ĐBQH MA THỊ THÚY: QUY ĐỊNH RÕ TRÁCH NHIỆM, THẨM QUYỀN CỦA CƠ QUAN THANH TRA CÔNG TÁC XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

29/01/2021

Cho ý kiến vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị quy định rõ thẩm quyền của cơ quan thanh tra công tác xử lý vi phạm hành chính.

Đại biểu Ma Thị Thúy, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang khẳng định, Dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý nhiều ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội.

Góp ý vào một số nội dung cụ thể Dự thảo Luật, tại khoản 6, 7 Điều 1, sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 17 và Điều 18. Theo đó, điểm b khoản 5 Điều 17 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định Ủy ban nhân dân các cấp quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại địa phương có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm và giải quyết theo thẩm quyền khiếu nại, tố cáo trong việc thực hiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Điểm a khoản 1 Điều 18 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong công tác xử lý vi phạm hành chính có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, thanh tra và kịp thời xử lý đối với vi phạm của người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính thuộc phạm vi quản lý của mình. Tuy nhiên, đại biểu Ma Thị Thúy cho rằng, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của cơ quan, đơn vị tham mưu cho Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức thanh tra việc thực hiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính dẫn đến trong quá trình thực hiện các địa phương c òn lúng túng. Do vậy, đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung quy định để r õ trách nhiệm, thẩm quyền của các c ơ quan, đơn vị trong thực hiện thanh tra công tác xử l ý vi phạm hành chính.

Đại biểu Ma Thị Thúy, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang góp ý vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Tại khoản 4 Điều 58 Dự thảo Luật, đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung quy định trường hợp người chưa thành niên vi phạm hành chính thì biên bản vi phạm hành chính phải có thêm chữ ký của cha mẹ hoặc người giám hộ. Trường hợp không có cha mẹ hoặc người giám hộ thì phải có chứng kiến của chính quyền địa phương nơi phát hiện hành vi phạm.

Đối với quy định về trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền hoặc vượt quá thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản, biên bản phải được chuyển trong thời hạn không quá 24 giờ làm việc kể từ khi lập biên bản. Nội dung này trên thực tế có một số trường hợp việc lập biên bản vi phạm hành chính vào cuối giờ của ngày mà hôm sau là cuối tuần hoặc các ngày nghỉ lễ, Tết sẽ không đảm bảo thời gian chuyển biên bản theo quy định nêu trên.

Vấn đề thứ ba là tại khoản 28 Điều 1, sửa đổi, bổ sung Điều 61 khoản 1 quy định "đối với hành vi phạm hành chính th ì cá nhân, tổ chức vi phạm có quyền giải trình trực tiếp hoặc bằng v ăn bản với người có quyền xử phạt vi phạm hành chính". Đại biểu Ma Thị Thúy cho biết, đối với quy định này, trong trường hợp vụ việc vượt quá thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính sẽ gây khó khăn cho công tác giải quyết việc giải trình. Trong trường hợp thẩm quyền xử phạt là Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố thì có tổ chức buổi giải trình được hay không? Vì vậy, đề nghị sửa đổi quy định thẩm quyền tiếp nhận và giải trình cho thủ trưởng trực tiếp của người lập biên bản vi phạm hành chính là phù hợp và áp dụng thực hiện được trong thực tế.

Tại khoản 34 Điều 1, sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 74, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 theo hướng rút ngắn thời hiệu thi hành quyết định xử phạt, rút ngắn thời gian xử lý và số lần thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng trong trường hợp phương tiện vi phạm hàn h chính đã quá thời hạn tạm giữ mà người vi phạm không đến nhận không có lý do chính đáng hoặc trường hợp không xác định được người vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 126 Luật Xử l ý vi phạm hành chính để cơ quan có thẩm quyền có thể nhanh chóng tiến hành các thủ tục bán đấu giá, thanh lý tang vật, phương tiện vi phạm .

Góp ý về quy định tại khoản 35 Điều 1, sửa đổi, bổ sung Điều 76, đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung những trường hợp được xem là khó khăn về kinh tế để được tạm ho ãn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhằm bảo đảm tính khả thi. Ví dụ, cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo, thất nghiệp không có thu nhập ổn định. Bởi trên thực tế, rất nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý và bảo vệ rừng, do mức phạt tiền đối với các hành vi này cao nên nhiều quyết định không thực hiện được do người vi phạm thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Tại khoản 40 Điều 1, sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 86, đại biểu đề nghị Quốc hội lựa chọn phương án 1, không bổ sung điểm d khoản 2 Điều 86 về biện pháp cưỡng chế ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước, vì việc áp dụng biện pháp này sẽ dẫn đến vi phạm quyền của con người và các nguyên tắc xử phạt, không phân hóa rõ ràng được trách nhiệm hành chính, đồng thời việc cung cấp dịch vụ điện, nước được thực hiện theo hợp đồng dân sự được ký kết giữa hộ gia đình, cá nhân, tổ chức với đơn vị cung cấp dịch vụ. Thực hiện điều chỉnh quyền và nghĩa vụ rõ ràng bị ràng buộc bởi các quy định của pháp luật khác. Do vậy, việc bổ sung biện pháp cưỡng chế này không thể hiện tính nhân văn và chưa thuyết phục, tính khả thi không cao và trái với nguyên tắc tự thỏa thuận, tự chịu trách nhiệm quy định trong Bộ luật Dân sự. Bên cạnh đó, còn thể hiện sự thiếu hiệu quả của cơ quan quản lý nhà nước và hiệu lực của các quy định pháp luật của nhà nước.

Cho ý kiến về quy định tại khoản 43 Điều 1, sửa đổi, bổ sung Điều 90, theo đó, tại khoản 5 quy định người đủ 14 tuổi trở lên, trong thời hạn 6 tháng đã 2 lần bị xử phạt hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính lần thứ ba về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy thì sẽ áp dụng biện pháp đưa vào giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, sau khi đối tượng được đưa vào giáo dục tại xã, phường, thị trấn, nếu tiếp tục vi phạm hành chính về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy mà xác định không phải là người nghiện thì trong dự thảo luật chưa có chế tài xử lý. Theo dự thảo luật này chỉ đưa vào cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy. Do đó, đề nghị cần có quy định cụ thể các trường hợp đã và đang trong thời gian giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà tiếp tục vi phạm thì sẽ xử lý như thế nào.

Đại biểu Ma Thị Thúy cũng đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung nội dung quy định về căn cứ xác định giá trị đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là hàng cấm, quy định tại khoản 1 Điều 60, sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 126. Lý do được đại biểu đưa ra là về xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính tại Điều 60 của Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định xác định giá trị tang vật, phương tiện để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt. Tuy nhiên, đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là hàng cấm thì Luật Xử lý vi phạm hành chính không quy định căn cứ xác định giá trị tang vật nên không thể định giá được, dẫn đến không xác định được khung tiền phạt, thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính./.

Lan Hương

Các bài viết khác