ĐBQH NGUYỄN THỊ THỦY: KHÔNG MỞ RỘNG TẠM GIỮ NGƯỜI ĐỂ PHỤC VỤ VIỆC XÁC MINH NHÂN THÂN VÀ XÁC MINH TÌNH TIẾT CỦA VỤ VIỆC VI PHẠM

29/01/2021

Góp ý vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Xử lý vi phạm hành chính tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn đề nghị không mở rộng tạm giữ người để phục vụ việc xác minh nhân thân và xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn.

Cho ý kiến về có nên hay không nên mở rộng trường hợp tạm giữ người để phục vụ việc xác minh nhân thân và xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm quy định trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Xử lý vi phạm hành chính tại Kỳ họp thư 10 có 2 loại ý kiến khác nhau: Loại ý kiến thứ nhất, đề nghị không mở rộng tạm giữ người đối với trường hợp nêu trên, nhưng loại ý kiến thứ hai cho rằng để tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn xử lý vừa qua thì đề nghị mở rộng tạm giữ người với trường hợp trên.

Qua nghiên cứu vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn tán thành với phương án chọn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ là không mở rộng tạm giữ người để phục vụ việc xác minh nhân thân và xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm. Ngoài những lý do được nêu trong Báo cáo giải trình tại, đại biểu phân tích để làm rõ thêm 5 lý do cụ thể:

Thứ nhất, với tính chất là một biện pháp ngăn chặn, từ trước đến nay tạm giữ người luôn được quy định nhằm để ngăn chặn và đình chỉ ngay hành vi vi phạm đang diễn ra và quy định như vậy một mặt để bảo đảm việc xử lý quá trình vi phạm, nhưng mặt khác quan trọng hơn, đó là để bảo đảm chặt chẽ và chống sự lạm dụng trong thực tiễn thi hành. Tuy nhiên, nếu mở rộng tạm giữ người với trường hợp nêu trên thì có thể sẽ dẫn đến thời gian tới đây sẽ có rất nhiều trường hợp tạm giữ người. Bởi vì, để ra được quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì trước đó phải tiến hành xác minh, có đủ chứng cứ chứng minh thì mới được xử phạt. Do vậy, mọi trường hợp đều có thể lấy lý do là để phục vụ việc xác minh tình tiết vụ việc vi phạm, cho nên ra quyết định tạm giữ người.

Thứ hai, vi phạm hành chính thường là những vi phạm ít nghiêm trọng hơn và chưa đến mức bị xử lý hình sự. Do vậy, việc tạm giữ một người, hạn chế quyền tự do của họ chỉ được đặt ra trong trường hợp thực sự cần thiết và phải trong phạm vi 5 trường hợp được phép hạn chế quyền con người, quyền công dân đã được Hiến pháp quy định, đó là vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội và sức khỏe của cộng đồng. Việc xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm đó là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong quá trình thực thi công vụ. Nếu mở rộng trường hợp nêu trên thì vô hình chung đã tạo thuận lợi hơn cho cơ quan nhà nước, nhưng làm bất lợi hơn cho người dân và chưa thực sự phù hợp với Hiến pháp. Bên cạnh đó, xuất phát từ tính chất rất nhạy cảm của biện pháp này, nếu trường hợp sau khi đã tạm giữ thì có thể ảnh hưởng rất lớn đến đời sống bình thường cũng như hoạt động làm ăn, kinh doanh của người dân.

Thứ ba, nếu lấy lý do tạm giữ người để phục vụ việc xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm thì chứng tỏ cơ quan nhà nước cũng chưa có đầy đủ căn cứ để xác định người này vi phạm, chưa có đủ căn cứ thì không nên tạm giữ người.

Thứ tư, so với tạm giữ người trong hình sự thì tạm giữ người trong hành chính thủ tục đơn giản hơn rất nhiều và rất ít phải chịu sự kiểm tra, giám sát của các thiết chế ở bên ngoài hệ thống. Nếu trong hình sự thì chỉ duy nhất cơ quan có thẩm quyền điều tra mới được tiến hành tạm giữ người và phải chịu sự kiểm soát trực tiếp của Viện kiểm sát. Viện kiểm sát có quyền hủy bỏ quyết định tạm giữ nếu như thấy quyết định này không đúng pháp luật hoặc xét thấy không cần thiết, nhưng trong hành chính thì pháp luật hiện hành đang giao cho rất nhiều người và rất nhiều cơ quan có quyền tạm giữ người và không phải chịu sự kiểm sát của Viện kiểm sát. Do đó, nếu như mở rộng càng nhiều trường hợp tạm giữ người mà căn cứ tạm giữ không chặt chẽ, không xác đáng thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân rất lớn.

Thứ năm, theo quy định tại Điều 17 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước thì nhà nước phải có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp áp dụng biện pháp ngăn chặn trái pháp luật. Với quy định này, nếu Luật Xử lý vi phạm hành chính bổ sung thêm trường hợp tạm giữ người nêu trên thì rất khó để có thể đặt ra vấn đề trách nhiệm bồi thường của nhà nước, bởi vì luật đã cho phép tạm giữ để phục vụ việc xác minh vi phạm. Do vậy, kể cả ngay sau khi đã tạm giữ, đã hết thời hạn tạm giữ và cơ quan có thẩm quyền đã kết luận vụ việc không có vi phạm thì cũng không thể đặt ra vấn đề trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và trong trường hợp này chỉ có người bị tạm giữ là bị thiệt hại.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh, xử phạt vi phạm hành chính để bảo đảm trật tự, an toàn xã hội rất quan trọng và rất cần thiết. Quá trình xử lý như vậy thì luật hiện hành cũng đã giao được tạm giữ người trong một số trường hợp. Yêu cầu đặt ra đối việc hoàn thiện pháp luật hiện nay là phải bảo đảm các căn cứ tạm giữ người và các trường hợp tạm giữ người thật sự chặt chẽ và để chống việc lạm dụng, ảnh hưởng đến quyền tự do của công dân.

Đối với các vấn đề cụ thể trong Dự thảo Luật, đại biểu cơ bản đồng tình với việc mở ra 4 trường hợp mới để tạm giữ người và thời hạn cụ thể cho việc này. Nhưng đại biểu đề nghị Ban soạn thảo và Cơ quan chỉnh lý nghiên cứu lại Điều 122, về thời hạn tạm giữ để phục vụ việc xác định tình trạng nghiện ma túy tối đa không quá 5 ngày. Đại biểu cho rằng quy định như vậy không chặt chẽ và có thể dễ dẫn đến lạm dụng trong thực tiễn./.

Lan Hương

Các bài viết khác