ĐBQH MAI HỒNG HẢI GÓP Ý VỀ VẤN ĐỀ CƠ CẤU LẠI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

13/01/2021

Phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Mai Hồng Hải – Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng đề nghị các cơ quan đại diện vốn Nhà nước cần tập trung xây dựng và quản trị chiến lược phát triển doanh nghiệp gắn với tái cơ cấu, trao quyền chủ động cho doanh nghiệp.

Đại biểu Mai Hồng Hải đánh giá, cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết 24 năm 2016 của Quốc hội đã đạt được những kết quả rất quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng, đổi mới mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, tạo tiền đề cho tăng trưởng giai đoạn tiếp theo. Nội dung cơ cấu lại 3 trọng tâm là tổ chức tín dụng, đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước đã được đẩy mạnh và thực chất hơn, tạo chuyển biến tích cực về hiệu quả phân bổ, sử dụng vốn đầu tư công và chất lượng hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Hệ thống các tổ chức tín dụng từng bước được cải thiện, năng lực quản trị, điều hành, tiệm cận với thông lệ quốc tế.

Đại biểu Mai Hồng Hải – Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Đại biểu Mai Hồng Hải cho biết, về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao và ra Nghị quyết số 60 năm 2018 về hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, đã sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Chứng khoán. Chính phủ đã ban hành 19 nghị định và một nghị quyết, đã thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 4 quyết định và các bộ, ngành ban hành 16 thông tư cùng nhiều văn bản hướng dẫn khác về cơ chế chính sách quản lý, sử dụng vốn và sắp xếp cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước.

Cả giai đoạn 2016-2020 đã phê duyệt phương án cổ phần hóa 177 doanh nghiệp với tổng giá trị 443.000 tỷ đồng, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước đạt 26.000 tỷ đồng, thu về 173.000 tỷ đồng, chuyển 250.000 tỷ đồng thu từ cổ phần hóa và thoái vốn vào ngân sách nhà nước. Giai đoạn 2016-2019 so với giai đoạn trước thì tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp nhà nước tăng 149%, doanh thu thuần tăng 110% và lợi nhuận trước thuế tăng 114%.

Đại biểu Mai Hồng Hải đánh giá, doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua vẫn là công cụ để điều tiết nền kinh tế, bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chính sách ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và chính sách an sinh xã hội. Các doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, khai phá những lĩnh vực quan trọng đối với nền kinh tế, như điện lực, năng lượng, an ninh quốc phòng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhà nước còn đi đầu trong các hoạt động về cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích, thực hiện an sinh xã hội nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ nguyên tắc thị trường, bình đẳng với các thành phần kinh tế khác.

Tuy nhiên, theo đại biểu Mai Hồng Hải, trong quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước vẫn còn một số hạn chế, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước còn chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra, mô hình quản trị doanh nghiệp chậm được đổi mới.

Về cổ phần hóa, thoái vốn, đại biểu cho rằng đây không phải là mục tiêu cuối cùng của quản lý doanh nghiệp nhà nước mà là cách thức để cơ cấu lại nguồn lực của nhà nước, có lúc chậm là cần thiết, vì 2 lý do. Thứ nhất, còn phụ thuộc vào thị trường vốn từng thời kỳ. Thứ hai, phải hoàn thiện chính sách theo kịp những diễn biến thực tế, vừa đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa nhưng cũng phải đảm bảo không thất thoát vốn, tài sản của nhà nước.

Đại biểu Mai Hồng Hải phân tích, vướng mắc lớn nhất làm chậm cổ phần hóa, thoái vốn hiện nay là xử lý về đất đai. “Vấn đề là phải đảm bảo lợi ích từ đất đai thuộc về nhà nước, nhất là giá trị thương mại của đất đai theo thời gian”, đại biểu Mai Hồng Hải nói.

Theo quy định hiện hành, để cổ phần hóa các doanh nghiệp phải làm hai bước, một là lập phương án xử lý, sắp xếp nhà đất theo Nghị định 167/2017; hai là lập phương án sử dụng đất khi chuyển sang công ty cổ phần theo Nghị định 126. Đại biểu Mai Hồng Hải cho rằng, quy định như vậy là chặt chẽ, cần thiết, tránh thất thoát, nhưng cũng gây ra phức tạp, mất thời gian.

Từ những phân tích trên, đại biểu Mai Hồng Hải cho rằng cần tổ chức thực hiện việc rà soát, lập phương án sử dụng đất theo Nghị định 167 theo hướng không để các doanh nghiệp tự làm mà chính quyền địa phương cấp tỉnh cần chủ trì cùng các bộ, ngành rà soát, sắp xếp một cách toàn diện đồng bộ đất đai do các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp nhà nước đang quản lý, gắn với quy hoạch sử dụng đất ở địa phương. Đồng thời, kết hợp di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh đan xen trong đô thị ra các khu công nghiệp tập trung, thu hồi đất không cần dùng, không phù hợp quy hoạch để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Thực tế ở Hải Phòng, đến nay gần như tất cả các doanh nghiệp sản xuất, nhất là những cơ sở sản xuất có nguy cơ ô nhiễm đã được di dời ra khỏi đô thị về các khu công nghiệp tập trung. Thành phố vẫn tiếp tục đẩy mạnh phát triển, mở rộng các khu công nghiệp, doanh nghiệp dễ tiếp cận đất đai, thuận tiện sản xuất, bảo vệ môi trường, thành phố có điều kiện chỉnh trang đô thị”, đại biểu Mai Hồng Hải nói.

Về quản trị doanh nghiệp nhà nước, đại biểu Mai Hồng Hải đánh giá, thực tiễn cho thấy, việc quản trị tốt phải xuất phát từ nhu cầu tự thân của doanh nghiệp, từ trách nhiệm của người chủ sở hữu thực sự của doanh nghiệp đó.

Hiện nay, quyền sở hữu vốn trong doanh nghiệp nhà nước thực hiện theo hình thức người đại diện, nhưng trong tập đoàn, tổng công ty còn có công ty con, công ty cháu, lãnh đạo và người đại diện doanh nghiệp nhà nước được bổ nhiệm theo nhiệm kỳ, chịu sự quản lý gần như công chức, hầu hết các quyết định kinh doanh đều phải báo cáo, chờ ý kiến của đại diện chủ sở hữu cấp trên”, đại biểu Mai Hồng Hải nêu vấn đề.

Do vậy, đại biểu Mai Hồng Hải đề nghị cần sớm nghiên cứu, sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp và các luật liên quan, luật hóa vị trí pháp lý của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Quy định phân cấp rõ hơn về quyền sở hữu, quyền quản lý doanh nghiệp, quyền điều hành doanh nghiệp của các tổ chức và cá nhân liên quan.

Ủy ban Quản lý vốn và các cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước cần tập trung xây dựng và quản trị chiến lược phát triển doanh nghiệp, gắn với cơ cấu lại trong nội bộ doanh nghiệp đó. Trao quyền chủ động cho doanh nghiệp trong phạm vi chiến lược, đề án cơ cấu đã được phê duyệt”, đại biểu Mai Hồng Hải đề xuất.

Hồ Hương