Cứu trợ nhu yếu phẩm thiết yếu cho đồng bào miền Trung bị lũ lụt
Minh bạch trong hoạt động từ thiện
Tinh thần tương thân tương ái “Lá lành đùm lá rách” là truyền thống tốt đẹp lâu đời của dân tộc Việt Nam. Những hoạt động thiện nguyện cứu giúp người khó khăn trong thiên tai, dịch bệnh luôn được cộng đồng góp sức. Không chỉ có Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hay là Hội Chữ thập đỏ mà ngày càng có nhiều cá nhân, đặc biệt là những người nổi tiếng tham gia hoạt động thiện nguyện. Tuy nhiên, những góc khuất, những mặt trái phía sau của việc quyên góp từ thiện lại chưa được nhận diện rõ. Gần đây, sau khi dư luận xã hội lên tiếng, hàng chục tỷ đồng từ thiện dành cho bà con vùng lũ mới được một nghệ sỹ nổi tiếng vội vàng giải ngân sau gần nửa năm. Trước đó, thì câu chuyện này cùng nhiều vụ việc "lùm xùm" khác cũng đã gây bức xúc dư luận. Một câu hỏi được đặt ra, làm từ thiện cần phải như thế nào? Người quyên góp, người kêu gọi quyên góp và triển khai những đóng góp này cần phải có những trách nhiệm, những kỹ năng gì bên cạnh lòng hảo tâm?
Theo đại biểu Bùi Hoài Sơn, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội, hoạt động từ thiện không đơn giản chỉ là xuất phát từ mong muốn là có thể làm được. Hoạt động này cũng đòi hỏi có sự chuyên nghiệp, cần có sự minh bạch, rõ ràng và đúng theo các quy định của luật pháp. Như vậy, số tiền quyên góp từ thiện mới được sử dụng đúng mục đích, kịp thời và đúng ý nghĩa.
Trước ồn ào của dư luận, một số cá nhân kêu gọi từ thiện đã thực hiện việc “sao kê” để chứng minh tính minh bạch. Tuy nhiên, không phải cá nhân nào cũng thực hiện được việc "sao kê" và "sao kê" được đầy đủ các khoản đã thu - chi. “Vấn đề minh bạch, công khai các hoá đơn, chứng từ cũng như là sao kê là cần thiết. Thứ nhất, việc công khai sao kê, các hoá đơn, chứng từ có thể giúp cho cá nhân người quyên góp từ thiện bảo vệ được uy tín, danh dự của chính mình. Thứ hai, làm giảm được dư luận của xã hội. Thứ ba, là tạo niềm tin đối với những người dân muốn gửi gắm tình cảm của mình cho các nghệ sỹ làm từ thiện …”, Ths. Trần Hồng Tình, Hội Luật gia thành phố Hà Nội cho biết.
Việc đúng hay sai, mức độ như thế nào, cơ quan chức năng đã và đang vào cuộc điều tra làm rõ. Tuy nhiên, có một điều ai cũng nhìn thấy, đó là uy tín, là danh dự của một số cá nhân bị ảnh hưởng rất nhiều. Đây cũng là hồi chuông cảnh báo cho việc làm từ thiện, dù ở quy mô, cấp độ nào, cũng rất cần sự công khai, minh bạch, rõ ràng các khoản thu-chi, tạo niềm tin, sự yên tâm, thoải mái nhất cho những người hảo tâm đã ủng hộ. Ông Lưu Bình Nhưỡng, Đại biểu Quốc hội khóa XIV cho rằng, làm từ thiện không chỉ dựa vào cái tâm, chúng ta cũng cần phải dựa vào các quy định của pháp luật, cần có phương thức thực hiện hoạt động này một cách công khai, minh bạch. Bản chất của việc làm từ thiện là vô cùng đáng quý, tuy nhiên nếu làm không đúng, không rõ ràng sẽ là mất đi nghĩa ý thiêng liêng của hoạt động từ thiện.
Người dân cần cảnh giác với những bài đăng trên mạng xã hội kêu gọi từ thiện
Không chỉ vậy, hoạt động từ thiện thời gian gần đây còn đang bị một số đối tượng xấu lợi dụng để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các nhà hảo tâm thông qua việc kêu gọi từ thiện trên mạng Facebook, Internet. Vừa qua, đối tượng Trần Văn Lâm (sinh năm 1998, trú tại thôn Lạc Nhuế, xã Đồng Hóa, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) đã lập Fanpage (Hỗ trợ trẻ em, Chia sẻ vì người nghèo, Phật tại tâm,..) kêu gọi người dân ủng hộ từ thiện. Với thủ đoạn này, từ tháng 9 năm 2020 đến tháng 3 năm 2021, Lâm đã lừa đảo và chiếm đoạt của các nhà hảo tâm khoảng 6,6 tỷ đồng. Bên cạnh việc tạo dựng những câu chuyện thương cảm, một số đối tượng còn tự biến mình thành nạn nhân, vẽ ra những kịch bản bi thương để lừa đảo, trục lợi.
