ĐBQH BÙI QUỐC PHÒNG: BỔ SUNG HÌNH THỨC XỬ PHẠT ĐỐI VỚI NGƯỜI SỬ DỤNG MA TÚY KHI ĐIỀU KHIỂN PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG

29/01/2021

Cho ý kiến vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Xử lý vi phạm hành chính, đại biểu Bùi Quốc Phòng đề nghị bổ sung hình thức xử phạt đối với người sử dụng ma túy khi điều khiển phương tiện giao thông.

Đại biểu Bùi Quốc Phòng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cơ bản nhất trí với Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật xử lý vi phạm hành chính và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Góp ý vào một số nội dung cụ thể của Dự thảo Luật, tại khoản 2 sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 Điều 3, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bổ sung giải thích cụm từ “vi phạm hành chính nhiều lần”. Vì trong thực tế rất khó phân định trường hợp nào thì áp dụng theo điểm d khoản 1 Điều 3, trường hợp nào thì áp dụng điểm b khoản 1 Điều 10 của luật.

Khoản 4 Điều 58 quy định trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền hoặc vượt quá thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản và các tài liệu khác phải được chuyển đến người có thẩm quyền xử phạt để tiến hành xử phạt trong thời hạn không quá 24 giờ, kể từ khi lập biên bản, trừ trường hợp biên bản vi phạm hành chính được lập trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa. Đại biểu Bùi Quốc Phòng cho rằng, quy định như vậy là khó khả thi đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và đối với các vụ việc vi phạm ở vùng sâu, vùng xa. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo quy định thời hạn không quá 2 ngày làm việc cho phù hợp; đồng thời biên bản lập xong phải được giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm một bản.

Đại biểu Bùi Quốc Phòng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình.

Tại khoản 29 sửa đổi, bổ sung Điều 61, tại khoản 1 đại biểu đề nghị bỏ từ “áp dụng” về việc áp dụng mức phạt tiền tối đa của khung tiền phạt đối với hành vi đó từ 15 triệu đồng trở lên đối với cá nhân, từ 30 triệu đồng trở lên đối với tổ chức thì cá nhân, tổ chức vi phạm có quyền giải trình. Theo quan điểm của đại biểu, quy định như vậy là chưa sát với thực tế, bởi khi lập biên bản thì cũng chưa thể khẳng định ngay được hành vi này có áp dụng mức tối đa của khung hình phạt hay không và có tình tiết tăng nặng hay không. Do vậy, chỉ nên quy định hành vi nhất định mà mức phạt tiền tối đa đối với hành vi đó từ 15 triệu đồng trở lên đối với cá nhân, 30 triệu đồng trở lên đối với tổ chức thì thuộc trường hợp được giải trình.

Tại khoản 40 sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 86, đại biểu đồng tình với phương án 2 bổ sung điểm đ vào sau điểm d của khoản 2 là ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước. Bởi thực tế đã có nhiều cá nhân, tổ chức vi phạm, nhất là vấn đề gây ô nhiễm môi trường. Nếu vẫn cung cấp điện, nước thì họ vẫn sản xuất và sẽ tiếp tục gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng tới đời sống, sức khỏe của người dân và lợi ích của cộng đồng. Quy định như vậy sẽ đảm bảo trật tự, kỷ cương quản lý hành chính nhà nước, kiên quyết ngăn chặn các hành vi vi phạm, đồng thời cũng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức có liên quan. Tuy nhiên, quy định ngừng cung cấp điện, nước cũng phải tuân thủ theo nguyên tắc quy định tại khoản 2a.

Tại khoản 43 sửa đổi, bổ sung Điều 87, đại biểu đề nghị bổ sung khoản 4 là cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, trong đó có biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 28 là có trách nhiệm chuyển toàn bộ bản gốc hồ sơ, giấy tờ liên quan kèm theo đến Ủy ban nhân dân cấp huyện để ra quyết định cưỡng chế thi hành biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm, không tự giác chấp hành. Bởi theo quy định hiện hành thì người ra quyết định cưỡng chế có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc cưỡng chế, phân công cơ quan chủ trì tổ chức thi hành, bố trí kinh phí thuê, lập phương án, giải pháp phá dỡ và chi phí cho lực lượng tổ chức cưỡng chế. Việc này rất phức tạp, cần có nhiều cơ quan chức năng phối hợp thực hiện. Do vậy, Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành cưỡng chế, buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, tháo dỡ công trình, bộ phận công trình vi phạm là phù hợp nhất. Bởi Ủy ban nhân dân cấp huyện là cơ quan quản lý hành chính đa ngành, đa lĩnh vực nên việc điều phối của cơ quan này là đúng thẩm quyền và đảm bảo tính khả thi trong tổ chức thực hiện, đồng thời cũng thể hiện trách nhiệm quản lý về xây dựng ở địa phương. Từ đó, Ủy ban nhân dân cấp huyện sẽ chỉ đạo quyết liệt và chính quyền cơ sở phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, ngăn chặn kịp thời vi phạm của tổ chức, cá nhân.

Cho ý kiến vào khoản 45 sửa đổi, bổ sung Điều 90, đại biểu Bùi Quốc Phòng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định tại khoản 5, vì quy định như vậy sẽ rất khó trong việc áp dụng giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người nghiện ma túy và xin sửa lại như sau: "Người từ đủ 14 tuổi trở lên trong thời hạn 6 tháng, một lần bị xử phạt vi phạm hành chính và đã bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ hai về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy". Như vậy, sẽ giúp cho địa phương, nhất là cơ sở và cơ quan trực tiếp thi hành sẽ thuận lợi trong thực thi luật.

Tại Điều 103, về việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 theo hướng giao cho công an cấp xã thực hiện việc lập hồ sơ thay cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, vì hiện nay các xã đã bố trí công an chính quy và quy định như vậy cũng sẽ góp phần đơn giản hóa các thủ tục trong áp dụng biện pháp này.

Góp ý về những vấn đề chung của Dự thảo Luật, đại biểu Bùi Quốc Phòng đề nghị Ban soạn thảo rà soát, thống nhất quy định về thời gian thực hiện theo ngày làm việc để thuận lợi trong thi hành luật, khắc phục các vướng mắc phát sinh trong thực hiện. Trong thực tế, việc quy định theo giờ, theo tháng đối với trường hợp có ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ hoặc tháng có 30 ngày, tháng có 31 ngày và để xử lý nghiêm minh, có tính răn đe và phòng ngừa hậu quả nghiêm trọng xảy ra đối với người sử dụng ma túy khi điều khiển phương tiện giao thông. Đồng thời đề nghị Ban soạn thảo bổ sung hình thức xử phạt, tước vĩnh viễn quyền sử dụng giấy phép lái xe đối với hành vi vi phạm này. Vì thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông nhiều nhất, với hậu quả nặng nề nhất hiện nay phần lớn là do lái xe sử dụng ma túy và quy định như vậy cũng phù hợp với Điều 14 của Hiến pháp năm 2013, việc hạn chế quyền con người, quyền công dân phải do luật quy định./.

Lan Hương

Các bài viết khác