ĐBQH VÕ ĐÌNH TÍN GÓP Ý VÀO DỰ ÁN LUẬT PHÒNG, CHỐNG MA TÚY (SỬA ĐỔI)

19/02/2021

Tham gia thảo luận về dự án luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), đại biểu Võ Đình Tín - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cơ bản thống nhất với bố cục, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng cũng như nội dung sửa đổi của dự án luật, tuy nhiên theo đại biểu, để hoàn chỉnh dự án luật này, đơn vị tham mưu, soạn thảo cẩn bổ sung, chỉnh sửa một số nội dung tại dự thảo.

Cụ thể, đối với trường hợp áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tại Điều 37 của dự thảo luật, về cơ bản đại biểu Võ Đình Tín tán thành với quy định của dự thảo luật theo hướng đa dạng hóa các hình thức, biện pháp cai nghiện ma túy đối với người nghiện ma túy nói chung, bao gồm cả cai nghiện cho người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi và người từ đủ 18 tuổi trở lên. Cụ thể, cho phép người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên được đăng ký hình thức cai nghiện tự nguyện và chỉ những trường hợp không đăng ký cai nghiện tự nguyện, hoặc trong quá trình cai nghiện tự nguyện mà có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy thì mới áp dụng chế tài đưa đi cai nghiện bắt buộc là phù hợp.

Đại biểu Võ Đình Tín – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV.

Theo đại biểu Võ Đình Tín, quy định như vậy là để thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, chú trọng xã hội hóa công tác cai nghiện theo tinh thần Chỉ thị số 36 ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Đại biểu cho rằng, với cách tiếp cận như vậy trong dự thảo luật là phù hợp và thống nhất với quy định của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào chiều hôm nay. Bởi lẽ, không phải tất cả người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đều là đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, mà chỉ là một ít trong số đó. Ví dụ như không đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện hoặc đã đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện mà vẫn có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.

Tuy nhiên theo đại biểu Võ Đình Tín, quy định như khoản 1 Điều 37 còn có một số điểm chưa đảm bảo tính chặt chẽ và thống nhất, do vậy đại biểu đề nghị cần quy định rõ các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 37 của dự thảo luật là đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, để bảo đảm tính thống nhất với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời rà soát quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 37 theo hướng người nghiện ma túy không đăng ký một hình thức cai nghiện tự nguyện hoặc đã đăng ký một hình thức cai nghiện tự nguyện mà có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy là đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Theo tôi, không cần quy định điều trị nghiện bằng thuốc thay thế, bởi vì đây chỉ là cách thức điều trị đối với người nghiện ma túy dạng thuốc phiện và được thực hiện với cả hình thức cai nghiện tự nguyện cũng như bắt buộc”, đại biểu Võ Đình Tín nêu ý kiến.  

Bên cạnh đó, đại biểu Võ Đình Tín cho rằng quy định tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều 37 coi người nghiện đã thực hiện xong chương trình cai nghiện tự nguyện, hoặc cai nghiện bắt buộc là người nghiện ma túy là chưa phù hợp. Bởi lẽ, người nghiện ma túy khi đã thực hiện xong chương trình cai nghiện tự nguyện, hoặc cai nghiện bắt buộc phải được coi là người bình thường, không phải là người nghiện ma túy. Với trường hợp sau khi thực hiện xong chương trình cai nghiện tự nguyện, hoặc cai nghiện bắt buộc mà phát hiện có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy thì cần phải đưa đi xác định tình trạng nghiện ma túy. Nếu xác định họ nghiện ma túy có thể áp dụng hình thức cai nghiện bắt buộc, hoặc cũng có thể cho phép họ tự nguyện cai nghiện rồi mới áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Về việc chấp hành hình phạt tù khi đang đang cai nghiện ma túy bắt buộc theo Điều 42 của dự thảo luật, đại biểu cho rằng việc tiếp tục thực hiện hoặc miễn chấp hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này, mà thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Trên thực tế, tại Điều 117 của Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành đã quy định cụ thể việc miễn chấp hành thời gian còn lại trong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính, đối với người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đã thực hiện hành vi phạm tội trước hoặc trong thời gian chấp hành quyết định nói chung, trong đó có biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Vì vậy, đại biểu Võ Đình Tín đề nghị cơ quan soạn thảo không quy định việc chấp hành hình phạt tù khi đang cai nghiện ma túy bắt buộc đối với những người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong dự thảo luật này mà thực hiện theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Cuối cùng, trường hợp cần quy định nội dung này đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, bị đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy công lập để cai nghiện ma túy bắt buộc, đại biểu Võ Đình Tín đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu chỉnh lý quy định tại khoản 2 Điều 42 cho phù hợp.

Hồ Hương