Đại biểu chỉ rõ, về lý thuyết xây dựng luật nhằm thu gọn đầu mối nhưng dự thảo luật lại không thể hiện được điều này. Cách thể hiện của dự thảo luật dường như không thể hiện được đúng tinh thần đây là lực lượng quần chúng tự nguyện, hơn nữa còn làm phình bộ máy.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, ngoài 3 lực lượng mà dự thảo luật đã đề cập tới, hiện nay ở các địa bàn còn tồn tại khá nhiều mô hình tự quản của quần chúng trong bảo đảm an ninh, trật tự, chẳng hạn như, các câu lạc bộ về phòng, chống tội phạm, hiệp sĩ đường phố, tổ tự quản an ninh, trật tự hoặc là mô hình thôn, bản bình yên.
“Vậy các mô hình này có nằm trong đối tượng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật này hay không?”, đại biểu đặt câu hỏi.
Hiện nay, Ban Bí thư đang giao cho Mặt trận Tổ quốc xây dựng Đề án thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư, điều đó cho thấy tầm quan trọng của những mô hình đang triển khai thực hiện ở cơ sở.
“Vậy khi luật này có hiệu lực thì các mô hình tự quản khác có tiếp tục được duy trì không? Và nếu duy trì thì tính pháp lý của các mô hình đó so với lực lượng mà chúng ta đang thể hiện trong luật này sẽ như thế nào”, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa băn khoăn.
Về tính khả thi của dự án luật, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, một trong những yêu cầu đặt ra trong xây dựng luật chính là cần đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng tất cả các chính sách được nêu ra. Cần phải lấy ý kiến những đối tượng liên quan để bảo đảm những quy định của dự án luật khi được đưa ra triển khai phải sát với thực tế, tuy nhiên ở dự thảo Luật này, nhiều chính sách được nêu ra nhưng việc đánh giá các chính sách thì chưa rõ.
"Trên danh nghĩa là lực lượng quần chúng tự nguyện có chế độ chính sách thì rõ ràng đây là lực lượng có tổ chức", nữ đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đặt vấn đề đồng thời đưa ra câu hỏi: "Nguồn kinh phí cho lực lượng này được đóng góp từ quần chúng hay từ ngân sách? Mô hình này ở đô thị và nông thôn giống hay khác nhau?".
Bên cạnh đó, đại biểu chỉ rõ, báo cáo đánh giá tác động mới tập trung đánh giá đối với 3 lực lượng dự kiến điều chỉnh. Tuy nhiên, trong đánh giá này chưa làm rõ 2 mô hình này ở 2 địa bàn đô thị và nông thôn giống nhau hay khác nhau. Rõ ràng ở ngay trên một địa bàn hay cùng một tỉnh hay cùng một địa phương thì sự khác biệt giữa từng địa bàn cũng khác nhau, tình hình trật tự trị an cũng khác nhau. Vì vậy, mô hình lực lượng tham gia bảo vệ trật tự, an ninh ở cơ sở, từng thôn xóm, từng xã rõ ràng cũng khác nhau.
“Nếu xây dựng một quy trình, hay về tổ chức mô hình lực lượng này đồng nhất trong toàn quốc sẽ dẫn tới lãng phí nguồn lực”, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nhận định.