ĐBQH CAO THỊ GIANG GÓP Ý VỀ CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI

03/02/2021

Tham gia ý kiến tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội Cao Thị Giang, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đề nghị cần phải có một cơ quan chủ trì để quản lý, giám sát hiệu quả việc thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, cụ thể, các ban, ngành tổ chức các lớp tập huấn để triển khai các dự án chính sách, chủ trương bảo đảm chất lượng.

Đại biểu Quốc hội Cao Thị Giang, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình phát biểu tại phiên họp

Tham gia ý kiến tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội Cao Thị Giang, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình khẳng định được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong những năm qua, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã và đang được thụ hưởng nhiều đề án, chủ trương, chính sách. Đặc biệt là chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 là một Chương trình lớn trong giai đoạn hiện nay. Chính nhờ những chủ trương, chính sách này mà vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã từng bước có những đổi thay tích cực. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào ngày càng được nâng cao. Điều kiện kinh tế - xã hội ngày càng được cải thiện. Khoảng cách chênh lệch giữa miền ngược và miền xuôi, vùng đồng bằng ngày càng được rút ngắn.

Tuy nhiên, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là vùng có đặc thù địa lý, địa hình bị chia cắt phức tạp bởi sông, suối, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, trình độ dân trí thấp, phong tục, tập quán sinh hoạt khác. Đặc biệt, người dân, đồng bào sống cách biệt ở các bản mà không tập trung, hầu hết các dân tộc có tiếng nói riêng. Việc thành thạo tiếng Kinh của một số đồng bào còn hạn chế. Vì vậy, khi tổ chức thực hiện, mỗi dự án luật, mỗi chủ trương, chính sách bên cạnh những kết quả đạt được thì đều gặp những khó khăn, thách thức. Qua quá trình triển khai các chương trình, dự án, chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cho thấy, việc thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là yếu tố quan trọng, có tính chất quyết định một phần sự thành công của mỗi chương trình dự án hay là chính sách. Để thực hiện điều này, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cần được các cấp, các ngành coi trọng, là bước tiên phong và xuyên suốt trong quá trình thực hiện. Trong đó, cần tập trung vào một số vấn đề cơ bản sau đây:

Thứ nhất, theo các báo cáo thì hằng năm các cơ quan, tổ chức đã thực hiện rất nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng, nhiều buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực tiếp và thông qua các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh trên hệ thống loa truyền thanh, phát động các chiến dịch, các buổi lễ phát động, các cuộc thi bằng hình thức sân khấu hóa đã đem lại hiệu quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, thực tế tại một số nơi, các hình thức tuyên truyền, phổ biến nêu trên chưa mang lại hiệu quả. Quần chúng nhân dân tham gia còn khiêm tốn hay khi triển khai thực thi các dự án luật, các chính sách hỗ trợ, việc giải thích, tư vấn về điều kiện được hưởng quyền lợi và trách nhiệm của người được hưởng chưa đến nơi, đến chốn dẫn đến tâm lý nghi ngại trong nhân dân. Cũng thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri, quá trình lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của nhân dân, đại biểu cho rằng có những vấn đề, những bức xúc của người dân xuất phát từ việc chưa hiểu rõ những quy định của pháp luật, quyền lợi và nghĩa vụ khi được hưởng một chính sách hỗ trợ hay có những vấn đề là tâm điểm bức xúc của dư luận, được nhiều người quan tâm, theo dõi. Nhưng khi được các cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết xong thì công tác công khai, phổ biến rộng rãi cho người dân lại chưa được quan tâm đúng mức. Đặc biệt, hiện nay chúng ta đang triển khai chính sách giảm nghèo bằng hình thức hỗ trợ có điều kiện và thực tế đã có một số đồng bào do không hiểu rõ về chính sách, pháp luật nên đã không nhận được sự hỗ trợ với điều kiện kèm theo. Để từng bước khắc phục, giải quyết tình trạng nêu trên, đại biểu Cao Thị Giang cho rằng mỗi dự án luật, mỗi chính sách, chủ trương khi thông qua cần phải tuyên truyền sâu rộng những thông tin cần thiết, giải thích cho nhân dân những chính sách giúp họ hiểu rõ và hợp tác trong quá trình thực hiện. Khi tuyên truyền thì nội dung phải ngắn gọn, dễ hiểu, cách thức tổ chức đa dạng, phù hợp với nhu cầu, trình độ, phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Địa điểm tuyên truyền thì phải triển khai tới tận thôn, bản để đối tượng có nhu cầu, có điều kiện thuận lợi tham gia. Sau hoạt động tuyên truyền cần lấy ý kiến phản hồi của nhân dân về hiệu quả các hình thức tuyên truyền để kịp thời điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tế của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở mỗi địa phương khác nhau.