Thượng tá Đỗ Thái Huy, Phó trưởng phòng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an cho biết: các hành vi chiếm đoạt tài sản của các đối tượng xấu thực hiện hành vi vi phạm pháp luật được quy định tại điều 174 Bộ Luật hình sự năm 2015. Trong thời gian vừa qua, các hoạt động chiếm đoạt tài sản có dấu hiệu gia tăng, lực lượng chức năng cũng khuyến nghị người dân cần nêu cao cảnh giác, thận trọng khi thực hiện các hoạt động từ thiện, cần tìm hiểu thông tin đối với các hoàn cảnh khó khăn, cần minh bạch thông tin đối với các nhà thực hiện việc từ thiện. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua hoạt động từ thiện cần báo ngay cho cơ quan công an để xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.
Sớm hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động từ thiện
Hiện tại, công tác vận động, tiếp nhận, phân phối các nguồn đóng góp tự nguyện được thực hiện theo Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/05/2008 của Chính phủ. Nghị định đã tạo ra khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các cấp và các quỹ xã hội, quỹ từ thiện phát huy vai trò của mình trong việc vận đông, tiếp nhận, phân phối, sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, 13 năm qua, quá trình thực hiện cho thấy Nghị định này đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, không phù hợp với tình hình thực tiễn.
Sau hàng loạt những ồn ào xoay quanh hoạt động từ thiện, mới đây, Bộ Tài chính đã có Tờ trình đề xuất Chính phủ ban hành một Nghị định mới thay thế Nghị định 64/2008/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện. Đáng chú ý, theo dự thảo Nghị định mới của Bộ Tài chính, sẽ bổ sung quy định cho phép các cơ sở y tế, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, cá nhân được vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện.
Đại biểu Bùi Hoài Sơn, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội
Đại biểu Bùi Hoài Sơn, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội cho rằng, ban hành Nghị định mới là cần thiết nhằm đảm bảo phù hợp hơn với điều kiện, hoàn cảnh thực tế hiện nay. Thực tế cho thấy, đã có nhiều bất cập và những bất cập này cần phải sửa đổi, điều chỉnh trong văn bản quy phạm pháp luật mới. Cụ thể, cần có những quy định rộng hơn đối với những đơn vị, các cơ sở có thể tiếp nhận tài trợ đặc biệt là vai trò của cá nhân cũng cần có một hành lang pháp lý đủ rộng, đủ bao quát để xử lý những vấn đề phát sinh của thực tiễn. Hoạt động từ thiện là một hoạt động hết sức quan trọng của xã hội, cho nên về lâu dài, cần có một đạo luật chứ không chỉ dừng lại ở một Nghị định để bao quát cả hoạt động quyên góp, cứu trợ, thiện nguyện nhằm hình thành khung pháp lý toàn diện về vấn đề này; đảm bảo công tác này được thực hiện minh bạch; tạo niềm tin cho cá nhân, tổ chức tham gia vào quá trình thiện nguyện.
Đồng tình với quan điểm này, ông Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu Quốc hội khóa XIV cho rằng, Nghị định số 64/2008/NĐ-CP khi mới ra đời đã tạo ra khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các cấp và các quỹ xã hội, quỹ từ thiện phát huy vai trò của mình trong việc vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, Nghị định bộc lộ một số bất cập về phạm vi điều chỉnh. Cụ thể: Nghị định chưa bao quát hết các chủ thể tham gia vận động tiếp nhận, phân phối các nguồn đóng góp cho hoạt động từ thiện hay là Nghị định cũng chưa điều chỉnh quỹ từ thiện của cơ sở y tế, cá nhân khi vận động quyên góp nhằm hỗ trợ cho các trường hợp bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, ….
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Đại biểu Quốc hội khóa XIV
Trước xu hướng từ thiện cá nhân tăng cao trong vòng một vài năm trở lại đây, một số ý kiến đại biểu cho rằng, việc hoàn thiện khung pháp lý cho vấn đề này là cần thiết. Theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn, trong hệ thống an sinh xã hội thường có 3 trụ cột chính, bao gồm: bảo hiểm xã hội, cứu trợ xã hội và ưu đãi xã hội. Đối với bảo hiểm xã hội, ở nước ta đã có văn bản ở tầm Luật để điều chỉnh, còn về ưu đãi xã hội thì chúng ta đã có Pháp lệnh người có công, riêng đối với nội dung cứu trợ xã hội chúng ta mới có văn bản ở tầm Nghị định. Do đó, hiệu lực của văn bản vẫn còn đang ở tầm thấp.
Như vậy, trước những vấn đề phát sinh từ thực tiễn, cần khẩn trương tạo lập một môi trường pháp lý thuận lợi cho các hoạt động từ thiện. Để hoạt động này ngày càng phát huy được vai trò và ý nghĩa cao đẹp, trước mắt Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định mới thay thế cho Nghị định 64/2008/NĐ-CP và về mặt dài hạn, cần có đạo luật bao quát cả hoạt động từ thiện, cứu trợ, thiện nguyện./.