Đại biểu Bùi Thị Thủy – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Bùi Thị Thủy – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa nêu rõ, về quy định kinh doanh vận tải ô tô được quy định tại khoản 4 Điều 60 của dự thảo luật, theo quy định này thì chỉ cần tổ chức hoặc cá nhân thực hiện ít nhất một trong các công đoạn gồm điều hành phương tiện và lái xe hoặc quyết định các giá cước vận tải để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi thì đều được coi là thực hiện hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Đại biểu cho rằng, việc quy định như trên sẽ dẫn đến việc các tổ chức cung cấp các dịch vụ sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ kết nối cho xe ô tô như dịch vụ công nghệ của Grab, GoViet, v.v. sẽ bị coi là các tổ chức kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Vì khi khách hàng tiến hành sử dụng dịch vụ đặt xe thông qua các ứng dụng công nghệ này thì sẽ đồng thời nhận được thông báo giá cước vận tải do các tổ chức này đưa ra. Đối chiếu với thực tiễn hiện nay, các tổ chức, cá nhân cung cấp các dịch vụ sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ kết nối cho xe ô tô như Grab, GoViet thực hiện các việc kết nối khách hàng và lái xe thông qua phần mềm kết nối bằng Internet không sở hữu xe ô tô, không có lái xe được hưởng phí kết nối từ việc hỗ trợ các đơn vị kinh doanh vận tải nên việc coi các tổ chức, cá nhân này là tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô sẽ không thật sự hợp lý.
Bên cạnh đó, việc coi các tổ chức, cá nhân thực hiện việc cung cấp các dịch vụ sử dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ kết nối cho xe ô tô là hoạt động kinh doanh vận tải cũng không phù hợp với các mô hình kinh doanh có ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực vận tải. Vì hoạt động này có nhiều khác biệt so với các mô hình vận tải thông thường, sẽ xảy ra nhiều bất cập khi thực hiện như buộc các doanh nghiệp công nghệ thông tin phải tuân thủ những điều kiện về kinh doanh vận tải, 2 loại hình dịch vụ khác nhau trong một quy định khó quản lý trên thực tiễn, đồng thời không phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 52 ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương chính sách chủ động tham gia của cách mạng công nghệ nghiệp lần thứ tư 4.0. Vì vậy, đề nghị quy định cấp dịch vụ sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ kết nối cho xe ô tô là việc ứng dụng phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải thuộc nhóm dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ quy định tại Điều 84 của dự thảo luật sẽ phù hợp hơn với tình hình thực tiễn.
Về quy định hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô, tại khoản 2, khoản 5 Điều 83 của dự thảo luật, đại biểu cho rằng cần phải cân nhắc, xem xét một số vấn đề liên quan. Một là, yêu cầu xe ô tô đưa đón học sinh phải đăng ký màu sơn riêng để nhận diện, yêu cầu này sẽ gây khó khăn cho các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện việc đưa đón học sinh bằng xe ô tô, bởi vì phương tiện này, doanh nghiệp kinh doanh vận tải có thể sử dụng cho nhiều dịch vụ khác nhau, không nhất thiết chỉ dùng cho mục đích duy nhất là đưa đón học sinh. Vì vậy, nếu cần thiết để tạo thuận lợi cho việc nhận diện, qua đó ưu tiên xe đưa đón học sinh có thể thay thế quy định về màu sơn bằng quy định về việc treo biển hiệu xe đưa đón học sinh, tên trường trên thân xe khi xe đang vận chuyển học sinh.
Hai là, yêu cầu cơ sở giáo dục đào tạo phải thông báo tới các cơ quan cấp phép, các nội dung như hành trình đưa đón, các điểm dừng, đón, trả học sinh, danh sách phương tiện, danh sách lái xe kèm theo hình ảnh của phương tiện và màu sơn đặc trưng cũng như phải thông báo bổ sung khi có sự thay đổi nội dung môt trong các thông tin này trước khi thực hiện việc đưa đón học sinh sẽ tạo gánh nặng về thủ tục hành chính cho các cơ sở giáo dục đào tạo. Trong khi việc bắt buộc cung cấp các thông tin này tới cơ quan cấp giấy phép là không thực sự cần thiết. Do đó, cần xem xét và bãi bỏ các quy định liên quan đến yêu cầu xe ô tô đưa đón học sinh phải đăng ký màu sơn riêng để nhận diện cũng như yêu cầu phải thông báo tới cơ quan cấp phép các nội dung như hành trình đưa đón các điểm dừng, đón, trả học sinh, danh sách phương tiện, danh sách lái xe kèm theo hình ảnh của phương tiện và màu sơn đặc trưng tại khoản 2 và khoản 5 Điều 83 của dự thảo luật vì những lý do nêu trên./.