ĐBQH TÔ VĂN TÁM GÓP Ý VỀ BÁO CÁO CỦA CHÍNH PHỦ VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

03/02/2021

Tham gia ý kiến tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum đề nghị Chính phủ ngoài việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và triệt để sử dụng công cụ này để ngăn chặn, xử lý thỏa đáng và loại trừ các hành vi lạm dụng quyền tự do ngôn luận để đăng tải, chia sẻ, phát tán thông tin sai lệch.

Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum phát biểu tại phiên họp

Tham gia ý kiến tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum đánh giá cao Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Theo đại biểu, Báo cáo đã đánh giá đầy đủ, đúng mức và khách quan những kết quả đạt được, những khó khăn, thách thức và những tồn tại, hạn chế. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, thiên tai, bão lũ nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn đạt dương trên 2%, trong khi nhiều nước có tăng trưởng âm. Đại biểu đánh giá đây là một thành tựu ấn tượng. Thành công của Chính phủ trong lĩnh vực kinh tế, trong công tác kiểm soát dịch bệnh COVID, trong quá trình đã và đang chống chọi, khắc phục thiên tai, bão lũ được nhân dân và quốc tế đánh giá cao.

Nguyên nhân của thành công đó, Báo cáo Chính phủ đã đề cập đầy đủ. Ngoài ra, đại biểu cho rằng kết quả đó còn bắt nguồn từ việc Đảng, Chính phủ, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị xã hội đã làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, tạo ra sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân. Chúng ta biết rằng, thông tin có vai trò to lớn trong định hướng tâm lý, tư tưởng, dư luận xã hội. Nhưng thời gian qua đã xuất hiện những hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận để đăng tải, chia sẻ, phát tán thông tin sai lệch, xuyên tạc, bịa đặt về dịch bệnh, thiên tai; về sự nỗ lực của các cấp chính quyền, các nhà hảo tâm trong khắc phục thiên tai, bão lũ, về thành quả phát triển của đất nước; về lịch sử, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trên mạng xã hội làm hoang mang dư luận, làm méo mó hình ảnh thể chế của chính quyền. Nhận thức rõ vấn nạn này, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi đó. Tuy nhiên, vấn nạn này vẫn chưa được loại trừ, vẫn như đang thách thức những nỗ lực của các cơ quan chức năng. Đại biểu đề nghị Chính phủ ngoài việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và triệt để sử dụng công cụ này để ngăn chặn, xử lý thỏa đáng và loại trừ các hành vi trên.

Tự do phát ngôn, bình luận, chia sẻ thông tin là một trong những quyền tự do ngôn luận của công dân, nhưng phải thực hiện các quyền đó trong một khuôn khổ pháp lý nhất định. Kinh nghiệm thực tiễn của các nước trên thế giới, họ cũng tạo ra những khuôn khổ pháp lý như vậy để đảm bảo quyền tự do ngôn luận một cách chính đáng, đồng thời ngăn chặn, loại trừ sự lợi dụng quyền này để xuyên tạc, đưa phát tán thông tin sai lệch, bịa đặt làm phương hại đến chính thể, chính quyền, quyền và lợi ích chính đáng của người khác. Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Liên hợp quốc cũng có quy định: “Tự do trao đổi suy nghĩ và ý kiến là một trong những quyền quý giá nhất của con người”. Vì thế, bất kỳ công dân nào cũng có thể nói, viết và công bố tự do, tuy nhiên họ sẽ phải chịu trách nhiệm nếu lạm dụng quyền tự do này theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, cuộc chiến chống quốc nạn tham nhũng của Đảng và Nhà nước là cuộc chiến không ngừng nghỉ và đặc biệt là trong nhiệm kỳ qua đã thu được nhiều kết quả lớn. Nhân dân rất phấn khởi và tin tưởng vào quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước. Nhiều hành vi, vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý bằng các hình thức kỷ luật của Đảng và các chế tài pháp lý của nhà nước. Kết quả xử lý cho thấy sự nghiêm minh kỷ luật của Đảng, của pháp luật của Nhà nước, nhưng cũng cho thấy một vấn đề rằng, các đối tượng bị xử lý thường là có đời sống vật chất không thiếu thốn, có nhiều đối tượng là cán bộ trung, cao cấp trong hệ thống chính trị. Phải chăng vấn đề ở đây là nhận chân giá trị.

Ngoài ra, báo cáo của Chính phủ cho thấy sự phân phối kết quả tăng trưởng đã và đang đạt hiệu quả các tầng lớp nhân dân đang được hưởng thụ sự tăng trưởng này. Tuy nhiên, sự chênh lệch mức sống giữa các vùng, giữa đô thị và nông thôn, nhất là vùng nông thôn, miền núi Tây Nguyên, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn đang là một thách thức của sự phát triển. Đầu tư cho miền núi Tây Nguyên đang là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhưng ở đây đang có vấn đề, đó là vùng này thường có ý nghĩa nhạy cảm và chiến lược về quốc phòng, an ninh. Do vậy, việc thu hút nguồn đầu tư ngoài ngân sách, nhất là đầu tư nước ngoài đang có những hạn chế bởi yếu tố này. Từ đó, đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu có cơ chế mới để làm sao vừa thu hút đầu tư nước ngoài, vừa đảm bảo yếu tố quốc phòng, an ninh để tăng thêm sự thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở vùng này./.

Minh Hùng

Các bài viết khác