Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng Trần Đình Văn phát biểu tại phiên thảo luận về Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)
Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) gồm có 8 Chương 98 Điều được điều chỉnh tách gộp 24 điều; bổ sung thêm 8 Điều mới trong đó có những quy định về danh hiệu mới hoàn toàn như: tiêu chuẩn danh hiệu “xã tiêu biểu”, “Phường, Thị trấn tiêu biểu” (Điều 26) và quy định về hình thức khen thưởng “huy chương Thanh niên xung phong vũ trang” (Điều 55) và Quy định về trách nhiệm của UBTVQH (Điều 96). Nhìn chung Dự thảo Luật TĐKT bổ sung lần này Ban soạn thảo đã biên soạn công phu, cụ thể và khoa học, tuy nhiên cũng còn một số quy định cần hoàn thiện, đại biểu Trần Đình Văn cho biết, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đã có bản góp ý chi tiết, tại Nghị trường xin kiến nghị Quốc hội 5 ý sau:
Thứ nhất, trong 98 Điều của Dự thảo đã có 31 Điều quy định Chính phủ quy định chi tiết thì quả là quá nhiều. Những nội dung quy định chi tiết thuộc các nội dung quy định về trình tự thủ tục khen thưởng, các quy định xét tặng các danh hiệu nhà nước và các hình thức khen thưởng khác… nên chăng đưa vào luật quy định cụ thể để dễ theo dõi vận dụng.
Thứ hai, Hiến pháp năm 2013 tại khoản 2 Điều 51 quy định “Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật”. Có những điểm mới so với Hiến pháp 1992. Do vậy, Luật Thi đua, khen thưởng đề nghị cũng cần thể chế cho phù hợp. Đặc biệt, cần có quy định về hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền của các Tập đoàn kinh tế cho phù hợp với quy mô và vai trò của loại hình tổ chức kinh tế này đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ví dụ như: Thẩm quyền được tặng “Tập thể lao động xuất sắc”, Bằng khen; cần bổ sung quy định này tại Điều 79.
Thứ ba, Cần bám sát quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể như:
Đảm bảo tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật, quy phạmpháp luật “cán bộ quản lý”tại các Điều 62, 63 không phù hợp với quy định về đối tượng “cán bộ” của Luật cán bộ, công chức; đề nghị đổi “cán bộ quản lý”thành “Người người lãnh đạo, quản lý hoặc làm nghiệp vụ”.
Về ngôn ngữtrong Luật Thi đua, khen thưởng cần đảm bảo sự thống nhất trong tất cả các Điều: Khen thưởng là sự ghi nhận, biểu dương, tôn vinh công trạng của tập thể, cá nhân, gia đình của cấp có thẩm quyền được quy định bằng động từ trang trọng “tặng” hoặc “truy tặng”; nhưng tại một số điều quy định tiêu chuẩn tặng Huân chương Độc lập, Lao động cho đối tượng tập thể và Điều 78 lại quy định “công nhận” thay “tặng”.
Về đối tượng khen thưởng tại một số điều chỉ quy định “tập thể, cá nhân”; thiếu đối tượng “gia đình”.
Thứ tư, Đối tượng áp dụng, phạm vi điều chỉnh của Luật rất rộng, về ngôn ngữ trong luật phải phù hợp với các đối tượng điều chỉnh, một số điều sử dụng ngôn ngữ chỉ phù hợp với khu vực công.
Ví dụ như “người làm công tác thi đua, khen thưởng” thay bằng “người làm thi đua, khen thưởng” hoặc “có thời gian công tác” thay bằng “có thời gian làm việc”.
Thứ năm, Luật quy định thẩm quyền cấp quân khu, quân đoàn tặng Cờ thi đua, Bằng khen. Đề nghị các lại hình khen thưởng này cũng phải được quy định là tiêu chuẩn khen thưởng cấp nhà nước. Ví dụ như: 3 cờ cấp Quân khu quy đổi bằng 2 cờ Bộ Quốc phòng./.