ĐBQH PHẠM THỊ MINH HIỀN: CẦN ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CHÍNH SÁCH RIÊNG VỚI TRẺ EM VÀ VỊ THÀNH NIÊN

02/02/2021

Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), đại biểu Phạm Thị Minh Hiền – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên đề nghị cơ quan soạn thảo cần phải cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng và bắt buộc phải có đánh giá tác động chính sách riêng đối với điều khoản dành cho đối tượng áp dụng là trẻ em và vị thành niên.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền cho rằng quy định như Dự thảo Luật chưa thể hiện tính thống nhất, đồng bộ về trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan chuyên trách thực hiện nhiệm vụ, đồng thời nhấn mạnh, tội phạm ma túy hoạt động hết sức tinh vi và hết sức nguy hiểm, nhưng chỉ cơ quan chuyên trách thuộc công an nhân dân được luật quy định chủ trì thực hiện các hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy. Trong khi các cơ quan chuyên trách còn lại thuộc bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quan lại không được luật hóa quyền hạn, trách nhiệm và được tiến hành các biện pháp nghiệp vụ cụ thể.

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV.

Trên thực tế, các cơ quan này thường xuyên tiến hành các hoạt động nghiệp vụ trinh sát, khoa học kỹ thuật được yêu cầu các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp mở bưu kiện hàng hóa, cung cấp thông tin về tài chính. Không ít các vụ việc từ những biện pháp nghiệp vụ này đã có tính quyết định đột phá trong phát hiện, xác định, ngăn chặn hoạt động của tội phạm ma túy rất hiệu quả.  

Mặt khác, những biện pháp nghiệp vụ nêu trên đều có liên quan đến quyền con người, quyền công dân. Vì vậy, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền đề nghị luật cần trao các thẩm quyền cần thiết phục vụ công tác phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh đối với loại tội phạm ma túy với tư cách là cơ quan chuyên trách mà không cần có thêm điều khoản giao cho Chính phủ quy định. Điều này mang tính hợp hiến, hợp pháp, có sự thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành.

Theo đó, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền đề nghị thiết kế Điều 12, Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) thành 3 khoản. Trong đó khoản 1 quy định cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, gồm cơ quan chuyên trách thuộc công an nhân dân, các cơ quan chuyên trách thuộc bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quan. Khoản 2 quy định về trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan chuyên trách trong phòng, chống ma túy. Khoản 3 quy định về phạm vi, trách nhiệm, mối quan hệ phối hợp của các cơ quan chuyên trách.

Theo quy định khoản 4, điều 40 của dự thảo Luật, cơ sở cai nghiện ma túy công lập có trách nhiệm bảo đảm quyền học văn hóa cho người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi trong thời hạn cai nghiện bắt buộc. Nhận định về quy định này, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền cho rằng dự thảo Luật là một bước tiến hoàn thiện về quyền con người, quyền trẻ em trong công tác lập pháp, đã giải quyết tốt hơn các vấn đề trẻ em và đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ trẻ em trong hệ thống chính sách pháp luật có liên quan đến trẻ em.

Đại biểu nhận định, đây là điều khoản áp dụng biện pháp bắt buộc có liên quan chặt chẽ đến quyền trẻ em, có tính tương thích với luật pháp và công ước quốc tế mà Việt Nam là quốc gia thành viên. Tuy nhiên, đại biểu cũng nhấn mạnh, việc xây dựng pháp luật không thể chỉ dừng lại ở mặt hình thức, nhất là đối với pháp luật có liên quan đến trẻ em, điều cần nhất là các điều khoản phải đạt được sự thấu đáo ở từng khía cạnh, từng nội dung. Điều khoản của luật phải xuất phát từ cơ sở thực tiễn hoặc phải có tính dự báo, có đánh giá tác động kỹ càng, thận trọng, tính khả thi, hiệu quả khi áp dụng thực hiện và phải đạt được mục đích hướng tới của chính sách.

