Leo Thị Lịch nói.

Sự phát triển của hệ thống thủy lợi, thủy điện của nước ta có lịch sử rất lâu đời. Nay với 86.202 công trình thủy lợi, trong đó có 6.998 đập hồ chứa nước thủy lợi với dung tích khoảng 14 tỷ m3 nước để tưới tiêu trong 4,2 triệu hecta đất nông nghiệp và khoảng 6 tỷ m3 nước cho sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, dịch vụ. Tuy nhiên con số này mới chỉ đáp ứng được 37% nhu cầu tưới tiêu, còn 63% phải trông chờ vào nước tự nhiên và hệ thống bơm từ các con sông ngòi. Bên cạnh đó, có 500 hồ chứa nước thủy điện đã đi vào vận hành, khoảng 300 dự án thủy điện đang triển khai xây dựng và chuẩn bị đi vào vận hành. Như vậy, tính tổng chung cả hồ đập thủy điện và thủy lợi cả nước có khoảng 7.800 hồ đập lớn, nhỏ, với dung tích 74 tỷ m3 nước.

Mặc dù đã phát huy tốt vai trò, vị trí trị thủy, cấp nước, cấp điện, phòng, chống lũ, tạo tăng trưởng lớn cho các ngành kinh tế, cải thiện đời sống Nhân dân, tuy nhiên theo đại biểu Leo Thị Lịch, do biến đổi khí hậu hiện nay lũ lụt xảy ra thường xuyên với cường độ cao, tình trạng không ổn định của địa chất, hiện tượng đứt gãy, sạt lở đất dẫn tới các vùng miền phải chịu từ thảm họa thiên tai đã làm thiệt hại về người và tài sản rất lớn, khó khăn chồng chất khó khăn, nhất là 1.700 hồ đập thủy lợi xuống cấp, trong đó có 1.200 hồ đập cần phải sửa chữa và 200 hồ đập hư hỏng nặng cần sửa chữa khẩn cấp, do vậy, nguy cơ thảm họa ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập nước ta rất là lớn.

Phải chăng công tác quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch còn nhiều bất cập, thiếu tính liên kết vùng và khu vực, vẫn còn tình trạng phá vỡ quy hoạch, lấn chiếm sử dụng mục đích khác ảnh hưởng đến bảo vệ lưu vực sông, dòng chảy, công trình thủy lợi, thủy điện, đê điều vẫn diễn ra, công tác vận hành, điều phối, quản lý hệ thống hồ đập chứa nước nhiều nơi chưa được chú trọng”, đại biểu Leo Thị Lịch bày tỏ băn khoăn,

Từ thực tế trên, để an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập chứa nước phục vụ bền vững cho sản xuất và đời sống của người dân, đại biểu Leo Thị Lịch đề nghị Quốc hội sớm ban hành nghị quyết về an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập chứa nước; hàng năm, Chính phủ cần sửa đổi, bổ sung các nghị định, thông tư liên quan đến các luật: Luật Tài nguyên, Luật Thủy lợi, đê điều, bảo vệ môi trường, đất đai, lâm nghiệp… vì đây là hành lang pháp lý để các tổ chức, cá nhân vận hành và các địa phương triển khai thực hiện với phương châm 4 tại chỗ: Sinh thủy tại chỗ, giữ nước tại chỗ, bảo vệ tại chỗ và điều hành, vận hành, phân phối tại chỗ.

 Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, nghiên cứu khoa học, công nghệ đáp ứng yêu cầu thực tế trên nền tảng kỹ thuật số trong quản lý, vận hành hệ thống công trình thủy lợi, quy hoạch hồ chứa nước và phải coi nguồn nước ngọt là tài nguyên đặc biệt của quốc gia cần được bảo vệ, tích trữ an toàn và chất lượng. Thực hiện phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, đối tác công tư, phân kỳ đầu tư, có trật tự ưu tiên cấp bách làm trước, lâu dài thì làm từng bước, phải có đột phá để xử lý vấn đề khó khăn.

Ngoài ra, cần tăng cường quan hệ quốc tế với các tổ chức quốc tế, các nước trong khu vực, ký các hiệp định bảo vệ các lưu vực sông, coi nước ngọt là một loại hàng hóa đặc biệt, hạn chế ở mức cao nhất sự tác động của con người vào môi trường nước và tự nhiên, nhất là lưu vực sông Mê Kông, sông Hồng, cần tiếp tục giữ gìn, tạo nguồn sinh thử, an toàn nước mặt, nước ngầm bền vững và phát triển cho đất nước.

Hồ Hương