ĐBQH DƯƠNG MINH TUẤN: BIÊN BẢN VI PHẠM HÀNH CHÍNH ĐƯỢC LẬP TẠI ĐỊA ĐIỂM KHÁC THÌ PHẢI GHI RÕ LÝ DO

12/01/2021

Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Dương Minh Tuấn cho rằng, trường hợp biên bản vi phạm hành chính được lập tại địa điểm khác thì phải ghi rõ lý do.

Đại biểu Dương Minh Tuấn, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bày tỏ sự thống nhất với Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nhiều điều khoản trong dự thảo luật đã được chỉ đạo rà soát, xem xét và Ban soạn thảo đã rất thận trọng, kỹ lưỡng, chỉnh lý, tiếp thu, giải trình, đảm bảo tương thích với quy định của các luật liên quan và phù hợp với thực tiễn. Để hoàn thiện dự án luật, đại biểu Dương Minh Tuấn góp ý về địa điểm lập biên bản. Theo đó, tại khoản 2 Điều 58 dự thảo quy định: "Biên bản vi phạm hành chính phải được lập tại nơi xảy ra hành vi vi phạm hành chính hoặc tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền lập biên bản. Trường hợp biên bản vi phạm hành chính được lập tại địa điểm khác thì phải ghi rõ lý do. Điều khoản này là hoàn toàn mới so với luật hiện hành. Điều này có nghĩa là biên bản vi phạm hành chính có thể được lập tại nơi xảy ra vi phạm hoặc tại cơ quan có thẩm quyền lập biên bản mà không cần phải nêu lý do. Còn nếu lập biên bản ở nơi thứ ba thì mới phải nêu lý do trong biên bản. Trong thực tế, nhiều trường hợp nơi vi phạm và cơ quan có thẩm quyền cách nhau rất xa 10, 20, 30, 40 km, có khi là hơn 50 km. Việc yêu cầu người vi phạm về cơ quan lập biên bản có thể sẽ gây bất tiện cho người vi phạm và cũng có thể tạo tùy tiện cho người có thẩm quyền lập biên bản. Vì vậy, đại biểu Dương Minh Tuấn đề nghị biên bản phải lập tại nơi vi phạm, nếu vì lý do không thể lập được tại nơi vi phạm thì mới lập biên bản tại cơ quan có thẩm quyền hoặc tại nơi thứ ba và phải ghi rõ lý do trong biên bản vì sao không lập biên bản tại nơi xảy ra vi phạm hành chính.

Đại biểu Dương Minh Tuấn, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Vấn đề thứ hai, tại điểm b khoản 4 Điều 126 có ghi đối với tang vật, phương tiện vi phạm bị tạm giữ theo Điều 125, khi hết thời hạn tạm giữ mà người vi phạm, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật không đến nhận thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo cho họ 2 lần. Lần thông báo đầu tiên phải được thực hiện trong vòng 3 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật. Lần thông báo thứ hai được thực hiện trong thời gian 7 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc lần thông báo thứ nhất. Hết thời hạn 1 tháng kể từ ngày thông báo thứ hai, nếu người vi phạm không đến nhận thì trong vòng 5 ngày, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật. Đại biểu Dương Minh Tuấn cho rằng, điều này trong thực tế có những tài sản giá trị rất thấp, người vi phạm không đến nhận nhưng luật này điều chỉnh nhiều lĩnh vực thì cũng có nhiều trường hợp giá trị tài sản rất lớn. Dự thảo luật ghi thông báo còn rất chung, không rõ thông báo như thế nào, cách thức thông báo ra sao, theo quy định, hướng dẫn nào, làm sao dám chắc rằng thông báo này đến được người vi phạm. Đại biểu đề nghị điều khoản thông báo cần phải ghi rõ để đảm bảo người vi phạm hoặc người đại diện chắc chắn nhận được thông báo thì khi thực hiện các bước tiếp theo, trong đó có tịch thu tài sản không phát sinh tranh chấp hoặc khiếu nại.

Về từ ngữ trong Dự thảo luật, đại biểu Dương Minh Tuấn cho biết có một điều xin dẫn chứng là trường hợp xác định được người vi phạm thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo cho họ 2 lần. Đại biểu nêu ví dụ từ "họ", từ này là văn nói. Trong văn phong của luật không nên sử dụng từ “họ”, đề nghị Ban soạn thảo thay từ "họ" bằng từ khác để phù hợp hơn. Bên cạnh đó, đề nghị thay từ "một tháng" thành "30 ngày", "hai tháng" thành "60 ngày" cho phù hợp với các quy định khác./.

Lan Hương