Cũng theo đại biểu Phạm Thị Minh Hiền, về tâm lý, thể chất, hoạt động xã hội cũng như người lớn, trẻ em hay vị thành niên khi sử dụng trái phép và bị phụ thuộc vào chất ma túy đều có dấu hiệu giảm sút về thể chất, tâm lý và tư duy, biểu hiện ở việc suy giảm nhận thức và sa sút trí nhớ, trong chuyên ngành thường gọi là rối nhiễu tâm trí. Nếu sử dụng ma túy đá thường dẫn đến sự tổn hại về tế bào não. Việc cai nghiện diễn ra song song với việc học tập văn hóa, cần sự tập trung để dung nạp một khối lượng kiến thức theo chương trình giáo dục phổ thông hay bổ túc văn hóa, có thể là một hoạt động quá tải trong quá trình cai nghiện và trị liệu.

Quyền được chăm sóc sức khỏe ở lúc này cần phải được ưu tiên và tập trung hàng đầu”, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền nhấn mạnh.

Đại biểu cũng chỉ ra một thực tế, có rất nhiều trường hợp đã xảy ra tại các cơ sở cai nghiện công lập, đó là sự thông đồng “tay trong, tay ngoài” hoặc thông qua thăm hỏi để đưa ma túy từ bên ngoài vào trong cơ sở.

Thật khó để chắc chắn rằng, việc tổ chức và quy định hoạt động giảng dạy văn hóa trong thời hạn cai nghiện ma túy bắt buộc sẽ được diễn ra thông suốt, đảm bảo về mặt an ninh”, đại biểu lo ngại.

Trong khi đó, về nguồn lực, vì nhiều yếu tố các cơ sở cai nghiện công lập hiện nay gồm phần lớn chưa nhận được sự đầu tư đúng mức, nhiều nơi công trình đã cũ, xuống cấp. Việc bố trí các khu riêng biệt dành cho các đối tượng theo luật định không phải ở đâu, lúc nào cũng được thực hiện chặt chẽ. Nguồn lực con người hạn chế, thiếu và yếu so với yêu cầu vị trí việc làm trong một môi trường làm việc có nhiều yếu tố rủi ro nghề nghiệp đặc thù.

Qua thực tiễn công tác, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền cho rằng đây là một quy định rất khó để áp dụng vào thực tiễn hiện nay.

Tôi sẽ đồng tình rất cao nếu chúng ta có những cơ sở cai nghiện bắt buộc dành riêng cho người từ 12 đến dưới 18 tuổi. Có sự đầu tư bài bản, quy trình hoạt động khép kín và chuyên nghiệp”, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền khẳng định.

Về Điều 25 trong dự thảo nghị định của Chính phủ về quy định, trình tự thủ tục và chế độ áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc kèm theo hồ sơ dự án luật, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền cho rằng các quy định này trong dự thảo nghị định chưa sát với tình hình thực tế, mang ý chí của cơ quan soạn thảo chứ không phải của cơ quan thực hiện trách nhiệm nhiệm vụ này; chưa giải quyết được các điều kiện cần và đủ cho việc thực hiện chế độ học tập văn hóa, từ cơ sở vật chất, nguồn lực, đội ngũ nhân viên, mạng lưới sinh thái, công tác xã hội cho đến chương trình giáo dục phổ thông dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.  

Với những lý do trên, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền đề nghị cơ quan soạn thảo cần cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng và bắt buộc phải có đánh giá tác động chính sách riêng đối với điều khoản dành cho đối tượng áp dụng là trẻ em và vị thành niên. “Nên hay không nên là câu hỏi cần phải được đặt ra đối với các nhà làm luật”, đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu nhận định, việc đảm bảo quyền trẻ em trong thực thi chính sách pháp luật không có nghĩa là phải thực hiện cùng một lúc tất cả các nhóm quyền của trẻ mà không tính tới yếu tố phù hợp tính khả thi cũng như khả năng đáp ứng của đối tượng được điều chỉnh, cho dù đó là một điều khoản mang tính nhân văn. Áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc cho người từ 12 đến dưới 18 tuổi được xem là một chính sách đặc thù dành cho đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, cho trẻ vị thành niên. Vì vậy, các nhóm quyền trẻ em áp dụng trong trường hợp này cần được xác định điều gì tốt nhất, quan trọng nhất và được ưu tiên nhất để thực hiện.

Đó mới chính là cách chúng ta hiểu đúng, hiểu đủ và thực hiện một cách đầy nhân văn đối với quyền trẻ em theo pháp luật hiện hành”, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền nói.

Hồ Hương

Các bài viết khác