ĐBQH TRƯƠNG ANH TUẤN GÓP Ý VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ THẢO LUẬT BIÊN PHÒNG VIỆT NAM

19/02/2021

Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, đóng góp ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, đại biểu Quốc hội Trương Anh Tuấn, Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định cho rằng cần quy định rõ về khái niệm "khu vực biên giới" nhằm phân định rõ được chức năng, vị trí, trách nhiệm của các lực lượng có liên quan đến công tác biên giới, tránh sự chồng chéo trong thực hiện nhiệm vụ biên phòng.

Đại biểu Trương Anh Tuấn, Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định phát biểu tại phiên họp

Tham gia ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Trương Anh Tuấn, Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định cơ bản nhất trí với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã trình bày và trình bày 2 ý kiến về nội dung dự thảo luận như sau:

Thứ nhất, đại biểu đề nghị làm rõ khái niệm khu vực biên giới, khoản 1 Điều 2 trong dự thảo luật đã nêu rõ "biên phòng là tổng thể các hoạt động, biện pháp bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới" và như vậy biên phòng, công tác biên phòng, nhiệm vụ biên phòng luôn gắn liền với khái niệm khu vực biên giới. Chính vì vậy, dự thảo luật lần này có 36 điều nhưng có đến ít nhất 35 lần sử dụng khái niệm khu vực biên giới. Từ phần khái niệm cho đến các quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng đến các quy định về chế độ chính sách trong thực hiện nhiệm vụ biên phòng. Thế nhưng trong dự thảo luật chưa có khái niệm cụ thể và thống nhất về khu vực biên giới nên còn có những cách hiểu khác nhau về một số nội dung trong dự thảo luật mà có liên quan đến khái niệm này.

Khu vực biên giới cần phải có cách nhận biết rõ ràng, thống nhất. Khu vực biên giới là khu vực được xác định theo địa giới hành chính, thì nên được hiểu là xã có biên giới hay huyện có biên giới hay là tỉnh có biên giới? Theo đại biểu, điều này cần phải được quy định rõ. Quy định rõ như vậy thì mới phân định rõ được chức năng, vị trí, trách nhiệm của các lực lượng có liên quan đến công tác biên giới, tránh sự chồng chéo trong thực hiện nhiệm vụ biên phòng.

Vấn đề thứ hai Bộ đội biên phòng được thành lập tháng 3 năm 1959 theo Quyết định 100 mà Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký, lúc đó có tên gọi là Công an nhân dân vũ trang thuộc Bộ Công an. Năm 1979 được đổi tên là Bộ đội biên phòng và chuyển về thuộc Bộ Quốc phòng. Năm 1988 chuyển sang thuộc Bộ Nội vụ, nay là Bộ Công an. Năm 1995 lại chuyển về Bộ Quốc phòng. Mặc dù tên gọi có chuyển đổi, về tổ chức có những lúc thuộc Bộ Công an, có lúc thuộc Bộ Quốc phòng nhưng chức năng của Bộ đội biên phòng không thay đổi. Đây là lực lượng chuyên trách bảo vệ, quản lý biên giới quốc gia, bảo vệ khu vực biên giới, vì lẽ đó đại biểu tán thành khoản 2 Điều 12 như nêu trong dự thảo. Bộ đội biên phòng có chức năng tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hoặc đề xuất với Đảng, Nhà nước chính sách, pháp luật về biên phòng, thực hiện quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh đối ngoại và chủ trì duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu. Cũng vì lẽ đó, đại biểu tán thành điểm a khoản 1 Điều 10 Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, các địa phương cấp tỉnh thực hiện quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới./.

Minh Hùng