Thứ hai, hiện nay đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, vận động đa số là kiêm nhiệm. Vì vậy, Đảng và Chính phủ đã có nhiều chính sách, dự án tập trung cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp, nhất là đối với cấp cơ sở. Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác tuyên truyền nhiều nơi làm chưa đến nơi đến chốn nên hiệu quả còn thấp. Do đó, đại biểu đề nghị cần phải có một cơ quan chủ trì để quản lý, giám sát hiệu quả việc thực hiện công tác tuyên truyền, vận động. Cụ thể, các ban, ngành tổ chức các lớp tập huấn để triển khai các dự án chính sách, chủ trương bảo đảm chất lượng.

Thứ ba, cần tăng cường công tác kiểm tra đi thực tế ở cơ sở của các đoàn cấp trên phụ trách các dự án chính sách đang triển khai để kiểm tra việc áp dụng kiến thức học tập của học viên khi triển khai thực hiện tại cơ sở, tránh để những nhìn nhận, cách hiểu vấn đề chưa đúng, chưa đủ dẫn đến triển khai thiếu hiệu quả, gây tâm lý hoài nghi, bức xúc trong quần chúng nhân dân, đồng thời qua công tác kiểm tra thực tế sẽ có cơ hội để các ban, ngành cấp trên, các cấp lãnh đạo có thời gian, cơ hội để gần dân, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, tiếp cận thông tin hai chiều từ báo cáo của cấp dưới và ý kiến của nhân dân để xử lý, kịp thời chấn chỉnh những suy nghĩ, tư tưởng lệch lạc, củng cố thêm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền các cấp.

Thứ tư, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là vùng có tính gắn kết cộng đồng cao, người có uy tín là người có vai trò dẫn dắt then chốt. Đây là điểm thuận lợi trong công tác tuyên truyền, vận động vì người chiếm được lòng tin của đồng bào mới truyền được cảm hứng, làm thay đổi nhận thức của đồng bào. Để làm tốt công tác vận động, tuyên truyền, trước hết chúng ta cần phải tăng cường vai trò của người có uy tín Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác quản lý, bồi dưỡng cán bộ từ cấp cơ sở đến cấp trên cả về đạo đức, lối sống lẫn năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Mỗi cán bộ phải là tấm gương sáng để minh chứng cho mọi lời tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân.

Riêng đội ngũ cán bộ công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vừa là người có trình độ chuyên môn, vừa phải là người thực sự có nhiệt huyết, am hiểu về đời sống, phong tục, tập quán, sâu sát với đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi thì mới có thể dẫn dắt đồng bào thay đổi nhận thức được. Do vậy, việc tập trung đào tạo con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tham gia vào công tác tại địa phương là rất cần thiết. Mặc dù không thể phủ nhận là các em người dân tộc thiểu số dù qua đào tạo thì chất lượng so với mặt bằng chung vẫn còn những hạn chế, tuy nhiên, nếu được đào tạo thêm kỹ năng nghề nghiệp cộng với lợi thế vốn có của mình thì các em sẽ là những tuyên truyền viên tốt, là những người có khả năng tiếp cận thông tin mới, khoa học, kỹ thuật để áp dụng vào đời sống văn hóa, sản xuất tốt hơn./.

Minh Hùng

Các bài viết khác