Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội
Phóng viên: Thưa ông, được biết ông là một trong số ít những đại biểu Quốc hội tự ứng cử thành công tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Vậy, ông có thể chia sẻ lý do cũng như quá trình tham gia tự ứng cử ?
Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: Tôi mong muốn trở thành đại biểu Quốc hội từ khi còn trẻ và quyết tâm này luôn nung nấu, thôi thúc trong tôi từ lâu. Vì vậy, ngoài việc làm chuyên môn; tham gia những hoạt động xã hội để có thêm kinh nghiệm, kiến thức xã hội phong phú thì có 1 việc rất quan trọng là tôi dành thời gian theo học đại học Luật. Tôi đã rất tích cực học thêm đại học Luật để có kiến thức nền về nhà nước và pháp luật, để hiểu hơn về Quốc hội và các thiết chế nghị viện cũng như quy trình lập pháp. Cho đến cuối khóa XIII, quyết tâm và mong muốn trở thành đại biểu Quốc hội càng nung nấu và đã có những người có trách nhiệm liên hệ đề nghị tôi chuẩn bị tham gia hiệp thương. Tuy nhiên, do công việc chuyên môn bận rộn, cứ cuốn tôi đi nên đầu tháng 3 thì giai đoạn hiệp thương đã hết. Vì vậy, thời điểm đó chỉ còn lựa chọn tự ứng cử và tôi quyết tâm tự ứng cử đại biểu Quốc hội. Sau khi nộp đơn tự ứng cử, tôi nhận được nhiều sự ủng hộ về tinh thần và cả tạo điều kiện để nộp hồ sơ rất thuận lợi. Quá trình nộp hồ sơ, tham gia tự ứng cử rất thuận lợi, quy trình đều công khai, minh bạch.
Phóng viên: Qua thực tiễn tham gia tự ứng cử, theo ông đâu là những thuận lợi cũng như khó khăn khi tham gia tự ứng cử đại biểu Quốc hội?
Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: Từ thực tiễn kinh nghiệm cá nhân tôi xin chia sẻ về quá trình tham gia tự ứng cử và không dám nâng kinh nghiệm đó lên thành điểm chung cho tất cả mọi người. Bởi vì, hoàn cảnh mỗi người khác nhau, đóng góp xã hội mỗi người khác nhau và phản ứng của xã hội đối với mỗi người cũng khác nhau. Riêng cá nhân tôi thấy, quá trình tham gia tự ứng cử hết sức thuận lợi. Về quá trình làm hồ sơ, thủ tục đều được bộ phận có trách nhiệm hướng dẫn và làm rất chu đáo, đầy đủ. Quy trình hướng dẫn, tiếp nhận, xử lý hoàn toàn dân chủ, công khai, minh bạch; tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân tham gia tự ứng cử. Về quá trình hiệp thương thì điều tôi nhận thấy rõ nét nhất là hoàn toàn không có sự khác biệt gì từ công việc tiếp xúc cử tri nơi ứng cử,… Tôi cảm thấy quá trình tham gia tự ứng cử đều vô cùng thuận lợi. Một kỷ niệm khiến tôi còn nhớ mãi: lúc nộp hồ sơ tôi là người cuối cùng rời khỏi phòng tiếp nhận hồ sơ tự ứng cử. Tụy nhiên, 30 phút sau tôi về mở trang web về Bầu cử thì đã thấy danh sách của người tự ứng cử trong đó có tên của mình và tôi biết thời điểm đó ở Hà Nội có 49 người tự ứng cử và tất cả mọi người đều được xử lý, hướng dẫn và tham gia các hoạt động để tiến hành quá trình bầu cử một cách công bằng, bình đẳng như nhau và cuối cùng tôi may mắn đã trúng cử.
Phóng viên: Vậy, ông có mong muốn gì để tiếp tục hoàn thiện chế định tự ứng cử?
Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: Tôi thấy rằng bầu cử Quốc hội là phải hết sức dân chủ. Trên thực tế, chúng ta đã làm và cần tiếp tục phát huy và làm tốt hơn nữa để có thể lựa chọn ra những đại biểu ưu tú, có trách nhiệm và trước hết là người có nguyện vọng tha thiết muốn trở thành đại biểu Quốc hội. Cho nên, các chính sách về bầu cử cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tự ứng cử và tôi cho rằng đây là kênh rất hay để có thể lựa chọn ra những đại biểu Quốc hội xứng đáng. Ngoài ra, vừa qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội đã được thông qua với nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng tích cực và điều này rất thuận lợi. Tôi mong sao các chế định từ đăng ký, vận động, tiếp xúc cử tri và tiến hành bầu cử được áp dụng sớm nhất có thể để trong khóa XV này sẽ có thể tìm được những cá nhân tự ứng cử xuất sắc xứng đáng trở thành đại biểu Quốc hội.
Phóng viên: Là số ít đại biểu tự ứng cử và có quá trình hoạt động đại biểu thành công với nhiều dấu ấn được cử tri ghi nhận, ông có chia sẻ gì đối với những ứng viên tham gia tự ứng cử tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV tới đây?
Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: Tôi tự hào khi tôi đã trở thành một đại biểu Quốc hội và tôi cảm thấy mãn nguyện khi mình được là đại biểu dân cử; được tham gia thảo luận, biểu quyết những vấn đề quan trọng, các dự án luật;… tại nghị trường Quốc hội; được tham gia hoạt động của Đoàn ĐBQH tại nơi ứng cử cũng như hoạt động của Ủy ban mà mình là thành viên. Từ đó, tôi thể hiện được chính kiến, truyền tải được nội dung nguyện vọng, ý chí của cử tri đến với Quốc hội. Nếu có 1 lời nhắn nhủ, chia sẻ đối với ứng viên tham gia tự ứng cử đại biểu Quốc hội thì tôi cho rằng, bất cứ ai cũng thế kể cả đại biểu Quốc hội từ quá trình hiệp thương cũng như đại biểu tự ứng cử thì điều quan trọng nhất là phải xác định rõ: bản thân có xứng đáng trở thành đại biểu Quốc hội hay không? Bản thân có nên và có cần thiết để trở thành 1 đại biểu Quốc hội hay không? Cần xác định và hiểu rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của người đại biểu Quốc hội là đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri …Khi xác định tốt được điều đó thì chúng ta ứng cử và nếu may mắn trúng cử và trở thành đại biểu Quốc hội thì họ sẽ làm việc xứng đáng hơn, tròn vai hơn.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!