Đại biểu Đặng Hoàng Tuấn, Đoàn ĐBQH tỉnh Long An phát biểu từ điểm cầu trực tuyến
Tham gia ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Đặng Hoàng Tuấn, Đoàn ĐBQH tỉnh Long An nhất trí với những nội dung nêu trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bên cạnh đó, đại biểu nêu 3 vấn đề như sau:
Thứ nhất, việc phối hợp để thực thi nhiệm vụ biên phòng được quy định tại Điều 10 của dự thảo luật. Thực thi nhiệm vụ biên phòng ở khu vực biên giới cửa khẩu có nhiều chủ thể tham gia theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật. Nội dung nhiệm vụ biên phòng rộng, đa dạng về lĩnh vực quản lý nhà nước, một số nhiệm vụ có thể giao thoa giữa các lực lượng. Để phát huy sức mạnh tổng hợp, cần phân định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, lực lượng ở khu vực biên giới, cửa khẩu để đảm bảo tính chủ động, linh hoạt, bí mật, kịp thời trong xử lý các vụ việc, không tạo khoảng trống, đảm bảo không xót lọt trong xử lý các vụ việc. Xác định rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp và trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức lực lượng, tránh hiện tượng “tranh công đổ lỗi”, đùn đẩy trách nhiệm. Đặc biệt như trong công tác phối hợp phòng, chống dịch COVID-19 thời gian vừa qua ở khu vực biên giới, cửa khẩu thực hiện rất tốt, cần được cụ thể hóa thành những điều khoản trong Luật Biên phòng Việt Nam lần này và được thông qua tại kỳ họp này.
Thứ hai, về vị trí, chức năng của Bộ đội biên phòng quy định tại Điều 12 của dự thảo luật. Việc bảo vệ và giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó có lực lượng Công an nhân dân, các lực lượng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam, các cơ quan quản lý nhà nước và người dân. Theo các quy định hiện hành tại các nghị quyết của Đảng, các dự án luật như Luật Biên giới quốc gia năm 2003, Luật An ninh quốc gia năm 2004, Luật Quốc phòng 2018, Luật Công an nhân dân 2018, ở đây không có thời gian để mà trích dẫn cụ thể, tuy nhiên đều xác định Bộ đội biên phòng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách, chủ trì phối hợp với lực lượng Công an nhân dân, các cơ quan, chính quyền địa phương trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới và tại các cửa khẩu. Do đó, dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam quy định Bộ đội biên phòng Việt Nam có chức năng chủ trì, duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn và phải khẳng định là đồng bộ với các quy định khác của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Thứ ba, về quyền hạn của Bộ đội biên phòng được quy định tại Điều 14 của dự thảo luật. Đại biểu cho biết các văn bản hiện hành đều quy định Bộ đội biên phòng là lực lượng chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại các cửa khẩu để thực hiện thủ tục biên phòng và kiểm tra phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, để đảm bảo an ninh quốc gia, phòng, chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Còn lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan Chính phủ giao cho lực lượng hải quan thuộc Bộ Tài chính chủ trì, kiểm tra, kiểm soát hàng hóa xuất, nhập khẩu, phương tiện vận tải trong địa bàn hoạt động của hải quan. Bộ đội biên phòng là lực lượng phối hợp quy định tại Điều 12 và khoản 1 Điều 35 Luật Hải quan 2014. Bộ đội biên phòng chỉ kiểm tra phương tiện vận tải trong phạm vi khu vực biên giới và khu vực cửa khẩu khi có căn cứ cho rằng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, nhất là các hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá của các thế lực thù địch, một số loại tội phạm như ma túy, buôn bán người, vũ khí qua biên giới, cửa khẩu. Như vậy, việc quy định Bộ đội biên phòng có quyền hạn kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, đảm bảo chặt chẽ khách quan, minh bạch, không chồng chéo với các lực lượng khác cùng tham gia tại khu vực biên giới, cửa khẩu. Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 14 dự thảo luật quy định: "Bộ đội biên phòng có quyền hạn tuần tra, kiểm soát, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; đấu tranh ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật". Tại khoản 3 cũng lại quy định quyền hạn của Bộ đội biên phòng là "kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật". Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét có thể gộp 2 khoản này lại thành một khoản cho ngắn gọn, tránh trùng lặp dễ thực hiện.