ĐBQH - PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM BÌNH MINH GIẢI TRÌNH MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ DỰ THẢO LUẬT THỎA THUẬN QUỐC TẾ

12/01/2021

Tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIV, trong phiên thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã tiếp thu, giải trình một số nội dung đại biểu đóng góp xây dựng Luật Thỏa thuận quốc tế.

Thay mặt cơ quan trình Dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh cảm ơn những ý kiến hết sức tâm huyết và đầy trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội đóng góp vào Dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế. Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh, cơ quan trình Dự thảo Luật sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội tiếp thu, giải trình để hoàn thiện dự án luật đảm bảo chất lượng, tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các đại biểu Quốc hội đóng góp vào Luật Thỏa thuận quốc tế để có thể trình ra Quốc hội thông qua tại kỳ họp này. Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh cũng báo cáo giải trình thêm một số vấn đề mà các đại biểu Quốc hội nêu lên tại kỳ họp thứ 10, cũng như đã có ý kiến tại kỳ họp thứ 9 đóng góp đối với dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế.

Thứ nhất, dự thảo của Luật Thỏa thuận quốc tế lần này làm rõ hơn khái niệm về thỏa thuận quốc tế, đặc biệt là phân biệt giữa thỏa thuận quốc tế với các điều ước quốc tế, vì chúng ta có Luật Điều ước quốc tế thông qua vào năm 2016. Theo đó, làm rõ 2 khác biệt cơ bản, điều ước quốc tế đã được ký kết với danh nghĩa là Nhà nước hoặc Chính phủ, thay mặt quốc gia là chủ thể của luật pháp quốc tế. Còn thỏa thuận quốc tế thì được ký với danh nghĩa rộng hơn rất nhiều, như Điều 2 có nêu ra các chủ thể của thỏa thuận quốc tế, đó là từ Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, đoàn thể trung ương cho đến các cơ quan dưới Bộ, cơ quan chuyên môn của các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, trong này có nói rõ là Ủy ban nhân dân xã, thị trấn ở khu vực biên giới. Có nghĩa là bao gồm các đối tượng không phải là chủ thể của luật pháp quốc tế.

Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh tiếp thu, giải trình một số nội dung đại biểu nêu về Dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIV.

Điều khác biệt thứ hai, đây cũng là bản chất của các thỏa thuận quốc tế, đó là thỏa thuận quốc tế không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo luật pháp quốc tế để khi ký kết các thỏa thuận quốc tế thì thỏa thuận quốc tế đó có thể tạo ra quyền, nghĩa vụ cho bên ký kết của Việt Nam. Tuy nhiên, đó không phải là quyền, nghĩa vụ pháp lý quốc tế theo quy định của luật pháp quốc tế. Đây là điểm để làm rõ nhất, chúng ta có Luật Điều ước quốc tế, đây là Luật Thỏa thuận quốc tế trở thành 2 luật điều chỉnh toàn bộ phạm vi những điều ước quốc tế hay thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam ký với các chủ thể là Nhà nước, Chính phủ hoặc các chủ thể khác.

Thứ hai, Luật Điều ước quốc tế năm 2016 và Luật Thỏa thuận quốc tế sau khi được Quốc hội thông qua sẽ trở thành 2 đạo luật điều chỉnh lĩnh vực ký kết các văn kiện quốc tế, các văn kiện mà Việt Nam ký kết. Trong dự thảo lần này đề cập vấn đề mà trong dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 và cũng được thảo luận rất nhiều. Ngay tại kỳ họp lần này, các vị đại biểu vẫn tiếp tục có những ý kiến, đó là thẩm quyền cho phép Ủy ban nhân dân cấp xã được ký thỏa thuận quốc tế. Tại dự thảo lần này cơ quan soạn thảo cũng như Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ quy định Ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới. Đây là vấn đề đã được thảo luận kỹ và xem xét hết sức thận trọng. Trong dự thảo cũng đã quy định rất rõ thỏa thuận của Ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới. Đây cũng là xuất phát thực tế từ nhu cầu của các tỉnh, nhất là có quan hệ của các xã với các nước láng giềng.

Trong báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp lần này cũng đã nói rõ ở phụ lục là trong thời gian vừa qua số lượng Ủy ban nhân dân cấp huyện trong cả nước ký kết, trong đó khoảng trên 874 văn bản, ở cấp xã là 157 xã ký kết. Đây là thực tế thực hiện. Như một số đại biểu Quốc hội có nói có nhu cầu và có hiệu quả, tăng cường hơn quan hệ giữa các xã ở khu vực biên giới với các nước láng giềng. Quan hệ với các nước láng giềng, nhất là khu vực biên giới là hết sức quan trọng. Điều này đã được quy định trong dự thảo này. Và cũng để đảm bảo chất lượng và cũng như quan tâm của các vị đại biểu Quốc hội là năng lực của các xã có khu vực biên giới ký thì trong dự thảo đã quy định rất rõ là các nội dung được ký kết thỏa thuận của các Ủy ban nhân dân xã ở khu vực biên giới. Đó là chỉ giới hạn trong một số nội dung như giao lưu, trao đổi thông tin, hợp tác quản lý biên giới theo điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký với các nước láng giềng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết, điểm thứ hai là thỏa thuận quốc tế được ký nhân danh Ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới này phải do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định, cho phép. Tức là thẩm quyền quyết định và chịu trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, của các Ủy ban nhân dân xã ở khu vực biên giới phải có trách nhiệm đối với các thỏa thuận này. Quy định này khẳng định trách nhiệm của Chủ tịch trong quản lý hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh thì rất phù hợp với chủ trương và quy định của Đảng như Quy định 272, cũng như các quy định của pháp luật và Chính phủ sẽ cụ thể hóa nguyên tắc thống nhất quản lý đối ngoại với việc ký kết thỏa thuận quốc tế. Có nghĩa giao cho Chính phủ lập một số quy trình trong ký thỏa thuận quốc tế.

Vấn đề thứ ba, đại biểu có nêu và có nêu lại là việc đưa các đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cơ quan cấp huyện, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, các hội nghề nghiệp, v.v. vào trong thỏa thuận này. Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nêu rõ là đối với các sự nghiệp đơn vị công lập có chức năng cung cấp dịch vụ công, không thực hiện chức năng quản lý nhà nước và hoạt động theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tùy nội dung ký kết các văn bản thỏa thuận của đơn vị sự nghiệp công lập sẽ do pháp luật dân sự, pháp luật về hợp đồng, pháp luật chuyên ngành quy định về chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công lập đó điều chỉnh. Do đó, thỏa thuận quốc tế này chỉ quy định đến cấp tỉnh của các tổ chức chính trị. Cũng xin báo cáo giải trình thêm với đại biểu Quốc hội là những vấn đề các vị đại biểu Quốc hội nêu thì trong dự thảo luật đã đề cập và đã quy định rõ trách nhiệm./.

Lan Hương